Trưa ngày 29 tháng 6.

Chúng tôi đang làm việc ở phòng giấy, bỗng thấy tổ trưởng là nữ đồng chí Xuân Lan hăm hở chạy lại báo chúng tôi: “Các cậu sướng nhé! Thôi, công việc để đó, chúng tớ chia nhau làm. Các cậu về chuẩn bị ngay, kẻo trễ!”

Chúng tôi ngạc nhiên không biết vì sao mà đặc biệt “sướng” và phải chuẩn bị gì. Xuân Lan móc túi lấy ra một cái phong bì, mở phong bì lấy ra một trang giấy đánh máy trao cho chúng tôi. Xem xong, mới biết rằng: Nhận lời mời của Trung ương Đảng cộng sản và Chính phủ Liên Xô, Bác sắp sang nghỉ hè một tháng ở nước anh em. Chúng tôi được phái đi phục vụ Bác.

Được đi theo Bác sang Liên Xô, sướng thật! Bàn giao công việc xong, chúng tôi vội vàng đến Phủ Chủ tịch để chuẩn bị hành lý của Bác gồm có: một bộ áo kaki (một bộ Bác đang mặc), hai bộ áo cánh, hai bộ áo lót, bốn cái mù soa, ba hộp thuốc lá, năm quyển sách. Không có bít tất, vì mùa nóng Bác không đi tất. Không có giày, vì Bác thích đi dép cao su. Tất cả hành lý vẻn vẹn nằm trong một chiếc va ly nhỏ. Chúng tôi trở về nhà chuẩn bị hành lý của mình, cũng là một chiếc va ly nhỏ.

Sáng sớm ngày 30-6-1959, mấy Bác cháu lên tàu bay ở sân bay Hà Nội. Các đồng chí Trung ương, mấy vị Bộ trưởng, các đồng chí ở Đại sứ quán Liên Xô và Đại sứ quán Trung Quốc đã đến trước ở sân bay, để tiễn Bác.

Bay độ bốn tiếng đồng hồ thì đến Hán Khẩu. Các đồng chí Trung Quốc mời Bác về nhà khách tạm nghỉ. Các đồng chí báo cáo: ở Bắc Kinh trời mưa to và sấm sét, tàu bay không thể xuống được. Có lẽ phải chờ đến ngày mai… Nhưng ngày mai chưa chắc trời tạnh. Để tranh thủ thời giờ, các đồng chí đề nghị tổ chức một chuyến xe lửa đặc biệt để Bác đi.

Mười giờ tối, xe lửa bắt đầu chạy. Mười giờ sáng hôm sau (1 tháng 7), xe đến Trịnh Châu. Các đồng chí Bí thư tỉnh ủy và Tỉnh trưởng Hà Nam lên xe chào Bác và báo cáo: Sáng nay, ở Bắc Kinh trời đã tạnh, và Trung ương đã phái một chiếc tàu bay đến đây đón Bác.

Ăn cơm trưa trên xe lửa. Ăn xong, các đồng chí mời Bác lên tàu bay. Hai giờ chiều đến sân bay Bắc Kinh. Đến sân bay đón Bác có các đồng chí Trung ương Trung cộng: Trần Nghị, Bành Chân, Vương Gia Tường, La Quý Ba (các đồng chí trung ương khác đều đi khai hội ở tỉnh ngoài, không ở Bắc Kinh), các đồng chí ở Đại sứ quán Liên Xô, đồng chí Trần Tử Bình và nhiều cán bộ của Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh.

Các đồng chí Trung Quốc mời Bác về nghỉ ở một biệt thự của Trung ương, ngoại ô Bắc Kinh.

Sáng ngày 2 tháng 7, chúng tôi theo Bác lên tàu bay “TU. 104”. Cùng những đồng chí hôm qua ra sân bay tiễn Bác.

Tàu bay “TU. 104” to ghê! Đồng chí trưởng tàu báo cáo với Bác: Tàu này:

Bề dài gần 39 thước tây;

Bề ngang hơn 34 thước rưỡi, từ đầu cánh này đến đầu cánh kia;

Cao gần 12 thước;

Chở được 8 tấn (hơn 70 người và hàng hóa);

Có thể bay một mạch 3.000 cây số;

Bay cao từ 1 vạn đến 1 vạn 2 nghìn thước tây;

Trung bình mỗi giờ bay từ 800 đến 900 cây số;

Khi bay cao, bên ngoài rét hơn 50 độ dưới 0[1], nhưng ở trong tàu vẫn ấm như thường;

Khi bay cũng như khi cất cánh và hạ cánh đều rất êm ái nhẹ nhàng.

Tàu có để dành một phòng riêng cho Bác. Lần đầu tiên được đi tàu bay to, chúng tôi cảm thấy như mình có cánh bay giữa lưng trời. Bay cao thì lướt nhanh trên một biển mây trắng mênh mông. Bay thấp thì trông thấy những rừng cây xanh rì, hoặc những đồng ruộng bát ngát từ phía trước chạy lại đón chào mình. Nói một giờ bay hơn 800 cây số, nghe qua thì cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng khi có mặt trời chiếu, rọi bóng chiếc tàu trên những đám mây hoặc trên những dãy núi, lúc đó mới thấy tàu bay nhanh thật. Hoặc nhẩm tính theo đường đi: Đi bộ đường trường và đường tốt, đi giỏi thì mỗi ngày được 40 cây số; đường núi thì mỗi ngày được 35 cây - nghĩa là tàu bay đi một giờ bằng đi bộ từ 20 đến 23 ngày!

Chúng tôi nhớ lại chuyện “Phong thần” và chuyện “Địch Thanh” có những người “cưỡi trên mây, bay theo gió”. Đối với người đời xưa, những điều đó là ảo tưởng, hoang đường, thì nay nhờ khoa học mà đã trở nên sự thật.

Tàu bay hạ cánh để nghỉ và để thêm dầu ở Lếckút Nôvôsibiếc và Svéclốp. Ở mỗi nơi đều có các đồng chí tỉnh ủy và tỉnh trưởng ra sân bay chào Bác. Hôm đó, vua nước Abixini (châu Phi) cũng vừa đến thăm nhà máy và mỏ vàng ở Svéclốp.

Hai giờ chiều, tàu bay đến Mátxcơva. Mátxcơva cách Bắc Kinh 6.250 cây số. Giờ Mátxcơva sớm hơn giờ Bắc Kinh 5 tiếng đồng hồ, ở Mátxcơva một giờ trưa thì ở Bắc Kinh đã 5 giờ chiều. Vì vậy người đi tàu bay từ phương Đông sang phương Tây, thường phải vặn đồng hồ chậm lại, đi từ phương Tây sang phương Đông thì phải vặn đồng hồ nhanh lên, tùy theo đường đất gần xa.

Đến sân bay đón Bác có đồng chí Vôrôsilốp cùng mấy đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao và trong Chính phủ. Hai cụ lão đồng chí vồn vã hôn nhau, vui vẻ trò chuyện, rồi đồng chí Vôrôsilốp đưa Bác về nghỉ ở điện Cremli. Ở đây oai lắm. Có phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng ngồi chơi, phòng tiếp khách, phòng chiếu bóng… Phòng nào trần thiết cũng rất sang.

Năm giờ chiều, Bác đi thăm đồng chí Vôrôsilốp. Sáu giờ, ăn cơm. Bảy giờ đi đến biệt thự “Lípky” cách thành phố 28 cây số.

Biệt thự lấy tên “Lípky” (cây ngô đồng?) vì trong vườn trồng nhiều cây ngô đồng (?). Nhân chuyện cây ngô đồng, chúng tôi phải thú nhận một điều: có nhiều thứ cây, hoa, chim, cá chúng tôi không biết tên. Các đồng chí ở đây nói cho chúng tôi biết tên các thứ ấy bằng tiếng Nga, rồi hỏi chúng tôi tiếng Việt là gì? Chúng tôi phải tịt! Các đồng chí nói cho chúng tôi biết ở đây mỗi năm mưa mấy phân, mấy ly, rồi hỏi chúng tôi ở nước ta lượng mưa bao nhiêu? Chúng tôi cũng tịt! Điều đó làm cho chúng tôi nhận thấy rằng: đối với những hiểu biết thường thức, chúng ta rất kém cỏi!

Biệt thự Lípky cũng rất sang trọng. Vườn rộng gần 60 mẫu tây, cây cối xùm xòa, hoa thơm sực nức. Có hồ rộng để câu cá, bơi thuyền. Trước Cách mạng Tháng Mười, nhà này là của một tên quý tộc đại địa chủ. Nay sửa sang lại thành một biệt thự.

Bác cho chúng tôi biết rằng: Trước khi đi nghỉ hè, Bác đã gửi điện yêu cầu các đồng chí Liên Xô và Trung Quốc để Bác đi như người “du lịch” thường, đi một cách giản đơn, xin miễn tất cả các hình thức tiếp đón, yến tiệc, đăng báo, v.v.. Nhưng khi đến Mátxcơva cũng như những nơi khác, các lãnh tụ đều đón tiếp một cách rất thân mật, đồng thời rất trọng thể, và các báo đều đăng ảnh và tin.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.


[1]. 50 độ dưới 0:-500C (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.