Năm đường - thì chính giữa là đường người đi, hai bên là đường xe hơi, rồi lại hai đường đi bộ. Ven mỗi đường đều trồng hoa, trồng cây.

Từ tỉnh này sang tỉnh khác, thường cũng có ba đường đi song song, và đều trồng cây rất im mát.

Ở Liên Xô và Trung Quốc (nghe nói ở các nước khác cũng vậy) nhân dân rất hăng hái trồng cây gây rừng, vì nó lợi nhiều mặt: Làm cho phong cảnh tươi đẹp; chống gió, chống bụi; điều hòa khí hậu; sân gỗ để xây dựng hoặc làm củi. Nhân dân có chỗ nghỉ ngơi mát mẻ, tốt cho vệ sinh... Chúng tôi nói với nhau: Việc trồng cây gây rừng tuy không khó lắm, nhưng chúng ta, cũng còn lạc hậu. Như từ thủ đô Hà Nội đến Nam Định, đến Thái Nguyên, hai bên đường chẳng có cây cối gì cả. Những nơi có trồng thì cũng chỉ lơ thơ một hàng cây. Còn ở các nhà máy, các trường học, các công sở, v.v. cũng ít chú ý đến việc trồng cây. Trong công việc này, chúng ta cũng cần phải cố gắng làm theo các nước anh em.

- Việc tuyên truyền, giáo dục làm rất sâu rộng - Trong và ngoài nhà máy, cơ quan, trường học... hai bên đường, trên vách nhà, trong vườn hoa... đâu đâu cũng có những khẩu hiệu như: Đảng Cộng sản muôn năm! Quyết tâm thực hiện chính sách của Đảng! Và nêu rõ những con số trong kế hoạch chung của Nhà nước, những con số trong kế hoạch riêng của ngành mình, v.v..

Vì vậy, mọi người công dân luôn luôn nhớ đến sự lãnh đạo của Đảng, luôn luôn ghi nhớ nhiệm vụ của mình và luôn luôn cố gắng làm trọn nhiệm vụ. Đó là một cách giáo dục rất hay và rất rộng khắp.

- Tinh thần quốc tế vô sản - Từ các đồng chí lãnh tụ đến quần chúng nhân dân đều đối với Bác một cách cực kỳ thân mật, yêu đương, kính trọng. Nhất là thanh niên và nhi đồng, hễ thấy Bác là vui vẻ reo lên, rồi kéo nhau xoắn xuýt chung quanh Bác. Tiếng hoan hô "Việt Nam muôn năm! Bác Hồ muôn năm!" rầm lên không ngớt.

Tuy đi nghỉ hè, nhưng việc Bác đến thăm các nơi cũng có tác dụng tuyên truyền. Bác đến đâu, thì báo chí nơi đó đều có những bài nói về tình hình nước ta.

- Để làm đúng ý muốn của Bác, là đón tiếp rất đơn giản. Lại để thỏa mãn yêu cầu của cán bộ và nhân dân, là được gặp Bác. Các đồng chí địa phương đã có một biện pháp rất hay: sau hôm Bác đến thì tổ chức một bữa cơm gia đình, chỉ 15, 20 đồng chí lãnh đạo đến dự. Trước hôm Bác đi, thì tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ, có thể cho 500, 1.000 nhân dân và cán bộ đến xem.

Các đồng chí ở Kiép cũng chuẩn bị cho Bác một nhà nghỉ ở trong thành phố và một biệt thự tên là Vanky ở ngoại ô.

Ngày 7-7 - Các đồng chí đưa Bác đi xem mấy nơi nông nghiệp.

Cách Kiép dăm chục cây số, Bác xuống xe xem một đám ruộng củ cải làm đường, rộng 12 mẫu tây, của hợp tác xã nông nghiệp "Lênin". Đám ruộng này do tổ sản xuất của nữ đồng chí Gíptan phụ trách. Đồng chí Gíptan là một đảng viên Đảng Cộng sản, đại biểu Quốc hội Ucơren, đã hai lần được tặng huân chương "Anh hùng lao động". Nương cải này trông rộng thênh thang, xanh tươi mơn mởn, trông thấy sướng mắt. Các đồng chí nói: mỗi mẫu tây thu hoạch 65 tấn trở lên.

Đi một đoạn nữa, Bác ghé thăm hợp tác xã nông nghiệp "Hữu nghị". Cả xã chạy ra đón Bác. Các em nhi đồng tranh nhau quàng khăn đỏ và tặng hoa cho Bác. Đồng chí chủ nhiệm - một cựu đội trưởng du kích và lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống phát xít Đức - mời Bác và những người cùng đi, vào câu lạc bộ nghỉ ngơi và uống nước, rồi báo cáo:

Hợp tác xã này có 1.200 người cả già lẫn trẻ, trong số đó có 670 người lao động chính. Hợp tác xã có:

2.400 mẫu tây ruộng đất,

1.000 con bò, có máy thái cỏ và chia cỏ cho bò.

1.200 con lợn.

Năm 1953 chỉ thu hoạch 60 vạn rúp. Năm 1958 thu hoạch 3 triệu 60 vạn rúp;

Mỗi người lao động một ngày được lãnh sáu đồng rúp bằng tiền mặt và một kilô rưỡi lúa mì.

Các xã viên đều đang xây nhà ngói, hai tầng cho gia đình mình. Ai thiếu tiền xây nhà thì hợp tác xã cho vay, rồi trả dần trong 10 năm. Đến cuối năm sau, 550 gia đình xã viên đều có nhà mới.

Hợp tác xã có trường học, câu lạc bộ, sân thể thao, nhà phát thuốc, vườn giữ trẻ v.v. như một thành phố nhỏ và mới toanh.

Khi nói chuyện với các xã viên, Bác có nói: "Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nông dân Việt Nam chúng tôi đang hăng hái vào tổ đổi công và hợp tác xã, và đang đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Chắc rằng trong mấy năm nữa, họ sẽ sung sướng như các bạn ngày nay".

Bà con xã viên vỗ tay nhiệt liệt.

Bác và các đồng chí đến xem một nhà cũ, tuy cũ nhưng vẫn tươm. Vợ chồng và 2 cô con gái tỏ vẻ rất sung sướng được khách quý đến thăm nhà mình, và ân cần mời khách ăn quả và uống rượu. Lúc ra về, bà chủ biếu Bác một giỏ quả dâu mới hái về, Bác từ chối, thì hai cô bé nũng nịu nói: "Bác chê của các cháu ạ?" rồi xách giỏ dâu giao cho đồng chí lái xe của Bác.

Tiếp tục đi, cách Kiép 86 cây số thì đến một nông trường quốc doanh. Cũng như ở hợp tác xã, tất cả những người có mặt ở nông trường đều kéo nhau ra hoan nghênh Bác. Nghỉ ngơi một lát, rồi đồng chí giám đốc báo cáo: nông trường này vừa là một trạm thí nghiệm trồng trọt và chăn nuôi, vừa là một trường học nông nghiệp. Ở đây có 585 công nhân, viên chức và học sinh; 24 cán bộ và 12 bác sĩ khoa học.

Ruộng nương súc vật thì có:

2.145 mẫu tây ruộng đất,

1.200 con cừu,

7.500 gà vịt,

140 con ngựa,

860 con bò.

Con bò cái tốt nhất, mỗi năm (chín tháng) sản xuất 10.150 lít sữa.

Con bò đực to nhất, nặng 1.123 kilô.

Ngoài các phòng nghiên cứu khác, ở đây có phòng tiêm thuốc làm cho bò cái có chửa, không cần đến bò đực.

Nông trường có nhà gửi trẻ, sân vận động, nhà sách báo, rạp chiếu bóng nhà thương, v.v.. Năm ngoái, vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, nông trường thu hoạch sáu triệu đồng rúp. Bác hỏi một chị thanh niên nuôi bò: "một tháng cháu được bao nhiêu tiền lương?"

Chị trả lời: "Thưa Bác, được 1.200 rúp ạ. Còn các chị em khác, mỗi tháng được trên dưới 1.000 rúp".

Bác nói: "Thế là lương của cháu nhiều gấp đôi lương của Bác!"

Chị ta cười, mọi người cũng đều cười.

Đồng chí giám đốc nói: Vừa rồi có mấy anh em học sinh Việt Nam đến thực tập ở nông trường này.

Vừa đi vừa về đến Kiép hơn 170 cây số. Nhưng đường rải nhựa rộng rãi, thẳng thắn, hai bên đường thì cây cao bóng mát, tiếp đến là những nương ngô xanh rì, những ruộng lúa vàng óng. Trông phía nào cũng thấy hình ảnh giàu có, phong cảnh vui tươi, cho nên dù trời nắng nực, nhưng đi đường chẳng những không mệt, mà lại thấy khoan khoái trong người.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.