Công nhân là giai cấp lãnh đạo: Lãnh đạo trong tinh thần hy sinh chịu đựng, lãnh đạo trong đấu tranh, lãnh đạo trong xây dựng.
Trong kháng chiến, công nhân ta (công nhân sản xuất và công nhân vận tải) đã chịu nhiều gian khổ, vượt nhiều khó khăn, để cung cấp đầy đủ vũ khí cho bộ đội đánh thắng.
Trước ngày tiếp quản các thành phố, công nhân ta đã đấu tranh anh dũng để giữ gìn công xưởng và máy móc, chống bọn cướp giật và phá hoại.
Khi các thành thị đã giải phóng, công nhân ta đã cố gắng làm cho các nhà máy chạy đều, để phục vụ nhân dân.
Hiện nay, công nhân ta đã tự động thi đua, thực hiện cần kiệm, để khôi phục mau chóng kinh tế nước nhà, như:
Công nhân nhà máy Gia Lâm tự động đặt kế hoạch thi đua: Trong 3 tháng quyết sửa xong 2 đầu máy xe lửa. Trước kia, mỗi ngày mỗi người làm 1 chiếc bù loong, nay làm được 10 chiếc. Như vậy là 1 người đã sản xuất bằng 10 người.
Công nhân nhà máy điện Bờ Hồ đã có sáng kiến tiết kiệm sức điện. Trước kia, ban ngày cũng mở 20 ngọn đèn điện to. Nay, anh em chỉ mở 5 ngọn. Anh em lại kiểm soát chặt chẽ việc dùng điện trong nhà máy và ngoài phố. Như vậy, đã tránh được nhiều lãng phí và tiết kiệm rất nhiều cho của công.
Về cá nhân thì có những người như chị Nhật (công nhân nhà điện). Chị Nhật đã có công cùng anh em giữ máy móc, nay lại hăng hái tham gia thi đua. Hồi còn Tây, mỗi ngày chị làm tốn 4 cái chổi, 2 ngày 1 cái thùng, 5 ngày 1 cái xẻng. Nay chị Nhật ra sức tiết kiệm, mỗi ngày chỉ mất một cái chổi, 5 ngày chỉ dùng 1 cái thùng, và 1 cái xẻng sẽ dùng được 4, 5 tháng. Trước kia, làm suốt 4 giờ mà không xong việc, nay làm xong trong 3 giờ, còn 1 giờ chị Nhật giúp làm việc khác.
Đó là những công nhân gương mẫu. Họ đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.
Cần và kiệm là 2 cột trụ để xây dựng nước nhà. Mọi người, mọi ngành đều theo gương mẫu cần kiệm của công nhân, thì nước Việt Nam ta nhất định mau đi đến nước giàu, dân mạnh.
C.B.
-----------
- Báo Nhân Dân, số 247, ngày 27-10-1954, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.94-95.