3 giờ chiều, đi thăm thành phố Xukhum, thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Ápkhadi, có 110.000 nhân dân.
Đến công viên Lênin, đồng chí Sikôvani, Thủ tướng Ápkhadi mời Bác trồng một cây cọ làm kỷ niệm.
Chúng tôi cho rằng trồng cây làm kỷ niệm là một sáng kiến hay. Kỷ niệm được lâu, được bền, mà không tốn kém.
Xukhum cũng là nơi nghỉ hè rất xinh đẹp. Chiều này Bác đi thăm vườn nuôi khỉ của Viện y học. Ở đây nuôi hơn 1.100 con khỉ đủ các loại để nghiên cứu các bệnh ung thư, kém máu, đau tim... và nghiên cứu ảnh hưởng tia nguyên tử đối với thân thể loài vật. Có loài khỉ hiền lành, được ở tự do trong vườn. Khi người ta vào xem, cho chúng kẹo, chúng chạy lại cả đàn. Cũng có loài hung dữ, phải nhốt vào cũi sắt. Viện này có 50 cán bộ khoa học và 250 công nhân.
Ở đây người ta dùng ba thứ chữ: chữ Nga, chữ Ápkhadi và chữ Gécgi.
Hôm nay, sáng chỉ ấm 25 độ, mà trưa thì nóng đến 38 độ.
Sáng ngày 19-7 – Đi máy bay đến Bilidi, thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Giêoócgi, cách Xukhum 350 cây số. “Bilidi” nghĩa là nóng nực.
Nằm trên sườn núi thoai thoải, thành phố Bilidi như ở trên những bậc thang xem rất thú vị. Bilidi có một lịch sử gần 2.400 năm. Chuyện đời xưa truyền lại thế này: Vua Goócsalê đi săn đến đây, bắn trúng một con hươu, máu chảy lai láng. Nó nhảy xuống một cái suối nước nóng vùng vẫy một hồi, thì vết thương khỏi và nó chuồn vào núi. Đoán rằng nước suối ấy có thể chữa tật bệnh, vua bèn cho xây dựng một thành phố ở nơi đây.
Từ thế kỷ thứ 10, Bilidi là một thành phố thịnh vượng. Vào thế kỷ thứ 13, bị quân đội Mông Cổ tàn phá sáu lần. Đến thế kỷ thứ 17, lại trở nên một nơi thương nghiệp và công nghiệp (có xưởng đúc súng và làm thuốc súng, nhà đúc tiền...). Từ năm 1723 đến năm 1795 lại bị các nước láng giềng, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, xâm lược. Đến nay 1801, Bilidi hợp nhất về nước Nga.
Cách thành phố 21 cây số là nơi trung tâm buôn bán đời xưa. Trung Quốc, Ấn Độ cùng các nước phương Tây đều giao dịch ở nơi đó.
Sau Cách mạng tháng Mười, Bilidi dần dần trở nên một thành phố to. Về công nghiệp thì có nhà máy cơ khí, xưởng sửa chữa xe hơi và xe lửa, nhà máy dệt, nhà máy rượu, nhà máy chè, v.v.. Về văn hóa thì có 12 trường cao đẳng (trước Cách mạng chỉ có một), 73 sở nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học, bốn viện bảo tàng, 247 trường trung học... Các em nhi đồng có riêng một cung văn hóa, sáu nhà nhi đồng, hai trạm kỹ thuật, một đường xe lửa, một trạm du lịch, một công viên riêng...
Trưa hôm nay, Bác đi thăm nhà máy gang thép “Rúttavili” cách Bilidi 25 cây số. Trước kia, đây là vùng đất hoang, di tích một thành phố bị quân Mông Cổ tàn phá 600 năm về trước. Từ năm 1947, công nhân bắt đầu xây dựng nhà máy đồng thời xây dựng thành phố. Hiện nay, thành phố Rúttavili có sáu vạn người, trong số đó 11.000 là công nhân nhà máy, 49.000 là nhân viên các ngành và gia đình của công nhân. Nhà máy và thành phố đang phát triển thêm mãi.
Cũng như những nơi khác, anh chị em công nhân nhiệt liệt chào đón Bác. Sau khi đi xem các xưởng, Ban giám đốc mời Bác vào nghỉ ở Cung văn hóa và biếu Bác một cái sừng uống rượu rất xinh.
4 giờ chiều, đi thăm “nông trường thí nghiệm”. Nông trường có 400 mẫu tây ruộng đất. Trong vườn ươm cây có 500 loại nho Giêoócgi và 700 loại nho các nước khác. Có một giống nho Pháp tên là “sútla”, trồng ở đây lại nhiều quả và ngon hơn ở Pháp. Năm ngoái, mỗi mẫu thu hoạch 80 tấn nho; năm nay sẽ tăng lên 100 tấn.
Ở nông trường có 2.100 học sinh vừa học, vừa lao động. Vợ chồng đồng chí giám đốc đều là chuyên gia nông nghiệp, cô con gái 21 tuổi cũng sắp thi đỗ khoa canh nông. Nông trường mời Bác và chúng tôi dự một bữa tiệc toàn là trái cây. Cô Irêna (con đồng chí giám đốc) ân cần mời Bác nếm tất cả những thứ quả tự tay cô đã chăm nom.
5 giờ chiều, một đồng chí Liên Xô từ Mátxcơva mang sách báo đến, có cả số báo Nhân Dân ngày 14-7-1959. Nhờ khoa học phát triển, nhất là nhờ có tàu bay “TU.104” mà một tờ báo xuất bản cách đây hơn 11.400 cây số, chỉ trong năm hôm đã đến tay người đọc.
7 giờ rưỡi - Các đồng chí địa phương mời Bác đi chơi núi Mtátsminda, cao 600 thước, ở phía Tây thành phố. Đi chơi núi có thể đi xe hơi, đi xe điện treo, hoặc đi bộ. Trên đỉnh núi có vườn hoa rộng, có quán cơm to, có rạp hát và sân nhảy múa. Đứng trên núi nhìn xuống thành phố vừa vặn đèn sáng choang, cảnh tượng đẹp như một cái mâm khổng lồ đựng đầy hạt ngọc sáng nhấp nhánh. Người lên chơi rất đông.
Ngày 20-7 – Sáng sớm, đi xe hơi lên thăm thành phố Gôri, quê hương của đồng chí Stalin, cách Bilidi 100 cây số. Trước kia Gôri chỉ là một thị trấn nhỏ và nghèo, nay đã trở nên một thành phố lớn. Khi đến nơi, nhân dân thành phố đã đứng đầy hai bên đường chờ hoan nghênh Bác. Các đồng chí địa phương đưa Bác vào thăm gian nhà sơ sài, nhỏ hẹp mà đồng chí Stalin đã ở lúc còn trẻ. Gian nhà được giữ gìn cẩn thận, đặt nằm trong một ngôi nhà mới xây. Gần bên đó là viện bảo tàng, trưng bày những bức vẽ và những tài liệu lịch sử, thuật lại đời hoạt động cách mạng của đồng chí Stalin.
Từ giã Gôri, đi mấy cây số nữa, Bác lên đỉnh một quả núi nhỏ xem một thành quách xây từ thế kỷ thứ 12.
12 giờ trưa, đến thăm nông trường trồng táo “Kítnhiski” xây dựng từ năm 1930. Nông trường rộng 300 mẫu tây. Năm được mùa thì thu hoạch được hơn 2.400 tấn táo. Năm ngoái nông trường thu nhập 12 triệu rúp. Anh chị em ở nông trường mời Bác ở lại ăn cơm trưa, và biếu Bác một cặp sừng uống rượu, hai cái bình sứ (thủ công nghiệp của địa phương) đựng đầy rượu nho. Về đến Bilidi thì đã “tà tà bóng ngả về tây”.
PH.K.A
---------------------
Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.