Thành phố Tasơken có một kế hoạch phát triển trong 20 năm. Các nhà máy sẽ dời ra ngoại ô. Hiện nay Tasơken đã nổi tiếng nhiều vườn hoa, nhưng sau này sẽ tăng thêm bảy lần và diện tích các vườn hoa sẽ lên đến 1.120 mẫu tây. Số nhà ở sẽ tăng gấp ba lần. Các đường xe điện, xe buýt sẽ dài 425 cây số,…

Hôm nay, Bác gửi điện về hỏi thăm anh em thương binh, cựu binh và gia đình các liệt sĩ.

- Ngày 27-7 - Sáng sớm, lên tàu bay đi Stalinnabát, Thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Tadikixtan, cách Tasơken 665 cây số.

Stalinabát ở giữa một thung lũng rộng, chung quanh nhiều đồi và núi, 30 năm trước đây nơi này chỉ có một làng nhỏ bé. Nay là một thành phố lớn với 22 vạn rưỡi nhân dân.

Các đồng chí đưa Bác đi dạo phố và ghé thăm trụ sở Trung ương Đảng, Xôviết tối cao, hồ thanh niên cộng sản, trường đại học y khoa, thư viện, v.v.. Trường đại học này có 1.800 học sinh thuộc 32 dân tộc, số học sinh con trai và con gái bằng nhau. Thư viện có 1 triệu 20 vạn quyển sách, báo, có một số sách và truyện Việt Nam dịch ra tiếng Tadích. Ngày nào cũng có hơn 1.000 người đến xem sách. Trước cách mạng, cả nước Tadích không có một thư viện nào, nay có hơn 2.000 thư viện to và nhỏ.

5 giờ chiều, đi thăm một trại nhi đồng. 8 giờ tối, đi xem văn công. Hôm nay, đặc biệt nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn. Các đồng chí ấy vồn vã đón chào và tặng hoa Bác. Có một nữ đồng chí hát bài quan họ "con mắt lim nhim" rồi hô to "Bác Hồ muôn năm! Việt Nam muôn năm!". Chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa cảm động. Khi biểu diễn xong, Bác lên tặng hoa các nghệ sĩ, thì mới biết rằng đó là đồng chí Mavơlanôva, nghệ sĩ xuất sắc đã cùng một đoàn văn công Liên Xô sang biểu diễn ở nước ta mùa thu năm nọ. Đồng chí tỏ vẻ vô cùng sung sướng được gặp Bác ở Tadích quê hương mình.

- Ngày 28-6 - Bảy giờ rưỡi sáng, lên tàu bay đi Phơrungiê, Thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Kiếcghidi, cách đây 1.200 cây số. Bay ba tiếng rưỡi đồng hồ thì đến nơi.

Đây là quê hương đồng chí Phơrungiê (nay đã qua đời), một lãnh tụ Đảng và quân đội Liên Xô, có công lớn với cách mạng. Thủ đô lấy tên đồng chí để ghi nhớ công lao của đồng chí. Phơrungiê có 217.000 nhân dân.

Sau khi đi xem thành phố, Bác đi thăm nông trường quốc doanh "Strennhicôva". Strennhicôva là nữ đồng chí đã có công xây dựng và làm giám đốc đầu tiên của nông trường này.

Nông trường chuyển nghề chăn nuôi có:

7.000 mẫu tây ruộng đất,

2.000 con bò,

8.000 con lợn,

500 con cừu,

Con bò đực to nhất nặng hơn một tấn,

Con bò cái to nhất nặng 800 kilô.

Trung bình mỗi con bò cái mỗi năm (chín tháng) sản xuất hơn 4.000 lít sữa. Con bò "Vaha" mỗi năm sản xuất 10.220 lít.

Ở đây cũng dùng cách tiêm làm cho con bò cái có chửa. Việc cắt cỏ, lượm cỏ, cân cỏ và buộc cỏ thành từng khối vuông vắn, xếp thành từng khối vuông vắn, xếp cỏ lên xe để chở đi, đều làm bằng máy. Mỗi máy mỗi ngày làm được tám tấn, tức là bằng 120 người làm bằng tay. Nhờ vậy, giá cỏ rẻ được nhiều. Trước kia, giá một tấn cỏ là 74 rúp. Nay chỉ 21 rúp.

Xem xong, ban giám đốc mời Bác và các đồng chí dự tiệc trà. Gọi là "tiệc trà" nhưng cũng có cừu thui để cả con và chả nướng dài một thước. Nông trường biếu Bác một bộ áo Kiếcghidi. Bác mặc vào, xem giống hệt một cụ già Kiếcghidi, mọi người vỗ tay hoan hô.

Trên đường về thành phố, ghé thăm nhà trưng bày nông nghiệp, xây dựng trong một công viên to rộng. Ở đây trưng bày các thứ máy móc, cây cối, hoa quả và súc vật. Có một con bò đực nặng 1.160 kilô, trông như một con voi. Có giống cừu lông rất dài, rất tốt, mỗi năm mỗi con sản xuất 12 kilô rưỡi len, đủ để may 24 bộ áo đàn ông. Có những giống ngựa rất cao, to và chạy rất nhanh, rất khỏe.

Nước Cộng hòa Xôviết Kiếcghidi có 2 triệu nhân dân.

- Ngày 29-7 - Sáng nay, bay 200 cây số thì đến Anma Ata, Thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Kadắcstan. Tiếng địa phương "Anma" là quả táo, "Ata" là người cha. “Anma Ata” là cha quả táo, nghĩa là xứ này sản xuất rất nhiều táo to.

Trước cách mạng, Anma Ata là một thị trấn nhỏ. Nay là một thành phố to, với 455.000 nhân dân.

Các đồng chí mời Bác nghỉ tại một biệt thự ở ngoại ô. Trước nhà là núi Thiên San cao nghi ngút, đỉnh núi có tuyết phủ bốn mùa. Bên nhà có khe nước chảy ngân nga, bắt nguồn từ núi Alatao, "Ala" nghĩa là ngất trời, "Tao" nghĩa là núi. Phong cảnh xinh đẹp như một bức vẽ, mà trong bức vẽ lại có ý vị thơ.

Bác đi thăm công viên "Văn hóa và nghỉ ngơi" Goócki. Công viên rất rộng rãi, mát mẻ, trời đẹp. Vườn dành riêng cho nhi đồng có nhà ăn, rạp hát, hồ bơi, đường xe lửa nhi đồng và các loại đồ chơi có ích. Thấy Bác đến, một đàn em bé chạy lại tặng hoa. Em gái Luba, 5 tuổi, rất xinh, rất ngoan. Em ở nông thôn theo mẹ về chơi thủ đô. Mẹ mới mua cho em một con búpbê biết kêu eo éo và biết chớp mắt. Khi gặp Bác, em liền biếu Bác con búpbê. Bác hôn em và bảo: "Bác nhận búpbê của cháu rồi. Bây giờ Bác biếu lại để cháu chơi nhé". Nhưng Luba nhất định không chịu lấy lại búpbê.

Khi Bác đi chơi ngoài phố hoặc dạo vườn hoa, nhân dân Liên Xô từ cụ già đến em bé thường có những cử chỉ thân mật và cảm động đối với Bác như cử chỉ của em Luba. Nhiều người chỉ thấy tin tức trên báo, cũng viết thư chúc sức khỏe và mời Bác đến thăm trường học hoặc nhà máy mình, nông trường hoặc thành phố mình.

- Ngày 30-7 - Ở đây, độ ấm ban ngày và ban đêm khác nhau nhiều. Có khi ban ngày là 36 độ mà ban đêm xuống đến 22 độ.

8 giờ sáng, các đồng chí mời Bác đi thăm hồ Yxức, cách thủ đô 60 cây số. Ở trên đỉnh núi Alatao, cao 1.800 thước tây. Đường lên hồ đi quanh co ven theo sườn núi Alatao, một bộ phận của dãy núi Thiên San.

Tiếng địa phương, "Yxức" nghĩa là nóng hổi, nồng nàn. Nhưng nước hồ không nóng chút nào, nó xanh xanh, bạc bạc, sâu và lạnh, không tắm được và không có cá. Chung quanh hồ có nhiều trại nhi đồng. Có vườn hoa, quán ăn, chỗ nghỉ, thuyền bơi và các phương tiện khác cho khách lên thăm hồ. Hiện nay, có 150 người "du lịch hoạt động". Ban ngày thì họ thi nhau trèo núi cao. Tối về, họ nghỉ trong 12 cái lán bằng vải. Các đồng chí Tỉnh ủy mời Bác ăn trưa ở quán cơm trên bờ hồ, cũng cừu thui, chả nướng, v.v.. Có một cái mới cho chúng tôi, là uống sữa ngựa.

Trên đường về, ghé thăm nông trường quốc doanh Yxức. Nông trường có 1.300 mẫu tây trồng nho, trồng táo và các cây ăn quả khác. Ban giám đốc và một số công nhân đón Bác tại một vườn táo, cây nào cũng nặng trĩu quả. Cụ Kalinuarơbaép, là một công nhân đã 75 tuổi, ngày trước đã tham gia quân du kích đánh bọn phản động, tham gia công việc thành lập chính quyền cách mạng, rồi tham gia xây dựng nông trường này. Tuy đã được về hưu, nhưng ông cụ không chịu nghỉ, vẫn hăng hái làm việc ở nông trường. Ông cụ vui vẻ nói: "Càng già, càng dẻo, càng dai. Càng phải gương mẫu, cho trai học già".

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.