Là một tỉnh biên thùy ở vùng đại sa mạc, diện tích Tân Cương rộng 1 triệu 71 vạn cây số vuông, tức là một phần sáu diện tích của Trung Quốc, mà chỉ có 6 triệu nhân dân, tức là non 1% số nhân dân cả nước. Tân Cương có 13 dân tộc, đông nhất là người Vâyua chiếm 70%. Rồi đến dân tộc Hán, Hồi, Mông, Tạng, Nga, Kadắc, v.v,..

Ở đây có nhiều hầm mỏ, nhưng trước kia không khai thác, và hầu như không có công nghiệp. Từ ngày giải phóng đến nay, đã khai thác nhiều hầm mỏ, xây dựng nhiều nhà máy, như nhà máy gang thép, thủy điện, xi măng, lọc dầu; xưởng làm máy cày, xưởng chữa xe hơi, v.v.. Công nghiệp nhẹ thì có nhà máy dệt, nhà máy xay, v.v..

Nghề nông thì diện tích trồng trọt là 2 triệu 70 vạn mẫu tây đất, chăn nuôi rộng 20 triệu mẫu tây, với 25 triệu bò và dê. Hơn 4 triệu 70 vạn người làm nghề nông và 60 vạn người làm nghề chăn nuôi đều đã tổ chức vào 452 công xã nhân dân, mỗi xã có từ 1.500 đến 3.000 hộ.

Về văn hóa cũng phát triển mạnh. Một thí dụ: Trước kia chỉ có một trường cao đẳng với 380 học sinh. Nay có tám trường đại học với 4.650 học sinh.

Tỉnh lỵ Uromsi nhiều nhà cửa, đường sá mới, và đang xây dựng, mở mang thêm.

Đến Uromsi vừa đúng vào ngày kỷ niệm thành lập Giải phóng quân, Bác đã gửi điện chúc mừng Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và đồng chí Lưu đã gửi lời cảm ơn Bác.

THĂM TỬU TUYỀN (TỈNH CAM TÚC)

Sáng sớm lên tàu bay đi Lan Châu. Bay qua Thổ Lộ Phồn, Ha My, Ngọc Môn... những địa phương không to, nhưng có tiếng tăm trong lịch sử Trung Quốc. Gần 12 giờ trưa, đến sân bay Gia Cốc Quan, cách Tửu Tuyền 30 cây số.

Tửu Tuyền là một huyện lỵ nhỏ, nhưng nó nổi tiếng vì mấy điều sau đây:

- Vạn Lý Trường Thành bắt đầu tại đó.

- Ở đó nhà nào cũng giống hệt nhau: mái phẳng, một cửa chính ở giữa và hai cửa sổ hai bên. Một dãy nhà xem giống như một số bao diêm sắp hàng lại.

- Có Tửu Tuyền. Ở công viên có một cái suối, như cái giếng, nước từ dưới mạch chảy lên, gọi là “tửu tuyền” (suối rượu). Sự tích là thế này: Đời Tây Hán, tướng Hoắc Khư Bệnh đánh thắng giặc. Vua Vũ Đế gửi thưởng y ba cốc rượu. Nghĩ công lao là công lao chung của cả bộ đội, y không nỡ một mình hưởng ơn vua, bèn đổ rượu vào suối nước này, rồi cùng bộ đội đều uống. Từ đó nơi đây lấy tên là Tửu Tuyền.

Đến đây chúng tôi còn hiểu thêm một điều: Vương Hàn, nhà thơ nổi tiếng đời Đường, có câu: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi”. Các cụ nho nhà ta cắt nghĩa “dạ quang bôi” là cốc rượu sáng óng ánh lúc ban đêm. Nhưng thật ra là ở Tửu Tuyền có một thứ đá đen hoặc trắng dùng làm cốc uống rượu rất xinh, gọi là “dạ quang bôi”. Các đồng chí ở đây đã biếu Bác mấy chiếc “dạ quang bôi” làm kỷ niệm.

Ở vùng này, nhiều khi bụi cát bay ngang, làm cho người ta tưởng là có dòng sông chảy. Có khi bụi cát bay thẳng lên, cách vài dặm cũng không trông thấy làng mạc, núi non. Vì vậy, từ trưa về chiều, đi tàu bay không tiện.

2 giờ chiều lên xe lửa đặc biệt, 10 giờ sáng hôm sau đến Lan Châu.

Trên xe lửa, đồng chí Tiêu Thiện Dân, Tỉnh ủy Cam Túc, nói chuyện về tỉnh này:

Cam Túc diện tích rộng 46 vạn cây số vuông. Có 13 triệu nhân dân, đông nhất là người Hán - 12 triệu. Ở đây cũng có một ít người Thổ và Mèo.

Có hơn bốn triệu mẫu tây ruộng. Đất chăn nuôi chiếm 24% tổng số diện tích, còn thì đều là rừng núi. Trước cách mạng, thủy lợi cả tỉnh chỉ tưới được non 30 vạn mẫu. Nay một triệu 40 vạn mẫu đã đủ nước tưới. Từ ngày nông dân huyện Vũ San tự động đào một con kênh dài 30 cây số tưới cho 2.000 mẫu tây ruộng đất, phong trào “đưa nước lên núi” đang lan khắp các nơi. Năm ngoái, nhân dân bắt đầu đào kênh “leo núi” dài nhất, tức là kênh Diêu, dài 1.100 cây số, đi qua địa phận 23 huyện (Cam Túc có 41 huyện). Kênh này sẽ biến 1 triệu 50 vạn mẫu tây ruộng đất khô khan thành ruộng tốt, và bốn triệu rưỡi nông dân nghèo sẽ được sống phong lưu. Nhưng tiểu thủy lợi vẫn là chính.

Cam Túc có nhiều hầm mỏ, như than, sắt, dầu, đồng, lưu huỳnh, v.v., và có cả mỏ vàng. Tuy vậy, trước kia công nghiệp của tỉnh này rất nhỏ bé. Năm 1949, cả tỉnh chỉ có hai vạn công nhân. Từ ngày giải phóng, Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân phát triển công nghiệp, số nhà máy và hầm mỏ ngày càng tăng. Hiện nay có gần 30 vạn công nhân.

Về văn hóa giáo dục, trước kia chỉ có bốn trường cao đẳng; nay có tám trường đại học.

Cam Túc có nhiều danh thắng cổ tích. Nổi tiếng khắp thế giới là hang Đôn Hoàng, có hàng trăm cái động, với những pho tượng và những bức vẽ rất khéo từ các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh để lại. 480 cái động còn giữ được y nguyên. Đối với vốn cũ văn hóa, đó là một kho tàng vô cùng quý báu.

Xe gần đến Lan Châu thì thấy vùng công nghiệp rộng lớn và mới tinh đang hoạt động sôi nổi. Nhà lấy nước, xưởng lọc dầu, nhà máy hóa chất, xưởng làm máy móc, v.v., và Ga “điều khiển” việc vận tải xe lửa của năm tỉnh lân cận. Cơ quan và kho tàng của ga liên tiếp nhau đến 40 cây số.

2 giờ chiều, đồng chí Hoắc Duy Đức, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy, đưa Bác đi thăm xưởng lọc dầu lửa. Việc xây dựng và sản xuất chia làm ba đợt. Đợt 1 sản xuất một triệu tấn. Đợt 2, ba triệu tấn. Đợt 3, năm triệu tấn. Đợt 1 đã hoàn thành trước thời hạn một năm và ba tháng. Nhờ kinh nghiệm đợt 1, mà trong đợt 2 sản lượng sẽ gấp ba, nhưng tiền xây dựng chỉ bằng hai phần ba đợt 1. Nhiều công tác đã “tự động” hóa.

Hiện nay xưởng có 1.550 công nhân chính thức sản xuất, hơn 1.000 công nhân xây dựng, và một số khá đông công nhân học nghề. Trường kỹ thuật của xưởng có hơn 2.000 người học, mỗi tối học hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi theo Bác lên cái tháp điều khiển, cao 73 thước tây. Từ trên trông xuống, thấy toàn bộ nhà máy sắp đặt rất khoa học.

Sau khi thăm qua xưởng hóa chất, Bác cùng các đồng chí lên chơi núi Ngũ Tuyền (năm cái suối). Có một cái suối gọi là “Suối ẵm con”, mê tín cho rằng những bà hiếm con, uống nước suối này sẽ “song sinh quý tử”.

Tối hôm nay, Bác đi thăm trường học cán bộ của các dân tộc Tây Bắc, rồi xem một đoạn “Kinh kịch”, một đoạn “Việt kịch” và một bản kịch địa phương. Vì không hiểu tiếng, chúng tôi không phân biệt được kịch nào hay hơn.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.