Nhiệm vụ của Công an là: Bảo vệ nhân dân, giữ gìn trật tự trị an, tẩy trừ những kẻ gian tế.

Muốn làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang ấy, Công an cần phải đoàn kết nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng rộng lớn của nhân dân. Như vậy, nhân dân sẽ ra sức giúp Công an làm tròn nhiệm vụ. Vài thí dụ:

- Vừa rồi ở Thượng Hải (một thành phố có gần 8 triệu dân), một đêm thanh vắng, ở một đường phố hiu quạnh có một chàng "mày râu chải chuốt, áo quần bảnh bao" mang rất nhiều đồ đạc, thuê một chiếc xe hơi chở đi.

Người lái xe nghĩ thầm: Đêm khuya thế này, đồ nhiều thế kia, rất đáng để ý. Thế rồi anh lái thẳng xe đến đồn Công an. Sau khi điều tra, thì người khách đi xe thú nhận y là kẻ trộm.

- Ở Thủ đô Hà Nội ta - một chàng tuổi trẻ thuê một xe xích lô chở một chiếc xe đạp mới tinh.

Đồng chí xích lô thầm nghĩ: Kỳ quái! Chàng này có xe đạp mới, vì sao lại đi xích lô?

Cũng như những công nhân Thượng Hải, người công nhân Hà Nội chở cả khách lẫn xe đạp đến một đồn Công an. Xét ra, thì người khách kia vừa mới xoáy chiếc xe đạp của người khác, nhưng vì xe đạp có khóa, anh chàng "dong" đi không được, phải thuê xích lô.

Hai việc trên đây tỏ rằng: Khi nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ công dân của mình, khi Công an được nhân dân giúp sức, thì lũ gian tế không thể nào lọt lưới và trị an trật tự sẽ được hoàn toàn.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 533, ngày 18-8-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.83-84.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.