Hôm nay, các báo viết nhiều về cuộc trưng bày khoa học, kỹ thuật của Liên Xô ở Mỹ. Đồng chí Côdơlốp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang khai mạc hôm 30-6. Đồng chí cùng đoàn đại biểu đi một chiếc tàu bay "TU.114". Tàu này to gấp đôi tàu "TU.104", có hai tầng, tầng trên có 220 chỗ ngồi cho khách. Tầng dưới để hành lý và nấu ăn. Tàu bay một mạch từ Mátxcơva đến Nữu Ước, 8.191 cây số, chỉ mất 11 giờ 6 phút. Điều đó làm cho người Mỹ ngạc nhiên. Nhưng hôm nay từ Nữu Ước về Mátxcơva còn nhanh hơn nữa - chỉ mất 9 giờ 48 phút. Cuộc trưng bày của Liên Xô được nhân dân và báo chí Mỹ đều khen và phục.

Sáng ngày 8-7, Bác lên tàu bay đi thăm Krêmenchúc, cách Kiép 265 cây số. Trên tàu bay trông xuống, thấy ruộng đất bát ngát mênh mông. Vì cày bừa và trồng trọt bằng máy, đám ruộng nào cũng vuông vắn, phẳng phiu, như những tấm thảm khổng lồ nhiều màu sắc. Càng đi càng thấy rõ Ucơren là một nước giàu.

Krêmenchúc là một thành phố nhỏ, có tám vạn dân. Hồi chiến tranh, bị phát xít Đức đốt phá gần hết. Nay nhân dân đã khôi phục lại thành phố cũ, và đang xây dựng thêm thành phố mới, rỗng rãi đường hoàng hơn thành phố cũ nhiều.

Cách thành phố 34 cây số là công trình xây dựng trạm thủy điện Krêmenchúc trên bờ sông Đniép. 15.800 công nhân đang đắp một cái đập dài 12 cây số; và đào một cái biển chứa nước dài 240 cây số, rộng từ 10 đến 50 cây số. Để xây dựng trạm này, phải dời 42.000 ngôi nhà của nhân dân đi nơi khác. Kế hoạch định xây dựng trong sáu năm; nhưng cán bộ và công nhân đã quyết hoàn thành hai năm trước thời hạn, tức là cuối năm nay sẽ xây dựng xong.

Đại đa số cán bộ và công nhân ở đây đều là trẻ tuổi. Có 1.200 cán bộ kỹ thuật, và nhiều đội thi đua "lao động cộng sản chủ nghĩa".

Để xây dựng trạm này, một thành phố mới đã mọc lên, với nhà ở cho gần hai vạn người, nhà thương, trường học, sân vận động, rạp chiếu bóng, xưởng xe hơi, xưởng chữa máy, trụ sở của Đảng và của Đoàn thanh niên, v.v.. Đây là một thành phố mà nhân dân đều là tuổi trẻ, đều là công dân.

Sông Đniép dài 2.500 cây số mà có đến 14 trạm thủy điện. Krêmenchúc là một trong những trạm to nhất.

Chắc bà con ta đều đã nghe nói: Để được công nhận là "đội lao động cộng sản chủ nghĩa", mỗi công nhân trong đội phải có đủ ba điều kiện. Tức là: ăn ở, lao động, học tập đều theo đúng đạo đức cộng sản; đây là một thí dụ:

Chị Valăngtina Gaganôva là một công nhân lành nghề ở nhà máy dệt, ăn lương cao và đang làm đội trưởng đội "lao động cộng sản chủ nghĩa". Trong nhà máy có mấy kíp lạc hậu, vì họ là nữ thanh niên vừa thôi học ở nhà trường, mới vào làm thợ. Chị Gaganôva xin chuyển sang làm với một kíp này để dắt dìu những công nhân mới, dù làm như vậy chị phải hy sinh 25% tiền lương.

Noi gương chị, 55 nữ công nhân khác cũng làm như vậy. Rồi hàng nghìn chị em thạo nghề cũng làm theo. Nhờ vậy, chẳng bao lâu những kíp lạc hậu đều trở nên tiên tiến, và sản lượng của nhà máy tăng lên vùn vụt không ngừng.

Khi đến công trường Krêmenchúc, nhiều anh chị em công nhân chạy lại hoan nghênh Bác. Những người điều khiển máy trên tầng cao chót vót và những người công tác ở dưới lòng đập sâu thăm thẳm cũng vẫy tay, vẫy mũ chào mừng. Bác đi thăm nhiều nơi và xem công nhân lắp một vài câu. Khối bê tông cốt sắt nặng mấy chục tấn, mà máy nhấc nó lên, đặt nó xuống một cách rất nhẹ nhàng, xít xao.

Sau khi Bác thân mật nói chuyện với mấy đồng chí thuộc một "đội lao động cộng sản chủ nghĩa", họ nói: "Được gặp Bác, chúng tôi sẽ cố gắng tiến bộ hơn nữa". Đồng chí giám đốc nói ở công trường này cũng có mấy học sinh Việt Nam đến thực tập. Tiếc vì thời gian ít, công trường rộng thênh thang, họ không kịp đến gặp Bác. Bác gửi lời hỏi thăm và khuyến khích các anh em ấy.

Các đồng chí địa phương mời Bác đi sà lúp dọc theo sông Đniép trở về thành phố Krêmenchúc, vừa xem phong cảnh, vừa ăn một thứ cá nổi tiếng là cá ngon nhất ở sông này.

3 giờ chiều, đi tàu bay đến Dapôrôdiê. Cũng như nhiều thành thị và nông thôn ở miền này, Dapôrôdiê đã bị quân đội phát xít Đức tàn phá. Nay đã được xây dựng lại, với nhiều nhà máy, nhiều vườn hoa. Có 43 vạn nhân dân.

6 giờ chiều, đi thăm trạm thủy điện Đniéppơrôghét, ở gần thành phố.

Trạm này rất nổi tiếng trên thế giới, vì nó là một công trình rất to lớn, lại vì nó là móng công trình to lớn đầu tiên (1926) mà Liên Xô xây dựng theo kế hoạch Lênin đã đặt ra.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ 2, khi quân phát xít Đức bị đánh lùi, chúng phá hoại trạm này trơ trụi. Nhờ một chiến sĩ công binh xôviết bí mật cắt đứt dây cáp nối với khối thuốc nổ bọn phát xít đã đặt dưới nền trạm, cho nên chỉ hỏng nát phía trên nhưng nền không bị phá. Vì vậy, khi sửa lại trạm, không phải đắp nền mới, tiết kiệm được rất nhiều công, nhiều tiền. Trong khi cắt xong dây cáp, chiến sĩ ấy cũng hy sinh. Để ghi công trạng của người liệt sĩ, Nhà nước đã xây một ngôi mộ trong vườn hoa gần bên sở chỉ huy của trạm thủy điện.

Trước chiến tranh, công suất của trạm là 540.000 kilôoát, nay đã tăng lên 650.000 kilôoát. Nước phía trên đập cao hơn nước phía dưới đập 37 thước tây. Công việc trong trạm đều "tự động hóa" cho nên cả nhà máy rất phức tạp và rộng thênh thang mà chỉ cần sáu người điều khiển. Chung quanh trạm và hai bên bờ sông là công viên, đầy cây tốt hoa thơm. Ngoài đường cũng như trong nhà máy đều sạch bóng.

Các đồng chí mời Bác đi tàu thủy từ phía trên đập xuống phía dưới đập. Tàu đi xuống ba "bậc thang", mức nước mỗi bậc cách nhau hơn 12 thước tây. Mỗi bậc có một cửa máy, người ta dùng điện để mở ra đóng vào. Khi tàu xuống (hoặc lên) một bậc thang, chỉ cần độ 12 phút chờ nước lên (hoặc nước xuống). Đi qua ba bậc, thì tàu đến mặt sông, và trở về thành phố. Trên đập có đường rộng cho xe đi và người đi. Cách đập một cây số, lại có một chiếc cầu hai tầng xinh xắn, tầng trên là đường đi bộ, tầng dưới là đường xe hơi.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.