Từ ngày 29-3, Tòa án cách mạng Cu Ba bắt đầu xử 1.179 tên phản quốc gồm có những chủ ngân hàng, chủ nhà máy, đại địa chủ, quân phiệt cũ, và thổ phỉ, du côn. Do Mỹ tổ chức, huấn luyện, vũ trang và chỉ huy, chúng đã tấn công vào Tổ quốc Cu Ba hồi tháng 4 năm ngoái. Chúng hòng lật đổ chính quyền cách mạng, và lập ra chính phủ bù nhìn tay sai của Mỹ. Nhưng tất cả bọn chúng, không sót tên nào, đã sa vào lưới sắt của quân đội cách mạng và nhân dân yêu nước.

Bọn đế quốc Hoa Kỳ âm mưu phá hoại Cu Ba, chẳng những vì Cu Ba cách mạng, mà còn vì cách mạng Cu Ba nêu gương đấu tranh cho hàng trăm triệu nhân dân châu Mỹ Latinh đang bị phong kiến bản xứ và tư bản Hoa Kỳ áp bức bóc lột thậm tệ. Số đại địa chủ có 1.000 mẫu tây trở lên so với tổng số nhân dân:

Ở Brêdin chỉ chiếm 1,5% mà chiếm 48% tổng số ruộng đất,

Ở Mếchxích[ 1] chỉ chiếm 1,4% mà chiếm 55% tổng số ruộng đất,

Ở Sili[2] chỉ chiếm 1,4% mà chiếm 68% tổng số ruộng đất.

Ở các nước châu Mỹ Latinh khác, tình hình cũng giống như vậy. Và khắp châu Mỹ Latinh đều bị bọn tư bản lũng đoạn Hoa Kỳ bóc lột ngày càng tàn nhẫn thêm.

Năm 1914, tư bản Hoa Kỳ ở châu Mỹ Latinh là 1.600 triệu đôla, năm 1960 tăng đến hơn 10.000 triệu.

Chúng lái các nước châu Mỹ Latinh vào lối sản xuất đơn thuần những thứ nguyên liệu cần thiết cho chúng. Nước thì chỉ sản xuất dầu lửa. Nước thì chỉ sản xuất đồng, chì. Nước thì chỉ sản xuất thịt và lông cừu. Nước thì chỉ sản xuất bông, chè, cà phê, v.v.. Do đó, kinh tế các nước ấy hoàn toàn bị phụ thuộc vào Hoa Kỳ, và nhân dân lao động các nước ấy đều bị tư bản Hoa Kỳ bắt làm nô lệ.

Người ta tính rằng: gần 200 triệu nhân dân châu Mỹ Latinh
(2 phần 3 là người Anhđiêng[ 3], người da đen và người lai), mỗi năm vì đói khát và tật bệnh mà chết đến 2 triệu người. Trong lúc đó, mỗi năm tư bản Hoa Kỳ thu khoảng 2.000 triệu đôla tiền lãi. Thế là mỗi ngày các nước châu Mỹ Latinh đã mất 5.500 mạng người, lại mất 5 triệu đôla cho tư bản Mỹ!

Cách mạng Cu Ba đã thức tỉnh những người nô lệ đó, và làm cho họ thấy rằng muốn thoát khỏi kiếp ngựa trâu thì phải làm cách mạng.

Hoa Kỳ có 180 triệu người và một lực lượng quân sự khổng lồ.

Cu Ba chỉ có hơn 6 triệu người và chỉ cách Hoa Kỳ hơn 100 cây số.

Nếu so sánh lực lượng vật chất thì hoàn cảnh của Cu Ba vô cùng khó khăn. Nhưng Cu Ba đã gan dạ đứng lên chống đế quốc Mỹ, và đã thắng lợi. Cu Ba thắng lợi là vì Cu Ba có chính nghĩa, vì nhân dân Cu Ba đoàn kết nhất trí, anh dũng chiến đấu, vì Cu Ba được sự đồng tình và ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa và của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Dù đế quốc Mỹ dùng mọi âm mưu thâm độc, dùng mọi lực lượng phản động, chúng cũng sẽ thất bại. Mà thắng lợi của Cu Ba thì càng cổ vũ các dân tộc đang đoàn kết chống đế quốc Mỹ, làm cho họ càng tin chắc rằng nhất định họ sẽ thắng. Tòa án cách mạng Cu Ba trị tội bọn phản động, đồng thời cũng lên án tội ác của đế quốc Mỹ.

Hoan hô Cu Ba anh hùng!

T.L.

----------------------------------

[1]. Nước Mêhicô (B.T).

[2]. Nước Chilê (B.T).

[3]. Người da đỏ (B.T).

Báo Nhân Dân, số 2933, ngày 4-4-1962, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.370-371.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.