Công trình vừa xây dựng xong, thì trời lập tức thử thách: từ mồng 10 đến ngày 13-7 trời mưa to, nhưng không đám ruộng nào bị ngập, bị úng.
Phấn đấu năm tháng, hưởng phúc muôn đời. Thật vậy. Hồ nước “13 lăng” tưới được 20.000 mẫu tây, biến ruộng xấu thành ruộng tốt. Mỗi năm sẽ nuôi được 1.250 tấn cá. Chung quanh hồ thành một công viên, mỗi ngày 50 vạn người có thể dạo chơi, hóng mát. Thủ đô Bắc Kinh có thêm một vùng phong cảnh xanh tươi.
Quán bác vật quân sự (Viện bảo tàng quân sự), quán này là để kỷ niệm công trạng của Giải phóng quân trong 32 năm chiến tranh cách mạng. Lâu đài rất đồ sộ, hình chữ =, rộng sáu vạn thước vuông. Nhà hai bên có ba tầng. Nhà giữa có bảy tầng, phía trên có cái tháp, trên tháp có một ngôi sao đỏ đường kính sáu thước tây có hai chữ “8-1” (mồng 1 tháng 8, ngày thành lập Hồng quân Trung Hoa). Từ nền nhà đến ngôi sao cao hơn 94 thước. Giữa sân có hồ, với 12 hoa sen vàng phun nước, hai bên quán có hai pho tượng. Phía Đông là pho tượng hải, lục, không quân. Phía Tây là pho tượng dân binh công, nông và học sinh.
Khi Bác đến thăm, toàn thể công nhân và nhân viên hoan hô nhiệt liệt. Các đồng chí phụ trách là Âu Dương Tham và Tô Hoàn Thanh đưa Bác đi xem và báo cáo tóm tắt như sau: Để trưng bày, quán có 20 gian phòng cộng là 29.000 thước vuông. Đường đi xem từ nơi vào đến nơi ra, dài mười cây số. Có tám cái thang bằng điện để lên xuống các tầng lầu. Mỗi ngày mười vạn người có thể vào xem.
Tầng thứ 3 của lầu chính giữa có phòng chiếu bóng với 500 chỗ ngồi. Ở tầng thứ 5 có phòng hữu nghị để người đến xem tạm nghỉ. Ngoài ra còn có tám phòng nghỉ nữa, vì muốn đi xem cho khắp, ít nhất cũng phải một ngày.
Tầng thứ nhất về phía Đông, trưng bày những sự tích về cuộc chiến tranh cách mạng lần thứ 2 từ cuộc khởi nghĩa ở Nam Xương đến cuộc trường chinh hai vạn năm nghìn dặm. Về phía Tây thì trưng bày sự tích cuộc kháng chiến chống Nhật. Tầng thứ 2 trưng bày cuộc chiến tranh giải phóng diệt Tưởng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tầng thứ 3 trưng bày cuộc chống Mỹ, giúp Triều... Tầng thứ 6 và tầng thứ 7 là phòng làm việc.
Phụ trách việc xây dựng có 4.000 cán bộ và chiến sĩ Giải phóng quân và 3.000 công nhân. Các tỉnh đều hăng hái góp phần vào việc xây dựng. Thí dụ: bốn cánh cửa to chính giữa là bằng đồng do các chiến sĩ ở mặt trận Phúc Kiến nhặt nhạnh vỏ đạn mà đúc nên. Nhờ mọi người góp sức, chỉ chín tháng đã xây dựng xong.
Vì thời gian ít, Bác chỉ thăm mấy gian trưng bày ở phía Đông. Bác đã thấy lại hình ảnh nhiều đồng chí quen thuộc.
Chúng tôi nói với nhau: Quán bác vật này to rộng hơn Viện Bảo tàng cách mạng của ta. Nhưng cả hai đều có chung một ý nghĩa, tức là làm cho nhân dân, nhất là cho thanh niên chúng ta thấy rõ rằng cách mạng phải trường kỳ, gian khổ, song, nhất định thắng lợi; làm cho chúng ta thấy rõ sự phấn đấu hy sinh vô cùng anh dũng của tiền bối ta. Đó là những bài học rất thấm thía, rất quý báu, dạy bảo chúng ta phải quyết tâm đi theo Đảng, phải đưa hết tinh thần và lực lượng của thanh niên để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong tuần qua, tin tức thế giới có mấy điều quan trọng là:
- Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án đế quốc Mỹ đã xúi giục chính phủ phản động Xananicon gây nội chiến ở Lào (12-8).
- Ở thủ đô Miến Điện, Hội Hồng thập tự ta và Hội Hồng thập tự Thái Lan đã ký hiệp định về việc đưa Việt kiều hiện ở bên Thái Lan về nước (14-8).
- Liên Xô đồng ý giúp hai nước Ghinê và Inđônêxia xây dựng một số nhà máy (18 – 24 tháng 8).
Đặt ba việc ấy kề nhau, người ta có thể kết luận rằng:
- Những nước có chế độ khác nhau như Việt Nam và Thái Lan, vẫn có thể cùng nhau giải quyết vấn đề quan hệ giữa hai nước bằng cách thương lượng hòa bình.
- Đế quốc Mỹ thì chuyển nghề giúp bọn phản động gây rối loạn ở nước khác. Liên Xô thì luôn luôn giúp đỡ các nước xây dựng kinh tế để nâng cao đời sống của nhân dân.
Ngày 24-8 - Lúc ăn cơm sáng, Bác bảo chúng tôi: Hôm nay Bác nghỉ ở nhà, chúng tôi có thể đi xem Bắc Kinh cho biết. Đồng chí Bình (nữ đoàn viên thanh niên cộng sản, săn sóc việc ăn uống của Bác) cũng nói: “Bác cho phép thì các đồng chí cứ yên tâm đi chơi phố cho biết, có tôi ở nhà với Bác, các đồng chí chớ lo”...
Chúng tôi đi xe buýt từ cửa biệt thự đến cửa thành phố Bắc Kinh. Trên xe, chúng tôi thấy con gái, đàn bà ai cũng ăn mặc sạch sẽ, gọn ghẽ, nhưng không lượt thượt, lòe loẹt. Đến nửa đường, thấy một bà cụ già và một em bé chờ xe. Chị bán vé ân cần đỡ hai bà cháu lên xe, hai người khách đang ngồi vội nhường chỗ cho cụ già và em bé. Bà cụ đang loay hoay chưa kịp đặt lời, thì em bé gái chừng năm tuổi đã lễ phép nói: “Cảm ơn cô ạ! Cảm ơn chú ạ!”. Chúng tôi khẽ bảo nhau: “Thật là tục mỹ phong thuần!”.
Đến cửa Nam Môn, chúng tôi xuống xe đi bộ. Bắc Kinh to ghê! Đường phố nào cũng người đông như kiến, xe cộ đi nối đuôi nhau. Nhìn về phía nào cũng thấy nhà mới và nhiều tầng mọc lên như măng gặp mùa xuân. Vừa đi, đồng chí M. (cán bộ ở Đại sứ quán ta) và giải thích cho chúng tôi biết:
Trước kia, Bắc Kinh tuy là một “đế đô” suốt hai nghìn năm, có hai triệu dân. Nhưng về mặt phong quang, thì người Bắc Kinh đã có câu: “Không gió, cũng bụi bay ba thước. Có mưa, thì bùn lút hai chân”.
Từ ngày giải phóng, Bắc Kinh đã thay đổi hẳn. Hiện nay có sáu triệu 80 vạn dân. Trong mười năm qua, đã xây dựng 27 triệu 25 vạn thước vuông nhà mới, tức là nhà mới nhiều hơn nhà cũ gần một lần rưỡi. Chẳng những thế, nhà cũ cái nào cũng thấp lè tè, vì vua cấm không cho dân làm nhà cao. Nhà mới cái nào cũng ba, bốn tầng trở lên, cái nào cũng xinh đẹp. Năm ngoái là năm “nhảy vọt”, đã xây dựng 4 triệu 54 vạn thước vuông. Năm nay, chắc sẽ nhiều hơn. Những công trình đồ sộ, như nhà Quốc hội, Viện bảo tàng cách mạng nhân dân, Cung văn hóa dân tộc, Viện bảo tàng quân sự, sân vận động với tám vạn chỗ ngồi... đều xây dựng xong trong vòng chín tháng đến một năm.
Bắc Kinh trước kia là một thành phố tiêu thụ không có công nghiệp gì đáng kể. Hiện nay, Bắc Kinh có 100 xí nghiệp với 87 vạn công nhân. Đó là chưa kể hàng trăm công xưởng nhỏ do nhân dân tự xây dựng.
Về giao thông, trước kia chỉ có 54 chiếc xe chở khách. Hiện nay có 1.136 chiếc xe buýt và xe điện.
Văn hóa giáo dục cũng phát triển nhảy vọt. Hiện nay, các trường học, trung, tiểu học có tất cả là 1 triệu 35 vạn học sinh (bằng một phần năm tổng số nhân dân thành phố). Trước kia chỉ có hơn 4.000 thầy thuốc cho cả Bắc Kinh. Hiện nay có hơn ba vạn thầy thuốc...
PH.K.A
---------------------
Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.