Về sau An Lộc Sơn nổi loạn, Đường Huyền Tông tản cư. Binh sĩ vua Đường bắt Dương Quý Phi thắt cổ.
Nay “Thanh Hoa trì” là chỗ nghỉ và chỗ tắm nước nóng của nhân dân.
Gần Ly San có mộ Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng là một người anh hùng, đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 500 năm giữa năm Bá và bảy Hùng; thống nhất Trung Quốc; v.v.. Nhưng cũng là một tên vua vô cùng bạo ngược, giết người như rạ, đốt sách vở, chôn sống những người trí thức. Vì vua quá hung tàn, nhân dân nổi lên chống lại. Cơ nghiệp đời Tần chỉ 15 năm thì tan.
Sau khi lên làm vua, Thủy Hoàng liền bắt 70 vạn nhân dân xây ngôi mộ giả này (Mộ thật ở trong dãy núi gần đó, tìm chưa thấy). Lúc mới xây, mộ cao 50 trượng, chu vi năm dặm. Qua hơn 2.000 năm gió mưa dày xéo, hiện nay mộ chỉ còn cao hơn mười trượng, chu vi 200 trượng.
Chúng tôi nói với nhau: Anh hùng như vua Tần, xảo quyệt (và được Mỹ giúp) như giặc Tưởng, vì làm trái ý nguyện của nhân dân, đều bị thất bại nhục nhã. Tổng Ngô chắc cũng chung một số phận ấy thôi.
Chương trình có định đi thăm “A Phòng Cung” là nơi mà Thủy Hoàng đã tập trung 3.000 con gái đẹp. Nhưng vì thời giờ ít, cho nên không đi. Cách thành phố 30 cây số về phía Tây, có làng A Phòng. Ở đó còn có di tích Cung A Phòng, chu vi rộng 620 thước, cao 41 thước.
Trên đường về vào thăm miếu thờ ông Đỗ Phủ. Miếu cũ xây dựng vào hồi Gia Tĩnh triều Minh, đã bị cháy. Miếu này mới xây dựng lại vào năm 1804. Miếu chính có ba gian, trang nghiêm nhưng đơn sơ, mộc mạc. Chung quanh miếu có vườn rộng, nhiều hoa.
Cụ Đỗ sinh năm 712 dương lịch, là một nhà thơ nổi tiếng đời Đường, bạn thân với nhà thơ Lý Bạch (Lý Bạch già hơn cụ 11 tuổi). Đời cụ gặp nhiều chìm nổi. Thơ cụ bênh vực nhân dân. Cụ thọ 59 tuổi.
Vì trong sách thường viết “Đỗ Công Bộ”, nhiều người nhầm là cụ làm quan to. Sự thật thì cụ chỉ làm chức Viên ngoại.
Tối hôm nay, xem một vở tuồng địa phương. Nội dung vở tuồng phát triển bài thơ của Thôi Hộ:
“Tích niên, kim nhật, thử môn trung. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiểu đông phong”.
Hai câu trên, anh A. mới dịch:
Ngày này năm ngoái, trong sân; Má hồng, đào thắm mười phân vẹn mười.
Hai câu dưới, cụ Nguyễn Du dịch:
Chung quanh nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Câu chuyện tóm tắt thế này: Cậu A đi qua làng B chợt thấy một cô gái nông dân tên là C, hai bên liền “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Cậu về xứ cậu. Cô ở nhà cô. Suốt một năm, hai bên thầm thương, trộm nhớ. Rồi cậu A đi tìm C. Đến nơi thì vừa: Thanh minh trong tiết tháng ba; Cô đi tảo mộ, cửa nhà vắng tanh. Cậu bèn viết bài thơ kia trên cánh cửa. Lúc trở về. Cô C thấy bài thơ, nhầm tưởng rằng đó là lời từ biệt, bèn đau xót mà ốm “thập tử nhất sinh”. Ít hôm sau, cậu A trở lại thì Cô hết ốm vì “sầu tương tư, nên hư nhan sắc. Bệnh não gì mà thuốc Bắc thuốc Nam”. Kết quả là: Bống bống, bồng bồng; cậu cô kết nghĩa vợ chồng trăm năm.
Thời sự trong thượng tuần tháng này, quan trọng nhất là tin đồng chí Khơrútsốp sắp sang thăm nước Mỹ. Xưa nay, Mỹ khinh Liên Xô và Cộng sản, ghét Liên Xô và Cộng sản, sợ Liên Xô và Cộng sản. Nay Mỹ buộc phải mời vị lãnh tụ Liên Xô và Cộng sản sang thăm, đó là một sự biến đổi rất to lớn. Chắc rằng cuộc đi thăm của đồng chí Khơrútsốp sẽ giúp nhiều cho công cuộc giữ gìn hòa bình thế giới.
Đầu tháng 8, Bác gửi thư kêu gọi nông dân ta hăng hái vào tổ đổi công và hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống của mình. Trong những buổi đi thăm nông trường ở Liên Xô và công xã ở Trung Quốc, Bác luôn luôn nghĩ đến đồng bào nông dân ta và suy nghĩ làm thế nào cho nông dân ta cũng sung sướng như nông dân các nước bạn.
Ngày 4-8, Chín nước độc lập châu Phi khai hội ở Môngrôvia, Thủ đô nước Libêria. Đó là một kết quả bước đầu của sự đoàn kết của các dân tộc châu Phi trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc. Đáng mừng.
Ngày 6-8, Hơn một triệu nhân dân Nhật lại biểu tình, chống âm mưu xét lại “Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ”. Nhân dân Nhật hăng thật, cuối cùng họ nhất định thắng.
Các đồng chí Giang Tây khẩn khoản mời Bác đến thăm tỉnh ấy. Các đồng chí nói: gần Cửu Giang phong cảnh đẹp lắm. Bác nhận lời và định hôm sau đi.
ĐI THĂM CỬU GIANG (TỈNH GIANG TÂY)
Cửu Giang là một huyện lỵ, thành phố không to. Nhưng chung quanh đó phong cảnh thật đẹp. Từ Cửu Giang đi xe hơi đến Lô San độ một tiếng đồng hồ.
Lô San nghĩa là “núi Lều”. Tục truyền rằng: Hồi Định Vương nhà Chu, hơn 3.000 năm trước đây, có 7 anh em họ Khuông đều có tài có đức, không tham lợi tham danh, đưa nhau lên núi này lợp lều ở ẩn: Vua phái người đến hỏi thăm, đến nơi thì chỉ thấy túp lều, còn bảy anh em họ Khuông đã đi đâu mất. Thế là: Chung quanh nào thấy bóng người: túp lều ẩn sĩ chơi vơi một mình! Từ đó, người ta gọi núi này là Lô San (núi Lều).
Lại có một câu tục truyền: Vua Minh Đế nhà Hán (thế kỷ thứ 1 và thứ 2) chiêm bao thấy một người bằng vàng, mình cao sáu trượng, đầu có hào quang, qua lại trong cung điện. Khi tỉnh dậy, vua cho đó là Phật hiển linh, bèn phái người đi Ấn Độ mang kinh Phật về Lô San. Từ đó, núi này thành một trong những trung tâm truyền đạo Phật, và người ta xây dựng tại đó hơn 380 ngôi chùa.
Câu tục truyền cũ nhất thì nói: Trước đây khoảng 4.000 năm, Trung Quốc lụt to, nhiều nơi bị ngập. Võ Vương đi chống lụt, lên đỉnh Hán Phong xem thế nước chảy, rồi cho đào chín ngọn sông. Hán Dương là nơi cao nhất trong 90 đỉnh núi ở Lô San.
Lô San cũng là nơi “Do người có tiếng mà đất nổi danh”. Từ xưa, nhiều nhà thơ và nhà giáo dục hoặc sinh trưởng ở vùng này, như ông Đào Uyên Minh, đời Tần; hoặc đến trú ở đây như các ông Lý Bạch, Đỗ Phủ đời Đường; hoặc đến dạy học ở đây, như anh em ông Lý Bột, ông Chu Y; hoặc thường lên chơi ở đây, như hai ông Tô Thức, Tô Triệt đời Tống.
PH.K.A
---------------------
Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.