Phong trào trồng khoai ụ là một việc tốt. Nó chứng tỏ rằng bà con nông dân ta ham học cách trồng trọt mới và hăng hái tăng gia sản xuất.

Có nơi khoai ụ có củ nhiều, vì cán bộ hướng dẫn đến nơi đến chốn. Nhưng có nơi khoai ụ rất ít củ (như ở Nghệ An, Hà Tĩnh…), vì cán bộ lãnh đạo một cách quan liêu (Việc chống hạn cũng như vậy: Cán bộ hướng dẫn thiết thực, cùng nông dân ra sức đào giếng, khơi mương, thì đủ nước tưới ruộng. Cán bộ còn nặng bệnh quan liêu, đại khái, thì kết quả kém).

Về việc trồng khoai, sau đây là một kinh nghiệm tốt, mong bà con làm thử và phổ biến:

Ông Lê Văn Trác, ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đã trồng khoai hố như sau: Đào một hố, vuông vực 1 thước tây, sâu 60 phân. Trước khi trồng, dùng phân lợn ải trộn với vôi bột và đất vách đổ vào hố, đặt 4 củ khoai giống, rồi vun đất lên.

Độ 3 tháng sau, dây khoai bò ra thì bắt nó vào hố, rồi lại lấp đất lên. Sau đó, dây lại bò ra thì cho dây leo lên các cành khô, không để dây bám xuống đất.

Kết quả: Một hố khoai đã được hơn 70 ki-lô, trong đó có một củ nặng 8 ki-lô 2, một củ hơn 6 ki-lô, 3 củ nặng 4 ki-lô, và nhiều củ nặng 1 ki-lô.

Nghe nói vì sáng kiến trồng khoai hố, ông Trác sẽ được bằng khen của Chính phủ. Như thế là ông Trác đã được lợi, lại được danh. Ông Trác làm được, thì chắc bà con nông dân đều có thể làm được.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 703, ngày 4-2-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.