- Các báo Mỹ (11-8-1963) đăng tin: Em gái Mỹ da đen tên là Sirina Taylo, 14 tuổi ở thành phố Giớcxây gần Nữu Ước đã chết một cách oan uổng. Em đang ngồi chơi ở thềm nhà mình. Bỗng có 3 thanh niên Mỹ da trắng đi xe hơi qua đó. Chúng cho xe đi chậm lại và một đứa đã bắn một phát súng vào đầu em. Sirina bị vỡ sọ chết.

- Các báo Mỹ (13-8-1963) đăng tin: Bà Sécút người Mỹ da trắng là một nghệ sĩ tiến bộ. Bà vừa bị tòa án Alabama xử sáu tháng khổ sai. Nguyên nhân: Vì bà đã tham gia cuộc biểu tình của người Mỹ da đen chống phân biệt chủng tộc.

- Các báo Mỹ (15-8-1963) đăng tin: Bà Hácoen người Mỹ da trắng ở Lốt Angiơlét. Trong lúc bà đang thu xếp công việc trong nhà, bỗng có 3 tên Mỹ da trắng sừng sộ bước vào. Sau khi chửi mắng bà đi lại với người Mỹ da đen, chúng lột hết quần áo bà, trói bà lại, rẩy nhựa thông sôi đầy mình mẩy bà, rồi chúng châm lửa đốt nhà bà.

Tin tức như vậy ngày nào cũng có.

Hơn 100 năm nay, người Mỹ da đen không ngừng đấu tranh đòi bình đẳng, tự do và chống phân biệt chủng tộc. Nhưng các cuộc đấu tranh đều có tính bị động, "hòa bình". Do ảnh hưởng cách mạng Cu Ba và châu Phi, gần đây cuộc đấu tranh đã ăn sâu, lan rộng khắp nước Mỹ. Có những cuộc biểu tình rất to như ở Cựu Kim Sơn[1] (26-5-1963) có đến 35.000 người, ở Sicagô (4-7-1963) có đến 45.000 người...

Bộ Tư pháp Mỹ đã phải nhận rằng chỉ từ hạ tuần tháng 5 đến hạ tuần tháng 7, người Mỹ da đen đã tổ chức 559 cuộc biểu tình ở 169 thành phố.

Hôm 12-6-1963, tổng Ken cũng phải thú nhận rằng: "Hơn 100 năm trước đây, Mỹ đã định xóa bỏ chế độ nô lệ. Nhưng ngày nay người Mỹ da đen vẫn chưa được tự do. Vì vậy ngọn lửa thất vọng và bất hòa đang cháy ở các thành phố Mỹ, từ Bắc đến Nam...".

Đầu tháng 7 năm nay, "Liên minh khuyến khích tiến bộ của người Mỹ da đen" đã họp đại hội. 2.000 đại biểu thay mặt cho 40 vạn hội viên. Đại hội đã thông qua nghị quyết nội dung là: Từ nay phải hành động tích cực hơn nữa bằng những cuộc tuần hành thị uy, vận động quần chúng đưa yêu sách, v.v.. Đại hội đã phái những thanh niên hăng hái đi làm cốt cán cho các cuộc hoạt động... Mục đích trước mắt là đòi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật nhân quyền công dân của người Mỹ da đen.

Người bí thư của Liên minh đã tuyên bố: "Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua đạo luật đó, thì nước Mỹ chẳng khác gì một cái vỏ trống, không có linh hồn, không có ruột gan".

Các đoàn thể người Mỹ da đen quyết định hôm nay, 28-8 sẽ tổ chức một cuộc tuần hành thị uy khổng lồ, gồm 25 vạn người (nhiều người Mỹ da trắng tiến bộ cũng tham gia) kéo đến thủ đô Mỹ để đòi quyền công dân của họ.

Trước những cuộc đấu tranh kiên quyết và bền bỉ của 19 triệu người Mỹ da đen, bọn thống trị Mỹ da trắng đều hoang mang lo sợ.

Báo chí tư sản Mỹ như tờ Diễn đàn Nữu Ước đã viết: "Đây là cuộc cách mạng thứ hai ở Mỹ".

Nhân dân Việt Nam ta nhiệt liệt ủng hộ anh em Mỹ da đen và tin chắc rằng cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ sẽ thu được thắng lợi.

CHIẾN SĨ

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3440, ngày 28-8-1963, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.153-154.


[1]. Cựu Kim Sơn: San Francisco, bang California, Mỹ (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.