Mỗi năm, nhà máy rượu thu nhập 100 triệu rúp.
Đi thăm nhà máy điện mới xây dựng trên sông Radơđan, rồi đến thăm thư viện chứa những sách vở đời xưa. Có những phòng chứa toàn những sách chữ Arơmêni và chữ Arập, chép bằng tay rất công phu. Có những quyển thơ, truyện, nhạc, lịch sử, địa lý,... Quyển xưa nhất viết từ thế kỷ thứ 4. Quyển to nhất - dài 1 thước tây, rộng 8 tấc, có 608 tờ bằng da bò con, nặng 32 kilô, chép từ năm 1205. Quyển nhỏ nhất thì bằng hai cái bao diêm chồng lại, có 103 tờ, nặng 19 gam, làm từ năm 1434. Những sách vở xưa này có giá trị lịch sử rất quý báu, nay được giữ gìn cẩn thận như ngọc như vàng.
9 giờ chiều, Bác đi xem văn công Arơmêni. Họ múa rất khéo, hát rất hay. Có một nghệ sĩ biết thổi sáo Việt Nam. Khi Bác tặng hoa cho đoàn văn công, cả rạp đứng dậy vỗ tay hoan hô.
Ngày 22-7 – Sáng sớm, đi chơi hồ Sêvan, trên đỉnh núi Sêvan, cao 2.000 thước tây. Trên đường đi, Bác ghé thăm trạm thủy điện trên một quả đồi cao 99 thước. Xe đi độ 40 cây số nữa, Bác ghé thăm trại nhi đồng ở làng Ankavan. Ở trại có 250 em, con các công nhân ngành thực phẩm. Em nào cũng khỏe, cũng ngoan.
- Hồ Sêvan ở trên đỉnh núi cao 2.000 thước. Đường lên núi rộng rãi nhưng quanh co. Khi có gió thổi, mây tuôn, thì những người yếu tim cảm thấy thở khó. Hồ rộng thênh thang như một góc biển. Nước hồ lạnh và chỗ xanh, chỗ biếc, tùy chỗ có mây hoặc ánh sáng mặt trời. Trên bờ hồ có nhiều nhà nghỉ xinh đẹp của những người lao động trí óc và lao động chân tay. Khi Bác đến, anh chị em công nhân và văn nghệ sĩ vồn vã ra đón chào. Nhiều văn nghệ sĩ đã biếu Bác tác phẩm của họ. Những người ở đây, cả già lẫn trẻ tự động tổ chức một cuộc vui ca hát và nhảy múa. Bác và chúng tôi cũng tham gia.
Tối hôm nay, sau bữa cơm thân mật, các đồng chí lãnh đạo Arơmêni đã tặng Bác một món quà rất khéo: một khối nhỏ đá quý của Arơmêni mà thành một quả cầu cỏn con đặt trên một cái tháp. Trong lòng quả cầu có một hạt gạo. Trên hạt gạo có mấy cái kính “hiển vi” nhỏ xíu. Nhìn qua kính, thì thấy trên hạt gạo có hình núi Ararát và mấy chữ:
“Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh. Để kỷ niệm những ngày Người ở Arơmêni”.
Quà này là do nghệ sĩ Kadarian làm.
Ararát là núi cao nhất tại vùng này, hiện ở vào địa phận nước Irăng. Nhân dân bên này và bên kia đều thuộc dân tộc Arơmêni. Người Arơmêni bên kia núi bị chính phủ phản động Irăng áp bức tàn tệ. Vì sợ họ chịu ảnh hưởng cách mạng của người Arơmêni Xôviết, Chính phủ Irăng phân tán họ đi nhiều nơi khác. Dân tộc Arơmêni gọi Ararát là “núi thánh”, tượng trưng tinh thần đoàn kết và chí khí đấu tranh của mọi người Arơmêni.
Nghệ sĩ Kadarian, khéo về nghề chạm trổ tinh vi. Đồng chí ấy đã gửi biếu mẫu nhóm công trình sư nước Đức dân chủ cộng hòa một sợi tóc, trên sợi tóc có một dòng chữ: “Nhân dân Arơmêni gửi lời chào thân ái đến nhân dân nước Đức anh em”.
Đồng chí ấy lại vừa hai trang sách bằng bạc, rộng không đầy một phân. Trên hai trang ấy, đã chép cả một truyện cổ Arơmêni kèm theo nhiều bức vẽ. Đồng chí Kadarian còn làm nhiều thứ chạm trổ tinh vi như vậy.
Arơmêni có nhiều thứ đá đủ màu sắc, rất đẹp. Khi mới đào lên thì rất mềm dùng máy cắt đá, to nhỏ tùy ý. Ít lúc sau thì đá rất cứng, giá thành rẻ hơn gạch, ngói. Vì vậy, nhà ở, xưởng máy, cơ quan, đều xây dựng bằng đá, xem rất nguy nga. Đó là một đặc điểm của Arơmêni. Tuy vậy, những nhà cũ (trước cách mạng) còn lại đều thấp lè tè và xộc xệch, chẳng đẹp chút nào. Chỉ so sánh điều đó, người dân Arơmêni cũng đã sâu sắc biết ơn Đảng Cộng sản, lại biết ơn Cách mạng Tháng Mười, và càng ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
- Ngày 23-7, sáng sớm, từ giã Êrêvan lên tàu đi Baku, Thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Adécbaigian, cách Êrêvan 540 cây số, về phía tây biển Cátpiên.
Khi gần đến Baku, từ trên tàu bay trông xuống, người ra thấy một vùng rộng mênh mông, những tháp máy hút dầu chi chít, như một rừng cây. Dầu lửa là một tài nguyên vô tận của nước nhà, nhân dân ở đây quen gọi dầu lửa là “vàng sắc đen”.
Các đồng chí đại biểu Đảng và Chính phủ Adécbaigian mời Bác về nghỉ một biệt thự cách thành phố 45 cây số.
10 giờ rưỡi, Bác đi xem một vùng khai thác dầu lửa ở phía Bắc thành phố Baku. Ngoài rừng máy hút dầu ở trên đất liền, ở đây có một cái cầu sắt dài 16 cây số, từ đất liền ra tới ngoài khơi. Từng quãng hai bên cầu có những hệ thống máy hút dầu từ đáy biển lên. Có một phòng “điều khiển” tự động; máy nào hút được bao nhiêu dầu, hoặc máy nào vấp váp, thì phòng “điều khiển” biết ngay.
Ăn cơm trưa xong, Bác đi thăm thành phố. Cũng như các thành phố khác ở Liên Xô, Baku nhà đẹp và cao, đường rộng và thẳng. Nhiều nhà mới xây dựng xong và nhiều nhà đang xây dựng. Bác ghé thăm công viên, sân vận động (có bốn vạn chỗ ngồi) và trường đại học Bách khoa do anh em học sinh đang tự xây dựng. Lúc đi chơi về, Bác cho chúng tôi biết; cách đây hơn 20 năm Bác có đi qua Baku. Hôm nay trở lại, trông thấy khác hẳn, vì Baku đã phát triển rộng thêm nhiều và đẹp hơn nhiều.
Buổi chiều chúng tôi theo Bác đi tắm biển. Trên mặt nước đầy màng màng dầu. Ra khỏi nước thì thấy mình mẩy nhờn như đã xoa xà phòng. Phải tắm lại nước ngọt mới sạch hết dầu.
- Ngày 24-7 – Lên tàu bay đi Átkhabát, Thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Tuyếcmêni cách Baku 810 cây số.
- Bay khỏi Baku độ 100 cây số, thì trông thấy mỏ dầu Cátpiên. Ở đây có chiếc cầu sắt dài 45 cây số, từ đất liền ra đến ngoài khơi. Trên cầu có đường sắt, có nhà ở, nhà ăn, rạp chiếu bóng, cung văn hóa, v.v.. Nói tóm lại: có những làng rất oai của công nhân và cán bộ khai thác dầu.
“Mỏ dầu Cátpiên” đã do đồng chí Cácmen quay vào phim và đã chiếu ở các rạp Việt Nam ta.
PH.K.A
---------------------
Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.