Từ chỗ làm ăn riêng lẻ tiến lên tổ đổi công, từ tổ đổi công tiến lên hợp tác xã nhỏ, từ hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã to. Đó là bước tiến không ngừng của nông dân Trung Quốc.

Khi đã thành những hợp tác xã to, họ thấy rằng nếu tổ chức rộng hơn nữa thì sản xuất sẽ phát triển nhiều hơn nữa. Vả lại, qua cuộc chỉnh phong, sự giáo dục về chủ nghĩa xã hội càng ăn sâu lan rộng vào quần chúng nông dân, họ thấy rõ và quyết tâm tiến lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, phong trào tổ chức công xã mới bắt đầu khoảng tháng 4 năm nay, mà hiện nay đã lan khắp cả nước.

Công xã nhân dân là gì?

Nó là một tổ chức lấy hợp tác xã to làm nền tảng, bao gồm cả một hương to hoặc hai hương nhỏ, có từ 8.000 đến hơn 20.000 nông hộ. Xin lấy khu Tín Dương (Hà Nam) làm thí dụ: Đến tháng 6 năm nay, khu này có 5.376 hợp tác xã to. Nay hợp lại thành 208 công xã, trong đó công xã Siêu Anh có 20.457 hộ. Trong cuộc vận động tổ chức công xã, đảng bộ địa phương đưa ra cho nhân dân thảo luận ba vấn đề:

- Nên hay là không nên xây dựng công xã?

- Công xã có gì tốt hơn hợp tác xã to?

- Chúng ta có thể hay là không có thể xây dựng tốt công xã?

Sau khi bàn cãi sôi nổi và kỹ càng, nhân dân nhất trí nhận rằng công xã có 10 điều lợi to:

1- Củng cố hơn nữa chế độ sở hữu chung, và nâng cao thêm chủ nghĩa tập thể.

2- Phát triển được hơn nữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

3- Thực hiện được nhanh chóng việc dùng sức điện, máy móc trong nông nghiệp.

4- Dễ dàng cho việc xây dựng cơ bản với quy mô lớn.

5- Người nhiều, vốn nhiều, dễ phát triển nhiều ngành kinh tế.

6- Cốt cán nhiều hơn, sức lao động tập trung hơn và dễ phân phối hơn, lại có thể bồi dưỡng nhiều phần tử tích cực đã “hồng” lại “chuyên” cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

7- Dễ dàng đào tạo cán bộ và nhân tài cho các ngành kỹ thuật.

8- Dễ phát triển nhanh chóng văn hóa, giao thông vận tải, v.v..

9- Đủ sức để chống mọi thiên tai, do đó mà tăng gia sản xuất và cải thiện đời sống được nhanh hơn.

10- Việc Đảng lãnh đạo công xã sẽ tăng cường hơn.

Vì vậy mà nhân dân đã tự động và quyết tâm xây dựng công xã. Ngay sau khi thành lập công xã, nông dân đã lập những thành tích mới. Như công xã Siêu Anh chỉ trong 10 hôm đã điều động được 2.500 cán bộ và 17.500 xã viên xây dựng xong 3.250 xưởng gang thép, máy móc, xi măng, phân hóa học, v.v. và đang xây dựng thêm 1.280 xưởng nữa. Để đảm bảo năm nay sản xuất 80 vạn tấn sắt và 20 vạn tấn gang, khu Tín Dương đã tổ chức 30 vạn xã viên làm việc cả ngày cả đêm.

Để tỏ quyết tâm và để chúc mừng công xã, chỉ trong 10 hôm, nông dân Siêu Anh đã trồng xong 1.400 mẫu tây khoai, tát nước nuôi 2.440 mẫu mạ, trữ được 40 triệu gánh phân.

Đặc điểm của công xã

1- Công xã không những là một tổ chức nông nghiệp, mà nó bao gồm cả các ngành kinh tế khác: Công nghiệp, thương nghiệp, giao thông, ngân hàng... do đó mà sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn sẽ được xóa bỏ dần.

Nó cũng phụ trách công việc văn hóa giáo dục (lập các trường tiểu học, trung học, chuyên khoa...) làm cho mọi xã viên đều được nâng cao trình độ văn hóa. Do đó mà sự phân biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay dần dần được xóa bỏ.

Nó sẽ thực hành vũ trang toàn dân. Thanh niên trai tráng từ 16 đến 40 tuổi và quân nhân phục viên tổ chức thành dân binh, học tập quân sự. Trong đó những người từ 18 đến 25 tuổi tổ chức thành những đại đội, trung đội, tiểu đội. Ở xã thì họ là đội nông dân xung phong. Khi Nhà nước làm những công trình lớn (khai mỏ, làm thủy nông...) thì họ đi tham gia như công nhân. Đến lượt thì họ là tân binh của quân đội để củng cố quốc phòng.

Nói tóm lại: công xã là công, nông, thương, học, binh - thành một hệ thống chung. Nó phụ trách cả kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự.

2- Vì người đông, sức mạnh, của nhiều, cho nên công xã phát triển kinh tế dễ dàng, làm cho nông thôn nhanh chóng có sức điện và máy móc.

3- Nó thay thế cho bộ máy hành chính cấp hương, nó là đơn vị cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Vì hương biến thành công xã cho nên Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính của hương sẽ kiêm nhiệm đại hội đại biểu của xã viên và ban quản lý của công xã.

4- Hợp tác xã là chế độ sở hữu tập thể nông dân, công xã phát triển dần thành chế độ sở hữu toàn dân. Quan hệ sản xuất tiến lên một bước, càng có lợi cho sức sản xuất của xã hội và sự phát triển kinh tế của quốc dân.

5- Chế độ tính số ngày lao động mà chia thu hoạch (của hợp tác xã) sẽ dần dần thay thế bằng chế độ trả lương (bằng lương thực và bằng tiền). Như vậy, đời sống và khoản thu nhập của xã viên càng được đảm bảo, và công xã càng dễ phát triển công việc tái sản xuất, sự nghiệp văn hóa giáo dục và xã hội.

6- Vì có những nhà ăn chung, những tổ may mặc, những nhà gửi trẻ... mà phụ nữ được thật sự giải phóng để tham gia lao động. Những người già yếu, tàn tật sẽ được công xã giúp đỡ. Nhà cửa, vườn tược được xây dựng theo kế hoạch, sẽ xinh đẹp hơn. Tất cả những điều đó sẽ làm cho nông thôn vui tươi như thành thị.

Xây dựng công xã phải đi đúng đường lối quần chúng, phải do quần chúng tự giác, tự nguyện. Cho nên điều chủ chốt là phát động tư tưởng của quần chúng, khuyến khích quần chúng bàn cãi sâu sắc kỹ càng, nói hết ý kiến; nhân đó mà giáo dục quần chúng khắc phục những tư tưởng bảo thủ, đánh tan ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa bình dân, chủ nghĩa bản vị... Xây dựng công xã cũng phải thực hiện phương châm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”; phải làm cho quần chúng thấy rõ tính chất tốt đẹp của công xã.

Hiện nay toàn thể nông dân hai tỉnh Liêu Ninh và Hà Nam đã tham gia công xã. Tỉnh Hà Nam có tất cả là 1.378 công xã, bình quân mỗi xã có 7.200 hộ. Các tỉnh khác như Quảng Tây, An Huy, Tứ Xuyên, Hà Bắc, Sơn Tây... đều đang tiếp tục xây dựng. Như ở tỉnh Sơn Tây, sau khi thành lập, công xã có một lực lượng lao động tổ chức chặt chẽ gồm có 3 triệu 66 vạn nông dân từ 16 đến 55 tuổi. Đó là những người vừa nông, vừa công, vừa binh. Vì tổ chức tiến lên, cho nên năng suất lao động nâng cao gấp bội: chỉ trong 50 ngày, họ đã hoàn thành một kho chứa nước ở hương Phong Thành mà kế hoạch định phải 370 ngày mới làm xong.

Công xã xây dựng được nhanh và tốt là vì nông dân đã có kinh nghiệm từ tổ đổi công đến hợp tác xã lớn; vì cuộc chỉnh phong đã giáo dục họ thấy rõ lợi ích của chủ nghĩa xã hội; vì trước khi xây dựng, các cấp ủy Đảng đã ra sức đánh thông tư tưởng, đi đúng đường lối quần chúng bằng cách phát động quần chúng “đại minh đại phóng”. Để hoan nghênh công xã, nông dân Trung Quốc đã truyền tụng những câu thơ như sau:

“Bàn Cổ dùng búa đẽo trời đất[1]

Nay Đảng rèn búa cho chúng ta,

Mọi người nắm vững cái búa ấy,

Khó khăn tày trời, cũng vượt qua...

....

Công xã ích lợi nói sao cho hết,

Lực lượng tập thể xây dựng thiên đường...”.

TRẦN LỰC

----------------

Báo Nhân Dân, số 1645, ngày 14-9-1958, tr.3.


[1]. Chuyện thần thoại Trung Quốc: Ông Bàn Cổ dùng búa đẽo ra trời đất.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.