Ngày 6 tháng 7 - Tám giờ sáng, Bác lên tàu bay đi Kiép, cách Mátxcơva 800 cây số về phía Nam. Đồng chí Vôrôsilốp và nhiều đồng chí nữa đã tới sân bay tiễn Bác.

Để cùng đi với Bác, Trung ương đã phái một đồng chí khoa trưởng, hai đồng chí khoa viên, hai đồng chí bảo vệ, và một nữ đồng chí phụ trách trông nom việc ăn uống của Bác. Trung ương lại phái một chiếc tàu bay để Bác dùng trong những ngày nghỉ hè ở Liên Xô. Người phụ trách tàu bay là đồng chí Pôpốp, Anh hùng Liên Xô, 43 tuổi, đã bay ngót 23 năm và hơn ba triệu rưỡi cây số. Đồng chí phó cũng đã bay hơn hai triệu cây số. Những nhân viên khác trên tàu đều là những người nhiều kinh nghiệm và đã từng phục vụ Bác một vài lần.

Kiép, thủ đô nước Cộng hòa Xôviết Ucơren [1], là một thành phố lịch sử ngót 1.000 năm. Năm 1654, nghị viện Ucơren định hợp nhất nước này với nước Nga thành một nước nhà to lớn. Ngày nay, Kiép là một thành phố to lớn và thịnh vượng. Đứng vào hàng thứ ba ở Liên Xô; thứ nhất là Mátxcơva, thứ nhì là Lêningrát. Thành phố này vừa là rất mới, vừa là rất cũ, có nhiều di tích lịch sử từ thế kỷ thứ II vẫn còn nguyên vẹn. Là một thành phố công nghiệp, Kiép cũng là một trung tâm văn hóa, có những viện hàn lâm về khoa học công nghiệp, khoa học nông nghiệp, khoa học kiến trúc… 20 trường cao đẳng, mỗi năm đào tạo hơn 40.000 chuyên gia. Có 165 trường trung học và tiểu học. Có nhiều viện bảo tàng và nhiều thư viện. Nhà sách của Viện Hàn lâm khoa học có hơn 13 triệu sách vở, báo chí. Có năm nhà hát lớn, một nhà hát múa rối và một nhà hát của thanh niên.

Kiép có nhiều công viên rộng và đẹp; các đường phố cũng là những công viên, vì đường phố nào cũng trồng nhiều cỏ, hoa, cây cối. Ở Kiép cũng có hội trưng bày rất to về những thành tích công nghiệp và nông nghiệp.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Kiép, bị phát xít Đức tàn phá dữ. Chỉ trong mấy năm, Kiép đã được xây dựng lại, xinh đẹp hơn trước.

Các đồng chí lãnh đạo đã báo cáo với Bác về tình hình Ucơren, tóm tắt như sau:

Ucơren có 601.000 cây số vuông đất đai, với ngót 42 triệu nhân dân. Xứ này có nhiều hầm mỏ và nhiều ruộng đất. Kế hoạch bảy năm định đến năm 1965, Ucơren sản xuất về công nghiệp:

Gang 31.500.000 tấn,

Sắt 80.000.000 tấn,

Than 211.000.000 tấn, v.v..

Máy móc sẽ tăng gấp đôi.

Toàn bộ sản lượng công nghiệp sẽ tăng 77% so với năm 1958 (giá trị 1% là ba tỷ đồng rúp).

Về nông nghiệp, sẽ sản xuất:

Lúa mì 33.600.000 tấn,

Củ cải đường 40.000.000 tấn,

Diện tích trồng ngô 10.000.000 mẫu tây,

Thịt sẽ tăng 2,8 lần,

Trứng sẽ tăng 3 lần, v.v..

Nông dân đã nêu khẩu hiệu: “Quyết tâm hoàn thành kế hoạch bảy năm trong năm năm”.

Tất cả những cố gắng và thành tích đều nhằm làm cho đời sống của nhân dân ngày thêm sung sướng. Thí dụ: so với năm 1958, thì đến năm 1965:

Khoản thu nhập của công nhân, nông dân và công chức sẽ tăng 40%.

Các thức ăn như thịt, sữa và các đồ dùng sẽ tăng gấp đôi.

Nhà ở, năm năm qua đã xây dựng 34 triệu thước vuông. Sẽ xây dựng thêm 58 triệu thước vuông (nhờ máy móc mới, công việc xây dựng nhà vừa nhanh vừa tốt. Một ngôi nhà có 64 chỗ ở, mỗi chỗ chỉ có hai hoặc ba phòng, chỉ cần 72 ngày là xây dựng xong).

Về văn hóa giáo dục:

Số thầy thuốc sẽ tăng đến 100.000 người,

Số học sinh, ăn ngủ tại trường 420.000 người,

Số chuyên gia mới 1.209.000 người.

Hiện nay, 35.000 người khoa học ở 462 sở nghiên cứu đang tìm tòi và thí nghiệm những phát minh mới. Thí dụ, họ đang tìm những thứ hóa chất cứng rắn hơn gang, thép, nhẹ nhàng hơn nút chai, trong sáng hơn thủy tinh; và tìm những thứ sợi nhân tạo dễ dệt, vải lụa đẹp hơn, bền hơn, giản đơn hơn, và rẻ tiền hơn các thứ sợi thiên nhiên.

Sau này, cứ ba người dân có một máy thu thanh, các hợp tác xã nông nghiệp đều có rạp chiếu bóng của họ…

Nói tóm lại: cùng với nhân dân cả Liên Xô, nhân dân Ucơren đang tiến mạnh lên chủ nghĩa cộng sản.

*

* *

Viết thế nào đây?

Nếu văn hay chữ tốt, thì với cuộc đi nghỉ hè của Bác lần này, người ta có thể viết một quyển “du ký” vừa dài vừa hay. Nhưng với trình độ “đọc thông viết thạo” của chúng tôi, chúng tôi chỉ có thể ghi chép sơ lược những điều tai nghe mắt thấy. Dù như thế, chúng tôi cũng gặp khó khăn, vì quản bút trong tay không viết được một cách rõ rệt những điều trong ý nghĩ muốn nêu lên. Các cụ nhà nho ta gọi như vậy là “từ bất đạt ý”.

Các đồng chí trong tổ khuyên chúng tôi: “Các cậu cứ cố gắng viết đi, dù văn chương không hay mà câu chuyện hay, thì viết ra vẫn có thú vị…”

Chúng tôi xin cố gắng vậy!

Xem lại mấy quyển sổ tay, ghi chép chi chít, chúng tôi thấy có những điều, không những nơi này và nơi khác ở Liên Xô giống nhau, mà ở Liên Xô và ở Trung Quốc cũng giống nhau. Để sau này khỏi lặp đi lặp lại những điều đó, chúng tôi tóm tắt ghi những điều ấy vào đoạn này:

- Khắp thành thị và nông thôn ở Liên Xô và ở Trung Quốc có một không khí tưng bừng, một phong trào sôi nổi, ai ai cũng hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Ai ai cũng coi việc xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là nhiệm vụ của mình.

Nói đến tiết kiệm, một đồng chí chuyên gia Liên Xô đã nói với chúng tôi câu chuyện lý thú thế này: Nhỏ như cái kim, lớn như tên lửa - đều cần dùng gang. Với hơn 50 tấn gang sắt vụn (những đồ cũ đã bỏ đi) nấu lọc lại có thể làm nên 5 chiếc máy cày, hoặc 7 chiếc xe cam nhông hoặc 400 chiếc môtô, hoặc 2.750 chiếc xe đạp!

Gang sắt vụn, nhặt ở đâu? Những máy móc cũ, ổ khóa cũ, nồi niêu cũ, bàn là cũ, v.v.. đều là gang sắt vụn. Ở Liên Xô, số gang dùng hàng năm trong công nghiệp, gần một nửa là gang vụn nhặt nhạnh lại.

Vì vậy, nhặt gang sắt vụn là một việc quan trọng. Mà nhi đồng và thanh niên là quân chủ lực trong công việc này. Bốn năm qua, họ đã nhặt được bốn triệu tấn gang vụn. Năm nay, Đoàn thanh niên cộng sản đã phát động một phong trào nhặt cho được ba triệu tấn gang vụn, và nhất định họ sẽ làm được.

Thành thị nào cũng phát triển mạnh. Đến đâu cũng thấy nhiều xưởng máy, nhà ở, trường học… mới xây dựng xong và đang xây dựng. Tại nhiều thành phố, bộ phận mới to hơn và đẹp hơn bộ phận cũ.

Ở đâu, đường sá cũng rộng và đẹp. Trong thành phố thường có ba đường hoặc năm đường đi song song với nhau. Ba đường - thì chính giữa là đường xe hơi, rất rộng; hai bên là đường đi bộ. Ven đường bộ và đường xe đều trồng cây cối, cỏ hoa.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.


[1] Ucraina.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.