Trường đại học nông nghiệp “Mồng 1 tháng 8” gồm bảy ngành: chăn nuôi, thủy lợi, máy móc nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp, v.v.. Có 325 thầy dạy và 2.000 học sinh. Học sinh vừa học vừa lao động, hoặc làm việc trong 1.000 mẫu tây ruộng đất của nhà trường, hoặc làm ở các nông trường của quân đội và ở các công xã nhân dân.

Nhà trưng bày địa chất có đủ các thứ đất và các thứ quặng ở Tân Cương. Có những thứ quặng rất quý và rất hiếm. Xem rồi càng thấy rõ tài nguyên của Trung Quốc phong phú vô cùng.

Chiều, các em nhi đồng và các anh chị học sinh (đang nghỉ hè) tổ chức múa hát ở vườn hoa biệt thự để hoan nghênh Bác.

Tối 8 giờ, các đồng chí mời Bác đi xem văn công dân tộc. Đội văn công dân tộc Vayua múa khéo hát hay, trình độ nghệ thuật khá lắm.

Sáng hôm sau, Bác cùng các đồng chí Trại Phúc Đỉnh, Đào Tri Nhạc và nhiều cán bộ cao cấp khác, có đồng chí Phó Chính ủy Trương Trọng Hành hướng dẫn, đi thăm nông trường Thạch Hà Chẩy của Quân giải phóng, cách Uromsi 150 cây số.

“Thạch Hà” nghĩa là sông đá. Mùa này những con sông ở đây chỉ có đá và sỏi, rất ít nước.

Thạch Hà Chẩy trước đây là một vùng sa mạc khô khan, chỉ có mấy gia đình sống trong bảy túp lều nheo nhóc. Mùa thu năm 1949, Quân giải phóng ở Tân Cương vừa lo việc quốc phòng vừa bắt đầu khai khẩn. Nhiệm vụ của họ là khai hoang, trồng trọt và giải quyết vấn đề lương thực, để đỡ sự đóng góp cho nhân dân. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nhà ở, thiếu lương ăn, thiếu nước uống, thiếu trâu bò, thiếu nông cụ, cái gì cũng thiếu. Thêm vào đó, mùa hè thì nóng như lửa đốt, mùa đông thì gió rét tận xương. Nhờ Đảng lãnh đạo chặt chẽ và toàn thể bộ đội đồng tâm nhất trí, cho nên đã chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng cơ sở để tự lực cánh sinh và phát triển kinh tế.

Cuối năm 1950, đã vỡ hoang được mấy vạn mẫu tây ruộng đất, nuôi 50 vạn con bò và dê. Lại xây dựng được một số nhà máy: gang sắt, xi măng, phát điện, ép dầu, xay bột, v.v..

Thực hiện kế hoạch năm năm của Nhà nước, trong những năm 1953 - 1957, trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo cán bộ... mọi việc đều phát triển mạnh hơn. Năm ngoái và năm nay là năm tiến bộ nhảy vọt. Trong hai năm, vỡ đất hoang được 40 vạn mẫu tây, tức là nhiều hơn cả bảy năm trước cộng lại. Giá trị của công nghiệp năm nay tăng gấp đôi năm 1957. Số súc vật cũng tăng hai lần. Đồng thời giá thành giảm được rất nhiều. Đã thực hiện khẩu hiệu “Nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Hiện nay, binh đoàn có:

19 nơi chăn nuôi, bò và dê 1.300.000 con,

112 nông trường, ruộng đất 560.000 mẫu tây,

Công trình thủy lợi có thể tưới 65 vạn mẫu tây,

Trồng cây gây rừng 18.600 mẫu tây,

Hầm mỏ, nhà máy 300 xí nghiệp to và nhỏ.

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp 300 triệu đồng nhân dân tệ.

Về xây dựng nhà cửa và đắp đường, xây cầu, lực lượng của binh đoàn có thể tự mình thiết kế và thi công một triệu thước vuông trong một năm. Bộ đội đã giúp Uromsi mở rộng thành phố và đắp con đường cái xuyên qua núi Thiên San; nay đang phụ trách đắp con đường xe lửa “Hữu Nghị” đến biên giới để nối liền với đường xe lửa Liên Xô.

Bộ đội có 300 cửa hàng, giá trị mua bán năm nay là 200 triệu đồng.

Trong mười năm, do tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, bộ đội đã tích lũy được 770 triệu đồng tiền vốn.

Về văn hóa tiến bộ cũng nhiều, binh đoàn có:

7 trường dạy cán bộ,

12 trường trung học,

79 trường tiểu học,

10 đoàn văn công,

80 đội chiếu bóng,

8 tờ báo.

Bộ đội coi việc giúp đỡ đồng bào là một nghĩa vụ vẻ vang của mình, cho nên trong mười năm qua đã:

Phái hơn 1.000 cán bộ dạy đồng bào cải tiến kỹ thuật,

Giúp nông dân vỡ hơn 40.000 mẫu tây đất hoang,

Đắp mương phai tưới được 30.000 mẫu tây,

Huấn luyện cho công xã nhân dân 4.800 cán bộ.

Nhường cho địa phương 19 nhà máy, 124 cửa hàng, một trường học, 730 chiếc xe hơi, v.v..

Nhờ sự lao động quên mình của cán bộ và bộ đội, Thạch Hà Chẩy cát sỏi hoang vu nay đã trở nên một nông trường phồn thịnh đầy ngô, khoai, bông, lúa và một thành phố công nghiệp với 60 vạn người (40 vạn người bộ đội và nhân viên, 20 vạn người gia đình bộ đội).

Chúng tôi theo Bác đi xem mấy vùng trồng bông, ngô, dưa và cao lương. Thứ nào cũng tốt, vì thủy lợi họ là rất cừ. Chúng tôi càng khâm phục điều đó, vì đây là một xứ “trên trời dưới cát”.

Hôm nay nghỉ lại ở nhà khách của binh đoàn. Các đồng chí nữ đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản phụ trách tiếp đãi. Chị nào cũng nhanh nhẹn, tận tụy, thân mật và vui vẻ. Họ săn sóc Bác một cách kính cẩn, trìu mến như con đối với cha.

Sáng hôm sau, từ giã Thạch Hà Chẩy qua về Nam Sơn. Núi này cao 1.500 thước là một bộ phận của dãy Thiên San, phong cảnh đẹp, khí hậu mát (ấm 15 độ). Vợ chồng chủ tịch Trại Phúc Đỉnh mời Bác và các đồng chí về chơi và ăn cơm trưa ở nơi nghỉ này (hơi giống Tam Đảo của ta). Cũng sữa ngựa, chả nướng, cừu thui...

Nông dân ở đây có chuẩn bị cuộc vui đua ngựa và đuổi bắt dê. Nhưng vì trời mưa không thực hiện được. Trên đường về Uromsi, Bác ghé thăm một cái “duốc”. Duốc là nhà ở của nhân dân chăn nuôi (du mục) khắp vùng Trung Átêá. Hình tròn, nóc nhọn, lợp bằng da thú hoặc bằng vải, căng trên những cột gỗ, như cái rạp xiếc nhỏ - duốc rất tiện cho việc di chuyển từ nơi này đi nơi kia. Các xã viên công xã chăn nuôi mùa hè thì ở duốc, mùa đông thì ở nhà gỗ. Chủ nhà mời chúng tôi ăn dưa hồng, uống sữa ngựa. Một lát sau, dân trong làng, già trẻ gái trai đều kéo nhau đến chào mừng Bác, rồi hát bài “Đồng cỏ vui tươi”, do một cụ già 85 tuổi vừa hát vừa cầm nhịp.

Tối nay, sau bữa cơm thân mật, hơn 40 cán bộ cao cấp và đồng chí lãnh sự Liên Xô đến dự, vợ chồng đồng chí Trại Phúc Đỉnh tặng Bác một bộ áo Vâyua rất đẹp.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.