Lô San cũng đã từng bị bọn đế quốc áp bức bóc lột. Năm 1885, người Anh mượn tiếng truyền đạo, câu kết với bọn thổ hào liệt thân, chiếm đoạt một vùng trên núi này làm đồn điền. Nhân dân nổi lên chống cự. Nhưng triều đình Mãn Thanh hèn nhát, đã nhường đất cho bọn đế quốc Anh làm tô giới trong thời hạn 99 năm. Nếu ngày nay Trung Quốc chưa được giải phóng, thì bọn chúng còn chiếm Lô San 25 năm nữa, đến năm 1984 mới thôi!
Từ đó, bọn đế quốc Mỹ, Pháp, Đức, Nhật cũng đua nhau lên Lô San chiếm đất đai, lập tiệm buôn, xây nhà nghỉ, lập tô giới... Trong các tô giới, chúng cấm người Trung Quốc không được ở, không được đi lại làm ăn. Chúng còn bán đất, bắt phu, đánh 39 thứ thuế!
Năm 1927, phong trào cách mạng Trung Quốc lên cao, bọn đế quốc phải bỏ quyền tô giới. Nhưng được ít lâu, thì Lô San biến thành nơi ăn chơi xa xỉ và đại bản doanh phản động của bọn Quốc dân đảng. Chúng lập trường “huấn luyện cán bộ chống cộng” ở đây. Mỗi lần đại tấn công Hồng quân, Tưởng Giới Thạch đều lên đây khai hội bí mật.
Từ năm 1949, Trung Quốc được giải phóng, Lô San trở thành nơi nghỉ hè của nhân dân.
Lô San, nơi cao nhất là 1.543 thước, trung bình là 1.100 thước. Ngày trước, chỉ có hai cách lên Lô San: Ai có tiền thì ngồi kiệu, người không tiền thì đi chân.
Cuối năm 1952, Chính phủ đắp đường xe hơi lên núi. Do lòng hăng hái và sự cố gắng của cán bộ và công nhân, chỉ trong chín tháng thì đắp xong con đường dài hơn 35 cây số. Có đi qua đó, có thấy những núi dốc, những thác sâu, thấy suốt đường quanh co như một chuỗi chữ Z chữ M, thì mới hiểu hết những khó khăn mà công nhân đã khắc phục. Ngoài ra, còn đắp thêm những đường đi đến các vùng phong cảnh, và một đường hầm bằng bê tông cốt sắt dài 90 thước, rộng tám thước, cao bảy thước.
Điều làm cho những người đến Lô San cảm thấy trước hết, là mát mẻ, khoan khoái. Mùa hè, ở Cửu Giang nóng 39, 40 độ; ở Lô San chỉ nóng 19, 20 độ. Mùa đông rét lắm cũng chỉ xuống đến bốn, năm độ dưới 0. Khen ngợi khí hậu Lô San, nhà thơ Bạch Cư Dị đã viết:
“Trường hận xuân quy vô mịch xứ,
Bất tri chuyển nhập thử san trung”.
Tạm dịch:
Tiếc mùa xuân muộn tìm không thấy,
Không biết xuân đã vào núi này.
Điều thứ 2 làm cho người ta mơ màng, cảm xúc là Mây. Mây ở đây là một bộ phận dàn cảnh, biến ảo không cùng. Khi thì vài đám mây mỏng manh, từ các khe núi nhè nhẹ bay ra, như một lớp phấn trên má những cô gái đẹp. Bỗng chốc mây tuôn đen sì như sóng biển, che mờ cả mặt mũi Lô San. Rồi đột nhiên mây lại tan đâu hết, chỉ còn vài dòng trăng trắng vương vấn trên mấy ngọn cây cao... Buổi sớm và buổi chiều, mây thường tỏa ra che lấp hết chân núi, chỉ chừa những đỉnh núi cao, xem như những hòn cù lao ngoài biển, người ta gọi là “Biển mây”. Lô San chẳng những có “phong cảnh” mà còn có “vân cảnh”.
Thác “bộc bố” cũng là một đặc sắc của Lô San. Nơi cao nơi thấp, cái ngắn cái dài, từ trên núi chảy xuống. Khi thì ầm ầm như sấm sét, khi thì nhẹ nhàng như tiếng đàn. Ông Bạch Cư Dị làm nhiều bài thơ về cảnh này, xin trích hai câu như sau:
“Phi lưu trực hạ tam thiên xích,
Nghi thi Ngân hà lạc cửu thiên”.
Tạm dịch:
Chảy, bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Ngân hà đồ tự chín tầng trời?
Lô San có nhiều phong cảnh và di tích đời xưa.
Cô Lãnh là một thành phố nhỏ và xinh của Lô San, nhiều nhà cửa, nhiều vườn hoa và chung quanh có rừng cây bao bọc. Đường đi ở giữa hai bên là rừng thông, ánh mặt trời qua nhành xanh lá biếc, rọi xuống mặt đường như tấm thảm thêu. Dạo chơi từ từ, thật là thú vị.
Cô Lãnh đi ra từ 1.500 thước đến tám cây số đều là những vùng phong cảnh.
Hoa Kính (Đường hoa) có từ đời Đường, nay là một công viên to và đẹp.
Động Tiên là một cái hang rộng, trong đó có cái suối gọi là “suối một giọt”, hàng nghìn năm nay, nó cứ nhỏ từng giọt, không bớt không thêm.
Dưới các thác “bộc bố” thì có “đầm”, như đầm Rồng trắng, đầm Rồng đen, đầm Rồng vàng, v.v.. Đá chồng lồng chồng, nước chảy trong veo.
Ở đây, nhiều nơi mang cái tên kỳ khôi như: Dốc Anh hùng (Hảo hán pha), Thành Con gái, Tháp Mẹ chồng nàng dâu, Thác Bỏ mình, Đình Hội tiên, v.v..
Ở vườn bách thú có một thứ chim, to và đen như chim quạ, mỏ vàng, tên là Liêu Cô. Nó biết cười và biết nói những câu ngắn bằng tiếng Trung Quốc, như “Nị hảo! Lai, lai, lai! Tái kiến!”, v.v..
Ở hồ Thiên Trì có một thứ cá rất lạ. Đầu rồng, có bốn chân, chân trước có bốn ngón, chân sau có năm ngón. Lưng đen, bụng vàng. Mình to bằng ngón tay út. Nó chỉ sống ở Thiên Trì. Thử nuôi ở nơi khác, đều không nuôi được.
Ở vườn bách thảo có một thứ cây lạ: lá thì rất thối, hoa thì rất thơm.
Lô San có hơn 40 nơi phong cảnh đáng khen, chúng tôi không thể kể hết. Chúng tôi muốn thêm một điều là: Hồ Pô Dương, rộng 70 cây số, ôm bọc lấy Lô San. Sông Trường Giang chảy từ Tây Bắc, gần Lô San đột nhiên chuyển sang Đông Bắc, như một cái đai bằng bạc. Hồ và sông làm cho phong cảnh Lô San thêm oai.
Cách Lô San độ mười cây số, trên một quả đồi rộng, cây số xùm xòa, có mấy ngôi nhà cổ, đó là thư viện Bạch Lộc Động. Thư viện này có từ đời Đường. Đến đời Tống (cách đây độ 1.600 năm, ông Chu Hy (các cụ nho ta quen gọi là Thầy Chu Tử) tổ chức lại và dạy học ở đó. Vì vậy, Bạch Lộc Động trở thành một trung tâm văn hóa và học thuật. Tục truyền rằng: Khi ông Lý Bột ở đây, có nuôi một con hươu trắng rất ngoan. Cần mua gì, chỉ ghi vào một miếng giấy, cột giấy và tiền vào sừng nó, nó khắc ra làng hoặc ra chợ mua về. Nay ở thư viện còn có tượng đá của con hươu. “Động” chỉ là cái tên, không phải là một cái hang. Trước mặt thư viện có một cái khe sâu. Dưới khe có nhiều khối đá lớn. Trên nhiều khối đá có khắc chữ của ông Chu Hy.
Trước kia là nơi ăn chơi của bọn quyền quý, ngày nay Lô San có bảy viện an dưỡng và mười lăm nhà nghỉ hè, mỗi năm có hơn một vạn rưỡi chiến sĩ lao động (chân tay và trí óc) lên nghỉ ở đây. Lúc trở về, họ nặng thêm từ hai đến bảy kilô. Mùa hè, nhiều em bé và nhi đồng Nam Xương và Vũ Hán lên đây nghỉ và cắm trại.
Năm nọ, 1.000 em nhi đồng Việt Nam lên học và nghỉ ở đây. Vì các em không quen khí hậu mát quá, sau phải đưa các em về Quế Lâm, ấm hơn. Nay nói đến Lô San, các em vẫn nhớ ơn Bác Mao, ơn Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc.
Xin thêm một điều: Lô San có hơn 600 thứ cây, 2.500 thứ cỏ. Có nhiều thứ quả như đào, táo, hạnh, lê. Có một thứ chè, gọi là “chè mây mù”, vì vườn chè trên núi thường có mây mù. Chè này nhiều chất “tanin”, uống bổ và mùi thơm như chè Long Tỉnh.
PH.K.A
---------------------
Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.