Mỹ tự xưng là một nước mạnh nhất thế giới. Nhưng sự thật Mỹ chỉ là con cọp giấy, nó sợ cả con thỏ, sợ cả con tôm! Xin bà con xem hai chuyện sau đây:

- Mỹ sợ thỏ: Các nhà in Mỹ bán rất nhiều tiểu thuyết cho trẻ con. Những tiểu thuyết kể chuyện kiếm hiệp, cao bồi, giết người, trộm cướp, hiếp dâm, nói tóm lại những tiểu thuyết “giật gân” thì tha hồ bán.

- Nhưng vừa rồi, nhà in Hácpơ (ở châu Alabama) mới in một quyển tiểu thuyết, nội dung tóm tắt như sau: một cậu Thỏ Trắng lấy một cô Thỏ Đen. Hôm ăn cưới, các loài thú và các thứ chim vui vẻ đến chúc mừng vợ chồng thỏ “bách niên giai lão”… Về sau, vợ chồng thỏ sống một đời hạnh phúc, sinh con đẻ cháu thành đàn…

Vừa ra đời, thì quyển tiểu thuyết thỏ bị người da trắng phản đối kịch liệt. Một tờ báo địa phương đã dành cả một trang đầu để công kích vợ chồng thỏ, lấy lẽ rằng: Cái gì loài thỏ làm được, thì loài người cũng làm được. Thỏ trắng lấy thỏ đen làm vợ, thì trai Mỹ da trắng cũng có thể lấy gái Mỹ da đen. Trời ơi! Như thế thì còn gì là chính sách “Phân biệt nòi giống”?

Kết quả là quyển tiểu thuyết thỏ bị cấm!

- Mỹ sợ tôm: Với cái gọi là “Điều ước cấm vận”, Mỹ ép buộc các nước phe Mỹ không được buôn bán với các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều ước ấy sứt mẻ dần, các nước phe Mỹ đều tìm cách buôn bán với các nước phe ta, như Canađa đã mua tôm Trung Quốc.

Vì biên giới liền nhau, Canađa chở tôm từ chỗ A đến chỗ B, phải đi qua một đoạn đường thuộc địa phận Mỹ.

Tháng 5 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ đã “nghiêm khắc yêu cầu Canađa đừng chở tôm của Trung Hoa đỏ đi qua địa phận Mỹ, dù chỉ đi một bước thôi”.

Canađa cãi lại: Từ trước đến nay, tôm vẫn đi qua địa phận Mỹ, nhưng nó có gây ra chuyện gì rắc rối đâu!

Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời: “Trước kia thế nào mặc. Bây giờ Mỹ đã suy nghĩ và đã quyết định phải có thái độ cứng rắn với tôm Trung Hoa!”.

Vậy có thơ rằng:

Mỹ sợ cả thỏ, cả tôm,

Nhưng vẫn to mồm, khoác lác, ba hoa.

“Thế gian chỉ có Mỹ ta

Thật là hùng mạnh, thật là văn minh!”.

T.L.

--------------------

Báo Nhân Dân, số 1909, ngày 7-6-1959, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.