Tối 8 giờ - đi thăm vườn “văn hóa và nghỉ ngơi”. Vườn rất rộng, cây cối xùm xòa, đèn điện xanh đỏ vàng tím sáng choang, có rạp hát, rạp chiếu bóng, quán giải khát, nhà xem sách, v.v.. Người đến chơi đông như kiến. Có một đường xe lửa của nhi đồng dài hơn hai cây số. Sếp ga, sếp tanh, người lái xe, người bán vé đều là nhi đồng. Các em “nhân viên” tặng Bác hoa rồi mời Bác và các đồng chí lên xe đi một vòng, không phải lấy vé. Tuy là để chơi, nhưng các em làm việc một cách cẩn thận không kém đường xe lửa khác.

Sau đó, đi xem múa hát dân tộc.

Tuy đi nghỉ hè, Bác vẫn nhắc nhủ chúng tôi theo dõi tin tức trong nước và thế giới. Khi chúng tôi báo cáo xong, Bác nêu rõ trong mười ngày qua, trên thế giới có nhiều việc quan trọng.

- Việc quan trọng bậc nhất là: Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô do đồng chí Khơrútsốp lãnh đạo đi thăm nước Ba Lan anh em, hôm 14 tháng này.

- Hôm 15, Chính phủ nhân dân Triều Tiên đã tuyên bố: Chỉ hai năm rưỡi, nhân dân Triều Tiên đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất về tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Việc đó là một khuyến khích rất lớn đối với công nhân Việt Nam ta.

- Hội đồng đoàn kết Á - Phi kêu gọi nhân dân các nước lấy ngày 20-7 làm “Ngày ủng hộ Việt Nam”. Hôm 19-7, hơn 15 vạn đồng bào Hà Nội đã họp mít tinh chống Mỹ Diệm.

- Nhân ngày 20-7, Bác nhắc lại cho chúng tôi nhớ một đoạn lịch sử mới của nước ta, tóm tắt như sau:

Ngày 7-5-1954, ta đại thắng, Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ.

Sau đó ba tuần lễ, Chính phủ Pháp (Lanien) bị lật đổ. Thế là ta đã đánh bại quân đội thực dân Pháp và cả chính phủ phản động Pháp.

Tại Hội nghị Giơnevơ, Thủ tướng mới của Pháp (Măngđét Phơrăngxơ) buộc phải ký hiệp định đình chiến với ta hôm 20-7-1954. Hiệp định ấy quy định rõ rằng: Đến tháng 7-1956 sẽ có cuộc tuyển cử tự do trong cả nước ta để thống nhất đất nước.

Nhưng do bọn Diệm bán nước và bọn Mỹ cướp nước, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, do chính phủ Pháp lôi thôi, không chấp hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, cho nên đến nay nước ta chưa thống nhất. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Còn vài việc quan trọng nữa. Từ ngày 14-7, ở Mỹ đã nổ ra một cuộc bãi công khổng lồ của 50 vạn công nhân luyện kim. Và hôm 15-7, thì quả vệ tinh thứ 3 của Liên Xô đã bay được 6.000 vòng chung quanh trái đất.

Ngày 21-7 – Trước khi ra sân bay đi Êrêvan, Bác đến thăm đồng chí Vôrôsilốp. Hôm kia, đồng chí Vôrôsilốp đến gắn huân chương Lênin cho nhân dân nước Cộng hòa Xôviết Arơmêni, vì họ đã hoàn thành vượt mức kế hoạch về công nghiệp và nông nghiệp. Khuya hôm qua, đồng chí về nghỉ ở Bilidi. Hai anh em[1] vồn vã hôn nhau, rồi khoác tay nhau vừa đi vừa nói chuyện rất thân mật, vui vẻ. Thấy hai vị lãnh tụ đều hồng hào, mạnh khỏe, vui vẻ, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Giêoócgi nói với chúng tôi: “Các bạn xem, đó là tiêu biểu tinh thần đoàn kết thân ái giữa hai dân tộc chúng ta...”

Cũng như các nước Cộng hòa Xôviết ở Liên Xô, Giêoócgi tiến bộ nhảy vọt về mọi mặt. Chúng tôi chỉ nêu một điểm để so sánh: Giêoócgi có non bốn triệu nhân dân. Nước láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ có 20 triệu nhân dân. Hiện nay sức điện của Giêoócgi nhiều gấp đôi của Thổ. Đến năm 1965 sẽ nhiều gấp năm của Thổ.

Êrêvan là thủ đô của nước Cộng hòa Arơmêni, cách Bilidi 210 cây số. Bác vừa đến nơi, thì trời cũng vừa mưa. Trong lời hoan nghênh, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Đảng Cộng sản Arơmêni nói: “Từ đầu hè đến nay, trời rất nóng nực, chưa có trận mưa nào. Hôm nay, đồng chí đến thăm, lại mang một trận mưa rào để làm quà cho chúng tôi. Thật là:

“Mưa xuân theo vết bánh xe,

Nghĩa xuân thêm đậm, tình hè thêm tươi”.

Khi đi xem thành phố, Bác và chúng tôi ghé thăm Chợ lớn. Chợ xây dựng và trang hoàng theo kiểu dân tộc, rộng rãi, xinh đẹp và rất sạch sẽ, ngăn nắp. Kẻ bán người mua rất rộn ràng. Bác khoác tay đồng chí Bí thư vừa đi, vừa vui vẻ nói: “Hà Nội chúng tôi có chợ Đồng Xuân cũng khá to và đẹp. Trong những ngày đầu kháng chiến, bà con chợ Đồng Xuân đã có công lao. Nhưng cho đến nay tôi chưa đi thăm được, vì e bị bà con bao vây, chợ sẽ mất trật tự”.

Bác chưa dứt lời, thì bà con trong chợ Êrêvan đã hoan hô vang lừng, đua nhau chạy lại bao vây chung quanh Bác, tranh nhau bắt tay Bác, tặng Bác những bó hoa to tướng.

Sau đó, Bác đi thăm nhà máy rượu Cônhắc. Xem bề ngoài thì khó mà biết đó là nhà máy rượu, vì nó đồ sộ nguy nga như một tòa lâu đài. Ở đây, từ việc rửa chai, lọc rượu, đến việc đóng nút đều làm bằng máy. Rượu chứa trong những thùng tròn, làm bằng gỗ “sến”, những thùng to nhất chứa được hơn 15.000 lít. Đồng chí giám đốc say sưa trình bày lịch sử và tác dụng của rượu Cônhắc, rồi mời mọi người nếm rượu với một cách khoa học: trước khi uống thì lắc lắc cốc rượu độ một phút; uống xong, lấy hai tay bọc lấy cái cốc độ một phút thì nghe cái cốc tỏa mùi thơm.


[1]. Ngày 19-5-1957, đồng chí Vôrôsilốp đi thăm Inđônêxia về, sắp đến Việt Nam, từ trên máy bay “TU.104” đang bay cao 10 cây số trên trời, đồng chí gửi điện chúc thọ Bác. Khi gặp nhau ở Hà Nội, đồng chí vui vẻ nói: “Năm nay, tôi 76 tuổi, đồng chí 67 tuổi, như vậy chúng ta là hai anh em...”.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.