Hiện nay miền Bắc đã có 17 nghìn đội thủy lợi gồm 33 vạn đội viên. Miền núi cũng đã có hơn 1.100 đội.

Các đội thủy lợi đã có tác dụng lớn trong việc hoàn thành kế hoạch thủy lợi năm nay, lại góp phần tăng thêm sức lao động cho hợp tác xã để chăm bón cho lúa, hoa màu và cây công nghiệp. Vài thí dụ:

- Chỉ tính các hợp tác xã trong năm tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Đông nhờ tăng năng suất lao động trong thủy lợi mà tiết kiệm được hàng triệu ngày công đưa vào các việc cày, bừa, làm phân bón, cào cỏ, v.v. làm cho đồng ruộng tốt, thu hoạch tăng.

- Về thủy lợi lớn, đến tháng 9-1964 năng suất bình quân toàn miền Bắc đã cao hơn năm 1963 là 69%. Ở công trường mở rộng kênh Bắc - Hưng - Hải (đoạn Tăng Bảo) 400 đội với 6.000 người, nhờ năng suất tăng gấp đôi mà tiết kiệm được 71.612 ngày công.

Đội thủy lợi của Hồng Thái ngày 24-11 năng suất đã đạt bình quân mỗi công 16 thước khối đất.

Đội Tiền Phong (Hải Dương) trên công trường Vĩnh Lập, bình quân mỗi công đạt 12 thước khối 300.

Đội Trai Trang (Hưng Yên), bình quân mỗi công gần chín thước khối.

- Về thủy lợi vừa, chín tháng đầu năm đã có mười tỉnh vượt kế hoạch từ 110% đến 168%.

- Về thủy lợi nhỏ, cuối tháng 10 đã có 19 tỉnh đào đắp được 123 triệu thước khối, vượt kế hoạch cả năm 4%.

Nhờ làm thủy lợi lớn và vừa có năng suất thêm cao, thời gian rút ngắn, khi trở về hợp tác xã, đội thủy lợi đã thúc đẩy được phong trào làm thủy lợi nhỏ phát triển mạnh. Như hợp tác xã Hồng Thái, ba tháng qua đã đào 7 máng lớn và vừa dài 4.400 thước, đắp 125 bờ thửa, 67 mương chân rết, và đào 1 mẫu 8 sào ao ương cá giống, bình quân đào đắp được hơn 18 thước khối mỗi đầu người, nếu tính cả năm thì được 81 thước khối một người.

Hiện nay, bà con xã viên ngày càng yêu quý đội thủy lợi, vì nó làm lợi cho Nhà nước, cho hợp tác xã và cho đội nữa.

Nhưng vẫn có những tỉnh chỉ lo tổ chức ra đội mà không lo củng cố đội cho tốt, cho mạnh. Vì vậy có những đội lập ra, rồi lại vỡ. Như Hà Đông đã vỡ 200 đội, Hà Tĩnh 80, Nam Định 55, Ninh Bình 54, Hải Phòng 34 đội (Hà Đông đã tổ chức lại được 163 đội). Có tỉnh tổ chức còn chậm.

Để củng cố đội, để cho đội không vỡ, thì cần:

- Thường xuyên giáo dục cho đội thấm nhuần tư tưởng làm chủ tập thể và đạo đức xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã phải theo dõi và giúp đỡ cho đội khi lên công trường.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ thuật cho đội. Hợp tác xã cần thực hiện tốt các chính sách cho đội, tính toán công điểm dứt khoát, công bằng, hợp lý cho đội viên. Các xã viên phải thông trong việc đóng góp. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu. Chi bộ phải lãnh đạo chặt chẽ.

- Phải có công cụ cải tiến cho đội, làm cho năm 1965 các đội thủy lợi trên công trường đạt được bình quân toàn miền Bắc 200% định mức nhà nước mà hội nghị các đội thủy lợi đã nhất trí tán thành.

Các tỉnh, huyện, xã cần phải kiểm tra để tăng cường và củng cố chất lượng các đội đã có, những nơi chưa tổ chức xong thì cần phải tổ chức ngay.

Những việc mà các đội thủy lợi Hồng Thái, Trai Trang, Tiền Phong, v.v. đã thực hiện được, thì cán bộ và đội viên các nơi khác cũng cần cố gắng thực hiện cho được.

Nhân dịp năm mới sắp đến, chúc các đội thủy lợi nhiều tiến bộ mới, thắng lợi mới.

T.L.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 3926, ngày 30-12-1964, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.436-438.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.