9 giờ sáng ngày 6-8, Bác đến thăm phân Viện khoa học của Lan Châu. Ngoài việc nghiên cứu địa chất, sinh vật, v.v.. Viện đang nghiên cứu cách làm cho băng và tuyết ở núi Kỳ Liên thau sớm mười ngày hoặc nửa tháng, để lấy nước tưới ruộng cho kịp làm mùa.

Sau đó, đi thăm công xã nhân dân “Nhạn Than” ở trên ven sông Hoàng Hà.

Tình hình phát triển của công xã ấy tóm tắt như sau: Năm ngoái, do bốn hợp tác xã cao cấp hợp lại. Công xã có năm đại đội, 36 đội, 108 tổ sản xuất gồm 3.098 nông hộ, 17.380 người (7.662 sức lao động chính).

Có 1.763 mẫu tây ruộng đất. 35% trồng lương thực. 65% trồng cà, đỗ và hơn 10 thứ dưa, 53 thứ rau xanh, 83 thứ quả như lê, đào, lý, mận, v.v..

Công xã đã mua sắm được một số máy móc. Hiện nay 70% ruộng đất cày bằng máy, 85% công việc tưới nước cũng làm bằng máy. Ngoài những nghề phụ và nghề chăn nuôi, xã có 14 cái xưởng to và nhỏ, như xưởng làm chén, bát, đúc gạch ngói, làm nông cụ, v.v..

Về văn hóa xã hội, xã có một trường tiểu học bảy lớp với 400 học sinh, một trường trung học nông nghiệp, học sinh vừa học vừa lao động, năm phòng khám bệnh, 5 nhà đẻ...

Năm 1957, tổng số thu nhập của bốn hợp tác xã là 3 triệu 50 vạn đồng.

Năm nay, tổng số thu nhập của công xã sẽ là 4 triệu 22 vạn đồng.

Trong một vườn cây rộng rãi và im mát của công xã, mấy nhóm học sinh đang nghỉ hè và các em nhi đồng tổ chức múa hát. Bác và các đồng chí lãnh đạo cùng tham gia. Công xã biếu Bác mấy quả bí, quả cà đặc biệt to.

Đối với chúng tôi, Lan Châu có mấy điều mới lạ:

- Lần đầu tiên, chúng tôi thấy rõ sông Hoàng Hà. Gọi là Hoàng Hà, nhưng nước đỏ hơn, đục hơn và chảy mạnh hơn sông Hồng ta. Đến nay, A. “thi sĩ” trong đám chúng tôi, ngâm nga một cách thú vị câu thơ của ông Lý Bạch: “Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai...”.

- Để làm cho nước mưa khỏi chảy quá mạnh, người ta cắt những sườn núi hai bên Hoàng Hà thành từng bậc. Tuy vậy, nước mưa đã làm cho địa thế Lan Châu lồi lõm, gồ ghề. Và sau một trận mưa to, đất bùn trên núi xuống đầy đường phố.

- Người ta lấy đá sỏi lát trên mặt đất để trồng rau. Họ nói: “Đá sỏi chống được hạn và lạnh, giữ được hơi ấm. Vì vậy, đất có lát sỏi thì sản lượng được cao hơn”.

- Đến đây, chúng tôi mới thấy Tần Lĩnh và hiểu rõ câu thơ của ông Đỗ Phủ: “Vân hoành Tây Lĩnh gia hà tại. Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền”. Tạm dịch: “Mây tuôn Tần Lĩnh, nhà đâu tá? Tuyết phủ Lam Quan, vó ngựa chồn”.

- Con gái làm cảnh sát. Ở thành phố khác cũng có, nhưng hôm nay chúng tôi mới để ý, mới thấy. Các chị đều học xong “sơ trung” (bên ta là lớp 7). Nhiệm vụ của các chị là điều khiển giao thông ngoài phố.

ĐI THĂM TÂY AN

8 giờ sáng, xe lửa đến Tây An. Ra ga đón Bác, có các đồng chí Phương Trọng Như, Vương Lâm, Dương Chửng Dân (con tướng quân Dương Hổ Thành) và nhiều vị lãnh đạo khác.

Khác với núi non trùng điệp, sa mạc mênh mông như ở Tân Cương và Cam Túc, Tây An là hoàn toàn bình nguyên, Tây An (đời xưa gọi là Tràng An) là một trong mấy thành phố lâu đời nhất của Trung Quốc.

Từ Tây Chu (trước dương lịch hơn 1.100 năm), đến đời Đường (dương lịch năm 618 đến 907), trong ngót 2.000 năm, 11 triều đại đã đóng đô ở Tây An. Những cuộc cách mạng nông dân nổi tiếng trong lịch sử, như Hoàng Sào (từ năm 875 dương lịch) và Lý Tự Thành (1.628 trở đi) cũng đã lập chính quyền nhân dân ở đây.

Địa thế Tây An phẳng phiu, cao hơn mặt biển 400 thước. Khí hậu khi nóng nhất lên đến 45 độ, khi rét nhất xuống đến 19, 20 độ dưới 0.

Tây An có đường ngang phố dọc thẳng thắn như bàn cờ.

Chung quanh thành phố có hào sâu. Trong hào nhiều cây cối, sau này sẽ thành một công viên sâu và dài.

Từ ngày giải phóng, diện tích của thành phố đã mở rộng thêm gấp ba lần (812 cây số vuông) với 1.480.000 nhân dân. Nếu kể cả ngoài ô thì hơn ba triệu người.

Dưới chế độ phản động Quốc dân đảng trong thành cũng như ngoài ô, đều nhan nhản những nhà tù, hào lũy và trại lính. Ngày nay Tây An là một thành phố công nghiệp và văn hóa đang phát triển không ngừng, một thành phố xã hội chủ nghĩa, với 123 xí nghiệp: xưởng điện, gang thép, chế tạo máy móc, vải sợi, đồ gốm, dầu sơn, đồng hồ, v.v...

Trong phong trào nhảy vọt, Tây An đã tiến bộ rất nhanh, thí dụ: So với năm 1957, thì năm 1958:

Tổng sản lượng công nghiệp tăng 80%;

Sức điện tăng 85%;

Gang thép tăng 23 lần;

Máy móc tăng 38 lần, v.v..

So với sáu tháng đầu năm 1958, thì sáu tháng đầu năm nay tổng giá trị công nghiệp tăng 95,2%.

So với năm 1950, thì ngày nay nhà cửa mới xây dựng nhiều gấp hai lần rưỡi, đường sá nhiều gấp ba lần (410 cây số).

Ngoài ra, còn có hơn 400 công xưởng nhỏ, do một vạn nhân dân thành phố tự xây dựng và sản xuất, trong số đó có 9.000 người đàn bà.

Để làm cho thành phố càng thêm tươi đẹp, công nhân, bộ đội, cán bộ và học sinh đã tự tay xây dựng thêm một công viên.

Thuộc vào thành phố có bốn huyện ở ngoại ô, với 1 triệu 53 vạn nông dân. Năm 1956 tất cả họ đều vào hợp tác xã nông nghiệp. Nay hợp thành 61 công xã nhân dân. Nhờ sức mạnh người đông và cải tiến kỹ thuật, vụ chiêm năm nay bình quân mỗi mẫu tây gặt được ba tấn rưỡi, có vài nơi được hơn bảy tấn.

Công thương nghiệp tư doanh năm 1956 đã được cải tạo xong xuôi. Thị trường xã hội chủ nghĩa đã thống nhất. Do đó, việc buôn bán ngày thêm phồn vinh, nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân được thỏa mãn. So với năm ngoái, thì tổng số hàng vặt năm nay tăng 22%. Một số hàng hóa được giảm giá. Đời sống của quần chúng được nâng cao thêm.

Về văn hóa giáo dục - Tây An có:

401 trường tiểu học với 159.000 học sinh;

132 trường trung học với 58.000 học sinh;

20 trường cao đẳng với 30.000 học sinh;

22 trường chuyên nghiệp với 21.000 học sinh.

Các nhà máy, đường phố và công xã nhân dân đều có trường “dân lập”. Học sinh đều vừa học vừa lao động. Văn hóa, kỹ thuật và chính trị kết hợp chặt chẽ với nhau. Thành phố có:

24 rạp hát;

10 rạp chiếu bóng.

Văn nghệ ra sức phục vụ công, nông, binh. Văn nghệ sĩ thường đến các nhà máy và đến các công xã, vừa biểu diễn, vừa giúp quần chúng tổ chức đoàn văn công. Khi rảnh thì họ cùng lao động với quần chúng. Nhờ vậy, mà phong trào văn nghệ trong dân gian phát triển rất mạnh. Một thí dụ: Ở làng Bạch Miêu, 80% xã viên công xã đều biết làm thơ, diễn kịch, làng này đã nổi tiếng là “làng thơ”.

Tây An là một thành phố rất cũ và rất mới.

Bác định để nhiều thời giờ xem những di tích lịch sử.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.