Cầu đường là mạch máu của một nước.
Cầu đường tốt thì lợi cho kinh tế: hàng hóa dễ lưu thông, sinh hoạt đỡ đắt đỏ, nhân dân khỏi thiếu thốn.
Cầu đường tốt thì lợi cho quân sự: bộ đội ta chuyển vận nhanh, đánh thắng nhiều.
Cầu đường tốt thì lợi cho chính trị: ý nguyện và tình hình của nhân dân nhanh chóng lên đến Đảng và Chính phủ, chính sách và chỉ thị của Đảng và Chính phủ mau chóng thông đến nhân dân.
Nói tóm lại, cầu đường tốt thì nhiều việc dễ dàng và thuận lợi hơn. Vì vậy, làm cầu đường cũng như một chiến dịch. Người làm cầu đường cũng là chiến sĩ. Cho nên:
Lãnh đạo về chính trị và kỹ thuật phải vững chắc.
Tổ chức từ xã đến công trường phải chặt chẽ.
Kế hoạch phải tỉ mỉ và đầy đủ, để tránh lãng phí dân công, vật liệu và ngày giờ.
Tư tưởng phải thông suốt từ cấp lãnh đạo đến anh chị em dân công.
Tác phong phải dân chủ, dựa vào lực lượng quần chúng, học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng.
Cán bộ phải làm gương mẫu, đi sát với quần chúng, việc tuyên truyền, cổ động, đôn đốc, kiểm tra, thưởng phạt phải đúng mực.
Việc làm cầu đường đã nảy nở nhiều chiến sĩ thi đua xuất sắc, như:
Đồng chí Mao (nữ thanh niên) tăng năng suất hơn gấp 5 mức đã định.
Đồng chí Lý (nữ thanh niên) tăng năng suất hơn gấp 3.
Đồng chí Chum tăng năng suất hơn gấp 4 rưỡi.
Đồng chí Phúc tăng năng suất hơn gấp 4.
Đồng chí Chiểu tăng năng suất hơn gấp 3 rưỡi.
Đồng chí Đoan tăng năng suất hơn gấp 3.
Còn nhiều chiến sĩ khác. Các chiến sĩ có thành tích xuất sắc cần được khen thưởng. Những kinh nghiệm quý báu cần được phổ biến mau chóng và rộng khắp. Phong trào thi đua cần được đẩy mạnh và bền bỉ. Như vậy, thì công tác cầu đường nhất định thắng lợi.
C.B.
---------
- Báo Nhân Dân, số 119, từ ngày 21 đến ngày 25-6-1953, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.149-150.