Trở lại thăm Bắc Kinh

Ngày 13-8 - Từ Cửu Giang lên tàu bay đi Bắc Kinh. Ra sân bay Bắc Kinh đón Bác về biệt thự có các đồng chí Trần Nghị - Phó Thủ tướng, Lưu Lan Đào - Phó Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Cơ Bằng Phi - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Hà Vỹ - Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, Phạm Bình - Đại biện Việt Nam tại Bắc Kinh và nhiều cán bộ cao cấp khác.

Ngày 15-8 - Bác đến thăm nhà nuôi trẻ ở Bắc Hải. Ở đây có hơn 150 em từ ba đến sáu, bảy tuổi. Các em đều béo đỏ, mạnh khỏe và rất ngoan. Các em ba tuổi cũng đã biết cùng nhau hát những bài hát ngắn; vịn vai hoặc nắm tay nhau nhảy theo nhịp vỗ tay của các em đứng ngoài. Các em sáu, bảy tuổi đều biết múa, em ấy hát múa ngay, không ngập ngừng bẽn lẽn. Tuy các em biết giữ trật tự tốt nhưng khi Bác mới đến thăm, em nào cũng tìm cách đến gần Bác.

Sáng ngày 16 - Hơn 20 em gái và trai đến thăm Bác. Các em ngoan lắm. Em gái Bình Bình, tám, chín tuổi, một tay ôm vai Bác, một tay giơ lên một cái hộp, nũng nịu hỏi: “Bác thử đoán cái gì trong này?”.

Bác nói: “Kẹo”.

Em nói: “Bác thử đoán lại xem”.

Bác nói: “Bánh”.

Em nói: “Chưa đúng”. Bác hãy đoán một lần nữa. Cái này nó kêu ngao ngao.

Bác nói: “Kêu ngao ngao, chắc là con mèo”.

Các em đều reo lên: “Đúng rồi, Bác đoán đúng rồi”. Còn Bình Bình thì mở hộp lấy ra chín con mèo bằng sứ, mỗi con một kiểu, rồi hôn Bác và nói: “Đây là quà cháu biếu Bác đấy”.

Em thì biếu một đóa hoa, em thì biếu một bức tranh tự tay mình mới vẽ. Bác cháu cùng nhau vui chơi suốt mấy tiếng đồng hồ.

Sáng ngày 18-8 - Bác đến thăm và nói chuyện thân mật với gần 1.000 anh chị em Việt Nam học ở Trung Quốc. Khi mọi người vừa đến đầy đủ trong nhà, thì trời lại bắt đầu mưa như dội. Bác nói tóm tắt tình hình thế giới, tình hình trong nước và kể lại cuộc đi nghỉ hè. Nhiều khi mọi người vỗ tay và cười vang. Thấy Bác hồng hào mạnh khỏe, anh chị em ai cũng vui mừng.

Chiều ngày 21-8, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ mời Bác đến chơi và dự bữa cơm gia đình. Cùng dự có các đồng chí Chu Ân Lai, Bành Chân, Trần Nghị, Nhiếp Vinh Trăn, Vương Gia Tường, Hà Vỹ. Giữa các vị lãnh tụ đã thân mật như đồng chí, lại yêu mến như anh em. Chúng tôi được biết rằng: Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ quen Bác đã hơn 30 năm, từ ngày hai vị đều hoạt động cách mạng ở Quảng Đông. Bác đã quen các đồng chí Chu, Nhiếp, Trần... gần 40 năm, từ lúc còn thanh niên ở bên nước Pháp.

Dạo này ở Bắc Kinh mưa nhiều, nắng ít. Mấy hôm trời tốt, Bác đã đi thăm vài nơi như Thiên đàn, Di hòa viên, Kho nước Thập Tam Lăng, Viện Bảo tàng của Giải phóng quân.

Thiên đàn là nơi ngày xưa vua tế trời. “Đàn” là một ngôi nhà đồ sộ, hình tròn, vì khoa học đời xưa cho rằng Trời hình tròn. Nhà rất cao to, nhưng xây dựng không dùng đến một cái đinh nào. Điều đó chứng tỏ kỹ thuật xây dựng rất giỏi. Trước Đàn có một con đường lát đá rộng, dài mấy chục thước, dẫn đến hai bức tường gạch. Tường này có “dây nói” không máy, không dây. Người đứng đầu này tường nói, người đứng đầu kia ghé tai vào tường thì nghe rõ như nghe điện thoại. Chung quanh Đàn có vườn rộng, có nhiều cây cổ thụ già mấy trăm năm. Có những cây thông quanh co như rồng uốn khúc. Nay Thiên đàn không để tế trời nữa, mà đã thành một công viên để nhân dân đến chơi.

Nhiều người đã biết Di hòa viên lâu đài đồ sộ, phong cảnh xinh tươi (xin miễn trình bày). Chúng tôi chỉ nhắc lại một chuyện cũ và một chuyện mới. Đồng chí H. kể cho chúng tôi nghe chuyện cũ thế này: Tể tướng Mãn Thanh là Lý Hồng Chương muốn vay tiền nước ngoài để tổ chức hải quân. Một người quý tộc thân với Tây Thái hậu bảo y: “Muốn được Thái hậu chuẩn y, thì phải làm cho Thái hậu vui lòng, ông phải trích một số tiền vay được mà xây dựng một vườn hoa mới, để Thái hậu ngự chơi...” Lý nghe lời, chi một số tiền khá to để xây dựng vườn Di hòa. Tiền dùng hết, nhưng vườn vẫn chưa làm xong, Lý phải chi thêm, và chi thêm mãi. Khi xây dựng xong vườn Di hòa thì tiền đã vay được cũng hết sạch không tổ chức được hải quân.

Chuyện mới: hôm đó nhiều học sinh nghỉ hè, đến bơi thuyền trên hồ Di hòa. Khi thấy thuyền Bác, họ bơi theo và hộ tống Bác một đoạn. Nhiều cô nữ học sinh thì vừa hát vừa chèo thuyền, một bà mẹ trẻ tuổi bế hai con, hai người em trai thì chèo thuyền. Khi đi gần thuyền Bác, em bé gái reo lên “Bác Hồ, Bác Hồ”, rồi đòi đi sang thuyền Bác. Thấy chị (năm tuổi) được Bác hôn và ẵm, em bé trai (ba tuổi) cũng đòi sang với Bác. Rồi cả hai em cứ đòi đi theo Bác không chịu trở về với mẹ... Hôm sau, Bác nhận được thư của gia đình hai em tỏ lòng sung sướng và cảm ơn.

Đập nước “Thập tam lăng” - đặt tên là “Thập tam lăng” vì trên dãy núi chung quanh đó có mả của mười ba đời vua Minh.

Đây nguyên là một vùng chân núi gồ ghề, toàn đá và sỏi. Đến mùa mưa thì nước từ các núi Mạng, Hán bao và từ sông Ôn Da ồn ào đổ về, ngập hết làng mạc, ruộng vườn ở vùng đó. Đảng và Chính phủ quyết định biến nước có hại thành nước có lợi. Cuối tháng 1-1958, công trình bắt đầu: phải đào một cái hồ đủ chứa 60 triệu thước khối nước. Phải đắp một cái đập dài 627 thước tây, cao 29 thước, chân đập rộng 179 thước, mặt đập rộng 7 thước rưỡi. Phải đào hai triệu rưỡi thước khối đất và đá.

Công trình làm xong sẽ giảm mức nước lụt to nhất từ một giây đồng hồ là 2.200 thước khối xuống 610 thước khối.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, các đồng chí lãnh tụ, bộ đội, công nhân, nông dân, phụ nữ, cán bộ các cơ quan, thầy giáo và học sinh các trường, các văn nghệ sĩ, các nhà công thương, cho đến nhân viên các Đại sứ quán đều hăng hái tham gia lao động nghĩa vụ. Người làm ít thì dăm ngày, người làm nhiều thì ba tháng.

Hơn mười vạn cán bộ và chiến sĩ bộ đội nêu khẩu hiệu “núi cao, cũng không cao bằng sức mạnh của ta. Đá rắn, cũng không rắn bằng cố gắng của ta” và trên công trường bộ đội đã đóng vai chủ lực.

Nông dân nêu khẩu hiệu “chưa làm xong đập nước, nhất định không về làng”.

Học sinh nêu khẩu hiệu: “Thập tam lăng là một trường học lao động cộng sản chủ nghĩa”. Vừa cải tạo thiên nhiên, vừa cải tạo con người...

Mỗi lớp người có khẩu hiệu thiết thực của họ. Họ không ngại mưa to, tuyết lạnh. Họ làm cả ngày cả đêm. Trong các đợt thi đua đã nảy nở nhiều đơn vị anh hùng như: “Đội chín cô Lan” của nữ thanh niên, “mười dũng sĩ” của các nhà công thương... Đội “bảy chị em từ 15 - 20 tuổi” không những làm việc giỏi, khi rảnh còn vá giày vá áo cho anh em...

Đồng chí thương binh Lý Thế Kỷ đã được danh hiệu “Anh hùng cụt tay”. Đoàn thể không cho đi làm, nhưng Lý nhất định đi. Khi công tác ở Thập tam lăng, Lý đã học thạo 20 công việc và luôn luôn được bầu là “gương mẫu”.

Trong thời kỳ xây dựng đã có 1.556 đề nghị cải tiến kỹ thuật làm cho năng suất lao động tăng năm đến sáu lần. Hơn 2.800 đơn vị đã được danh hiệu “lao động tiên tiến”, “công nhân gương mẫu” có hơn hai vạn người.

Do sự hăng hái của mọi người, mà chỉ trong 160 ngày, công trình to lớn ấy đã hoàn thành thắng lợi. Công trình này đã dùng hết 8 triệu 70 vạn ngày công của 40 vạn người, trong số đó:

115.000 người bộ đội;

101.000 thầy giáo và học sinh;

86.000 lãnh tụ và cán bộ Đảng và Chính phủ;

62.000 cán bộ và công nhân các xí nghiệp;

22.000 nông dân;

14.000 người công thương.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.