Dọc từ bờ biển Cátpiên đến Átkhabát cho đến tỉnh Tân Cương, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) có những biển cát hoặc núi cát mênh mông "không bờ không bến". Về tựa, gió thường cuốn cát lên như những tấm màn, mịt mù trời cát, tàu bay không thấy đường mà bay.
Átkhabát là một thành phố mới tinh, vừa đúng mười tuổi. Năm 1948, động đất dữ dội, trong chốc lát mà nhà cửa đổ nát hết, 47.000 người bị hy sinh. Ở đây lại hiếm nước, ít sông ngòi, chung quanh là cát với cát. Thế mà chỉ trong dăm ba năm, bàn tay của nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã xây dựng lại một thành phố vừa to vừa đẹp, con đường phố trung tâm dài bảy cây số, thẳng thắn như thước thợ mộc, hai bên đường đặt nhiều pho tượng, trồng nhiều cây, nhiều hoa như một công viên. Nhà ở của 17 vạn nhà dân, trụ sở Đảng và cơ quan chính phủ, nhà thương, trường học, rạp hát… đều rất đường hoàng.
Ở đây sản xuất nhiều thứ quả to và ngon, như đào, mơ, mận, táo, lê và nhiều thứ khác. Vừa đến biệt thự ở Phêruda (vùng nghỉ hè của nhân dân lao động, cách thành phố 40 cây số, cách biên giới Irăng 16 cây số). Vừa đến nơi, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Tuyếcmêni - bàn tay nhanh nhẹn như người nông dân lão luyện - đã mổ một tá dưa hồng và dưa hấu, mỗi quả nặng từ năm đến bảy kilô.
Ở Phêruda có nhiều trại nhi đồng. Bác "du kích" thêm một trại. Phút đầu các em ngơ ngác, bỗng hai, ba em reo lên "Bác Hồ, Bác Hồ" thế là cả trại ùa ra bao vây kín chung quanh Bác. Rồi nhóm nào cũng nũng nịu đòi Bác đến xem nhà của mình trước.
Bác vừa về đến nhà nghỉ, thì đã thấy một nhóm đại biểu tý hon của trại khác đến chào mừng. Nhóm này vừa ra khỏi nhà, Bác lại phải tiếp hai em gái bé thay mặt cho trại thứ ba…
Nước Cộng hòa Xôviết Tuyếcmêni tuy chỉ có 1 triệu 60 vạn dân, nhưng họ đã và đang xây dựng những công trình rất vĩ đại để cải tạo thiên nhiên: đã đào một con kênh dài 410 cây số, đưa nước sông Amu Daria vào sa mạc Karakum, biến hơn mười vạn mẫu tây cát thành ruộng tốt để trồng bông, trồng ngô và các thứ lương thực khác. Hiện nay, họ đang đào đoạn kênh thứ hai dài 140 cây số để tưới cho 40 vạn mẫu tây.
Đặng đề phòng nạn động đất, ở đây người ta có kiểu cách đặc biệt để xây dựng nhà.
- Sáng ngày 25-7 - lên tàu bay đi Tasơken, thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Udơbêkixtan, cách Átkhabát 1.070 cây số. Sau khi tàu bay cất cánh độ hai tiếng đồng hồ, thì bay qua Bukhara, một thành phố rất cổ của Tuyếcmêni.
Udơbêkixtan có hơn tám triệu nhân dân, gồm 28 dân tộc. Đông nhất là người Udơbếch, chiếm 70%. Có cả người Triều Tiên.
Sản xuất chính của Udơbêkixtan là bông. Công nghiệp dầu lửa, than đá, dệt vải cũng thịnh.
Trong các vị ra sân bay đón Bác có hai nữ đồng chí. Đồng chí Inkhaniva, Bí thư Xôviết tối cao, và đồng chí Nađơriđinôva từ lúc bé nhờ "Viện trẻ mồ côi" nuôi dạy; khi lớn lên thì nhờ đoàn thanh niên cộng sản và nhờ Đảng giáo dục mà trở nên một cán bộ có đức, có tài.
Phụ nữ ở các nước Cộng hòa Xôviết giữ một vai trò quan trọng. Xin kể vài thí dụ:
- Trong số đại biểu các Xôviết tối cao, một phần ba là phụ nữ.
- Ở Giêoócgi, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản là đồng chí Phatusa, Phó Thủ tướng là đồng chí Labakhoa.
- Ở Adécbaigian, Bí thư Xôviết tối cao là đồng chí Chuchurôva.
- Ở Tuyếcmêni, Bộ trưởng Bộ Cung cấp là đồng chí Atahêpêxôva.
- Ở Tadikixtan, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc là đồng chí Galina,…
Nữ giáo sư, bác sĩ, kỹ sư cũng rất nhiều. Trước Cách mạng Tháng Mười, phụ nữ ở những vùng này bị tôn giáo và phong tục áp bức rất tàn tệ: Ra đường phải che kín mặt, không được học hành, không được nói chuyện với đàn ông, mới mười tuổi đã bị bán làm vợ… Ngày nay thì nam nữ thật bình đẳng.
4 giờ chiều - đi thăm nhà máy dệt "Stalin". Nhà máy có 17.000 cán bộ và công nhân, trung bình mỗi công nhân coi 24 máy dệt. Nhà máy gồm tám bộ phận máy sợi, máy dệt, máy nhuộm,... Mỗi năm sản xuất 207 triệu thước vải các loại. Ở đây có trường buổi tối để dạy thêm kỹ thuật cho công nhân. Chung quanh nhà máy có vườn hoa rất rộng rãi, mát mẻ, sạch sẽ, do công nhân tự vun trồng chăm nom.
Số đông anh chị em công nhân tập trung tại nhà in vải hoa để hoan nghênh Bác và gửi lời thân ái chào các bạn công nhân ngành dệt Việt Nam.
5 giờ - đi thăm đài vô tuyến truyền hình.
8 giờ - Bác đi xem hát tuồng cổ ở rạp hát ngoài trời, trong công viên. Nhờ giàn cảnh khéo, áo đồ đẹp, biểu diễn tài, cho nên tuy hát tiếng địa phương, chúng tôi cũng hiểu được nội dung và thấy hay. Trong công viên có một cái hồ rộng để bơi thuyền, thanh niên tự đào. Chung quanh hồ có đường xe lửa của nhi đồng.
- Ngày 26-7 - Buổi sáng đi thăm một nông trường quốc doanh xây dựng từ năm 1930, với 100 mẫu tây ruộng đất, nay đã mở rộng đến 3.200 mẫu:
2.000 mẫu trồng bông, mỗi mẫu sản xuất bốn tấn.
500 mẫu trồng các thứ cây ăn quả.
700 mẫu trồng các thứ cây công nghiệp khác.
Nông trường cũng có nuôi gà, vịt, lợn, thỏ và 540 con bò.
Ở đây có 2.000 gia đình cộng một vạn người.
Sau đó đi thăm hợp tác xã nông nghiệp "Pôlitôden", xã có 860 hộ thuộc 11 dân tộc, đông nhất là người Triều Tiên, chiếm 65%.
Hợp tác xã có 2.000 mẫu tây trồng lúa, trung bình mỗi mẫu thu hoạch sáu tấn. Họ không cấy lúa như bên ta. Họ gieo hạt bằng máy như gieo lúa mì. Nay là cuối tháng 7, lúa đã tốt, nhưng chưa có đòng. Ngoài ra còn trồng bông, trồng ngô. Có một thứ ngô lai giống cao từ năm đến bảy thước tây, mỗi cây có từ ba đến năm bắp. Đồng chí giám đốc (người Triều Tiên, Anh hùng lao động) hứa sẽ gửi biếu Bác hạt giống ngô này.
Bà con hợp tác xã mời Bác ăn cơm trưa theo kiểu Triều Tiên.
PH.K.A
---------------------
Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.