“Lầu trống” do vua Hồng Vũ đời Minh (năm 1348) bắt dân xây dựng. Lầu ba tầng. Nền lầu rộng hơn 1.377 thước vuông. Từ nền đến nóc cao 36 thước. Đời xưa “đêm năm canh, ngày sáu khắc”, các lầu này đánh trống, đánh chuông cho dân biết. Lầu xây dựng rất khéo, hơn 600 năm mà vẫn chắc chắn như xưa.

Quán bác vật (ta quen gọi là viện bảo tàng) ở đây rất to, có 14 nhà. Có những phòng trưng bày các thứ búa đá, dao đá... của người đời xửa đời xưa. Có những thứ đồ đồng, đồ đá, đồ sứ từ đời Chu, đời Tần, đời Hán cho đến đời nay. Đi xem những phòng này cũng có ích như nghe mấy bài giảng về lịch sử tiến hóa của xã hội.

Từ đời Hán (đầu thế kỷ thứ 1 đến đầu thế kỷ thứ 3) trong lúc người Tây Âu còn man rợ, thì nghề chạm, nghề vẽ ở Trung Quốc đã lên đến một trình độ nghệ thuật rất cao.

“Rừng bia” có sáu nhà trưng bày gần 2.000 tấm bia đá, từ đời Hán đến đời Mãn Thanh. Có một pho kinh bằng đá, gồm 114 tấm, trên bia khắc 13 quyển kinh, tất cả là 650.252 chữ. Đó là một công phu xuất sắc của đời Đường (năm 837). Cũ nhất là cái bia “sách Chu Dịch” do ông Thái Hộ (bố bà Thái Văn Ky) khắc, cách đây 1.773 năm.

Bốn tượng đá bốn con ngựa của vua Đường Thái Tôn (dương lịch năm 618) chạm trổ cực kỳ khéo, mạnh khỏe, gân guốc như ngựa sống. Nguyên đàn ngựa này có sáu con. Nhưng năm 1919, đế quốc Mỹ đánh cắp mất hai con.

Chiều 2 giờ, Bác đi xem nhà máy chế tạo những máy móc “quang học”. Cũng như các nơi, các đồng chí cán bộ và công nhân nhiệt liệt hoan nghênh Bác.

Sau đó, đi thăm “Thôn Bán Pha” (Bán Pha nghĩa là những sườn quả đồi) ở về phía Đông thành phố Tây An. Năm 1952 do đội công tác của Viện khảo cổ phát hiện ra. Diện tích hơn 2.700 thước vuông. Những người “khảo cổ” nhận rằng thôn này đã tồn tại cách đây độ 5.000 năm. Nhà ở cái thì hình vuông, cái thì hình tròn, nhưng đều hướng về phía Nam. Ở chính giữa nhà đều có một cái bếp.

Đồ dùng thì có những dao, mác, búa, tên nỏ, v.v. bằng đá. Lưỡi câu bằng xương. Chén, bát, chum, vò bằng đất nung. Có cái hũ đựng nước hình tròn, hai quai, đít nhọn, giống hệt hũ nước của người Ảrập ngày nay.

Phía Bắc thôn là chỗ chôn cất người chết. Cách chôn thì một người, hai người, hoặc bốn người chôn một nơi. Có người chôn sấp, phần lớn chôn ngửa, đều trở đầu về phía Bắc. Trẻ con chết thì chôn trong vò, gần nhà ở.

Hiện nay, có lẽ “Bán Pha thôn” là làng mạc xưa nhất của người đời xưa đã được phát hiện. Nó sẽ giúp nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử loài người.

5 giờ rưỡi, đi thăm chùa Đại Từ Ân và tháp Đại Nhạn cách thành phố hơn tám cây số. Chùa này xây dựng từ đời Đường, cách đây non 1.500 năm. Khi xưa, chùa có mười viện gồm 1.897 gian. Kinh qua mấy lần binh lửa, đã hư hỏng mất nhiều. Từ ngày giải phóng, đều giữ gìn di tích lịch sử, Chính phủ đã sửa sang lại thành 40 gian.

Năm 645 dương lịch, sư Huyền Trang (Tam Tạng) từ Ấn Độ về, đến ở chùa này để dịch kinh Phật. Để cất giữ kinh Phật và tượng Phật, người ta xây dựng một cái tháp năm tầng ở bên chùa. Đến năm dương lịch 701, bà Võ Tắc Thiên làm vua, xây thêm hai tầng nữa, thành bảy tầng, cao 64 thước tây. Chùa bị hư hỏng, nhưng tháp vẫn y nguyên. Lên tầng thứ 7, trông thấy cả một vùng nước biếc, non xanh.

Do quyển “Tây du ký” giới thiệu mà bà con ta nhiều người biết sư Tam Tạng. Sẵn đây, chúng tôi xin tóm tắt kể lại sự tích của sư.

Ông Huyền Trang (Tam Tạng) ra đời năm 602 dương lịch. Quê quán ở tỉnh Hà Nam. Lúc 13 tuổi, theo người anh đi tu. Từ đó Huyền Trang chu du nhiều nơi, tìm thầy tìm bạn. Vì đối với đạo Phật, mỗi thầy giảng một cách, Huyền Trang không hiểu, nghi ngờ, cho nên quyết tâm đi học tận gốc đạo Phật ở Ấn Độ.

Năm 27 tuổi, ông một mình khăn gói ra đi, không quản xa xôi, nguy hiểm, vượt suối trèo non, kinh qua 128 nước to nhỏ. Vừa đi vừa về, vừa ở, học tại Ấn Độ, tất cả 17 năm. Khi về nước, ông mang theo 657 bộ kinh Phật. Ông đã dịch được 74 bộ gồm 1.335 quyển, đồng thời đã dạy đạo Phật cho hơn 3.000 học trò. Ông thọ 63 tuổi. Mộ của ông chôn ở trong chùa Đại Từ Ân.

Chiều, 8 giờ Bác dự cuộc hoan nghênh do cán bộ Đảng, Chính, Quân và các em nhi đồng tổ chức, tất cả độ 1.000 người.

Sáng hôm nay đi thăm xưởng đồ sắt tráng men. Các đồng chí công nhân biếu Bác mấy cái ca uống nước, thau rửa mặt, và cái đĩa to trong có vẽ ảnh Bác rất khéo.

9 giờ rưỡi, đi thăm núi Ly San, ở phía Đông thành phố 50 cây số. Ly San phong cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử. Vì thời giờ ít, chỉ đi thăm vài nơi. Trước hết đi xem “Tróc Tưởng đình” là cái đình kỷ niệm nơi Tưởng Giới Thạch bị bắt. Năm 1936, Tưởng không lo chống Nhật, chỉ lo “đánh Cộng”. 12-12 năm ấy, hắn đến Ly San, muốn ép buộc hai tướng quân Trương Học Lương và Dương Hồ Thành đưa quân đi đánh Hồng quân. Hai vị chống lại hắn và bắt giam hắn ở “Thanh Hoa Trì”. Hắn vượt ngục, chạy trốn vào một cái hang. Đói bụng quá, hắn phải mò ra, bị tóm cổ. Nay ở cửa hang ấy, nhân dân lập cái “Tróc Tưởng Đình” để kỷ niệm.

Hồ Thanh Hoa ở giữa Ly San, có suối nước nóng đến 43 độ. Tục truyền rằng vua U Vương đời Tây Chu (cách đây khoảng 2.700 năm) có ở nơi này. Trên đỉnh núi Ly San có “Phong hỏa đài”. Khi có giặc dã, người ta đốt lửa ở đó, các nước chư hầu thấy khói, thì đưa quân đến cứu. U Vương mê mụ Bao Tự. Mụ này cả đời không cười. U Vương làm đủ cách, mụ vẫn im lìm. U Vương bèn cho đốt lửa ở “Phong hỏa đài”. Chư hầu bốn phương vội vã đến cứu, thì chẳng thấy giặc Bao Tự thấy vậy, cười òa. Về sau, giặc Khuyển Nhung đến đánh, U Vương đốt khói, thì chư hầu tưởng rằng U Vương lại nhởn nhơ với Bao Tự chứ gì! Chẳng ai đến cứu. Kết quả là U Vương bị Khuyển Nhung bắt chém đầu. Đời vua Đường, (từ năm 644 dương lịch) bắt nhân dân xây dựng cung điện ở đó. Vua Đường Huyền Tông mê Dương Quý Phi, lại lãng phí hơn nữa. Y dùng đá bạch ngọc xây nhà tắm cho cô ta, hình giống một đóa hoa hải đường, cho nên gọi là “Hồ Hải Đường”. Nhà thơ Bạch Cư Dị có câu:

“Xuân hàn, tú dục Thanh Hoa trì;

Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi”.

Tạm dịch:

Vua ban tắm suối Thanh Hoa

Mùa Xuân nước ấm, màu da sạch nhờn.

Phê bình cách sinh hoạt xa xỉ của bọn vua Đường, nhà thơ Đỗ Phủ có câu:

Chu môn tửu nhục xú;

Lộ hữu đồng tử cốt.

Tạm dịch:

Lầu son vua chúa sống bừa bãi.

Ngõ phố dân gian chết rét queo.

Cô Dương lại thích xơi lệ chi, nhân dân Tứ Xuyên phải “cống” bằng cách “hỏa tốc”, cho người cưỡi ngựa chạy cả ngày cả đêm, ngựa này chết thì thay ngựa khác, trong ba ngày lệ chi phải đến “Thanh Hoa trì”. Nhà thơ Đỗ Mục có câu:

Nhất kỹ hồng trần Phi Tử tiểu,

Đô nhân tri thi lệ chi lai.

Tạm dịch:

Bụi bay phủ ngựa, Dương Phi thích,

Kinh đô đều biết lệ chi về.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.