Chủ nghĩa xã hội là gì? Là mỗi người làm hết năng lực của mình, mỗi người được hưởng theo năng suất của mình. Chủ nghĩa cộng sản là gì? Là mỗi người làm hết năng lực của mình, mỗi người được hưởng theo sự cần dùng của mình. Muốn đi đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản, thì phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, để sản xuất thật đầy đủ, thật dồi dào tất cả những thứ cần cho đời sống của mỗi người.

35 năm trước, Nga là một nước nông nghiệp lạc hậu. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười thành công. Lúc đó, Nga vừa trải qua mấy năm chiến tranh (Đại chiến thứ nhất). Kế đến bị "lũ ăn cướp đế quốc và lũ bù nhìn phá hoại, làm cho Nga chết dở sống dở”. Dưới sự lãnh đạo của Lênin và Xtalin, của Đảng Cộng sản và Chính phủ Xôviết, nhân dân Liên Xô nhịn ăn nhịn mặc, ra sức sản xuất, thực hành tiết kiệm, để xây dựng lại kinh tế. Sau ba lần kế hoạch 5 năm, Liên Xô đã thành một nước công nghiệp vào bực nhất trên thế giới. Đến năm 1941, lại bị phát xít Đức xâm lược, Liên Xô phải hy sinh rất nhiều người, nhiều của trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Kháng chiến thắng lợi rồi, nhân dân Liên Xô liền bắt tay vào việc: một mặt khôi phục lại những công nghiệp và nông nghiệp bị giặc Đức tàn phá, một mặt tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ trong 5 năm (từ 1946 đến 1950), kinh tế Liên Xô chẳng những đã hoàn toàn khôi phục, mà còn vượt mức trước thời kỳ chiến tranh.

So sánh mức phát triển sản xuất công nghiệp của Liên Xô với các nước tư bản (lấy con số năm 1929 là 100 phần 100), thì ta thấy:

   1947  1949
 Liên Xô tăng  570  862
 Mỹ tăng  170  159
 Anh tăng  121  142
 Pháp tăng  75  90

Vì kinh tế Liên Xô phát triển mạnh như thế, nên trong lúc ở các nước tư bản, giá sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhân dân ngày càng túng thiếu, thì Liên Xô đã 5 lần giảm giá các thứ hàng hóa: tháng 12-1947, tháng 3-1949, tháng 3-1950, tháng 3-1951 và tháng …… -1952. Do đó, đời sống của nhân dân Liên Xô ngày càng thêm sung túc.

Từ 1950, Liên Xô bắt đầu xây dựng những công trình vĩ đại gọi là công trình cộng sản, định trong năm 1957 thì làm xong. Kế hoạch ấy đại cương như sau:

1- Lập 2 nhà máy điện to và đào kênh dẫn nước tưới ruộng ở Quybisép (Kouibychev) và Xtalingơrát (Stalingrad).

2- Đào kênh Tuyếcmêníttăng (Turkmenistan), dài 1.100 cây số, lập 3 nhà máy điện to và đào 1.200 cây số kênh con. Nhờ đó, vùng Tuyếcmêníttăng hiện nay là một truông cát, sau này có nước, có điện sẽ thành một vùng công nghiệp và nông nghiệp to lớn.

3- Đào kênh từ phía Nam Uycơren (Ukraine) đến Cơrim (Crimée) dài 550 cây số, và lập nhà máy điện to.

4- Đào kênh thông sông Vônga (Volga) sang sông Đông (Don) và lập nhà máy điện. Việc này năm 1951 đã làm xong. Do đó, Mạc Tư Khoa đã thông với 5 bể: Bạch Hải, bể Bantích, bể Cátpiên, Hắc Hải và bể Adốp. Từ Nam đến Bắc, tàu bè đi được 30.000 cây số.

Thêm vào đó, từ 1948, đã bắt đầu kế hoạch trồng cây xây rừng trong 15 năm để chống đại hạn cho miền Tây Liên Xô, trên một vùng rộng bằng hai nước Pháp; và đào một cái kênh dài 930 cây số ở Xibêri, nối liền các con sông từ Bắc Băng Dương đến Cátpiên ở phía Nam Liên Xô.

Trong 6 năm nữa, khắp Liên Xô, thành thị và thôn quê, nơi nào cũng có điện, ruộng đất nơi nào cũng đủ nước. Do đó, công nghiệp, nông nghiệp, vận tải sẽ tiến vọt. Lại do đó mà mực sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng tiến vọt. Nghĩa là xây dựng nền tảng cho một xã hội cộng sản.

Những con kênh trên cộng lại dài 4.500 cây số. Nó sẽ biến 28 triệu mẫu tây ruộng cát thành ruộng tốt, đủ làm cho 100 triệu người ấm no. Nó sẽ cung cấp 22 nghìn triệu kilôoát sức điện, nghĩa là đủ thay thế sức lao động cho 40 triệu người.

Để xây dựng những công trình to tát ấy, tất cả các ngành hoạt động (chính trị, kinh tế, v.v.) và tất cả các ngành khoa học (địa lý, hóa chất, vật lý, máy móc, v.v.) đều liên lạc chặt chẽ và thi đua với nhau. Đồng thời, dùng những thứ máy khổng lồ chưa từng có trên thế giới như máy đào đất mỗi cái thay thế cho 10.000 đến 35.000 công nhân và 15.000 con ngựa, máy đúc xi măng mỗi giờ đúc được 1.000 thước khối, v.v..

Trước đây, các nước tư bản cũng có xây dựng vài công trình khá to. Nhưng so với những công trình ở Liên Xô thì những công trình của tư bản nhỏ hơn, mà ngày giờ lại tốn nhiều hơn. Thí dụ: kênh Panama (Mỹ), dài 81 cây số, phải đào 212 triệu thước khối đất, mà tốn công 34 năm; kênh Xuyê (Âu), dài 166 cây số, phải đào 75 triệu thước khối đất, mà tốn công 11 năm. Kênh Tuyếcmêníttăng và kênh con, dài 2.300 cây số, phải đào 400 triệu thước khối đất, chỉ tốn công 7 năm. Nên nói thêm một điều là: trong khi đế quốc Mỹ đưa bom nguyên tử ra đe dọa thiên hạ, thì Liên Xô dùng sức nguyên tử để đào kênh san núi, để cải tạo thiên nhiên, để xây dựng hạnh phúc cho nhân dân Liên Xô và chung cho loài người.

Để hoàn thành công trình vĩ đại nói trên, nhân dân Liên Xô thi đua nâng cao năng suất, tiết kiệm thời giờ, sức lao động và vật liệu. Đồng thời, triệt để thực hiện dân chủ, nghĩa là gom góp sáng kiến, phổ biến kinh nghiệm của mọi người, ngăn ngừa tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.

Công cuộc xây dựng ở Liên Xô cũng thấy rõ trong ngân sách. Nhờ tăng gia sản xuất và tiết kiệm, năm nào số thu cũng nhiều hơn số chi.

SỐ THU:

1950: 422,800 triệu rúp.

1954: 462.800 triệu rúp.

1952: 508.800 triệu rúp.

SỐ CHI:

1950: 413.500 triệu rúp

1951: 441.300 triệu rúp.

1952: 476.900 triệu rúp.

C.B.

----------

Báo Nhân Dân, số 53, ngày 10-4-1952, tr. 3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.