Khi Bác đến thăm nhà máy điện, trong đám quần chúng có tiếng hô "Bác Hồ muôn năm! Việt Nam muôn năm!". Hỏi ra mới biết rằng người hô khẩu hiệu là một đồng chí chuyên gia, năm ngoái đã sang giúp ta lắp máy. Được gặp Bác, đồng chí ấy tỏ vẻ vô cùng sung sướng.
Ngày 9-7 - Buổi sáng, Bác đi thăm xí nghiệp gang thép Dapôrôdiêstan ở ngoại ô. Giữa đường, thấy hai chị phụ nữ tất tả chạy theo xe Bác. Bác bảo dừng xe lại. Hai chị vừa thở hì hào hì hển, vừa nói: "Chúc Bác mạnh khỏe!" vừa đưa tặng Bác hai bó hoa. Được Bác hôn, hai chị tỏ vẻ vô cùng cảm động và sung sướng. Những người đứng hai bên đường thì nhiệt liệt vỗ tay.
Việc cảm động như vậy thường xảy ra trong những khi Bác đi đường. Nó chứng tỏ tình thân ái của nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc đối với Bác và đối với nhân dân ta.
Cách xí nghiệp xa xa đã thấy hàng trăm ống khói cao nghi ngút nhả ra những đám mây đủ màu sắc bay theo ánh sáng mặt trời buổi mai. Đến gần, thì nghe tiếng máy chạy ngân nga như nhịp sóng trong lúc trời thanh biển lặng. Các nhà máy chiếm một vùng đất rất rộng.
Đồng chí giám đốc, trạc độ 40 tuổi, nhanh nhẹn và vui vẻ, mời Bác vào phòng khách, rồi báo cáo:
Xí nghiệp này xây dựng từ năm 1931, đến năm 1933 bắt đầu sản xuất. Trong thời kỳ chiến tranh, bị phát xít Đức tàn phá nhiều. Từ năm 1945 được xây dựng lại và phát triển thêm. Hiện nay, mỗi năm sản xuất hai triệu tấn, so với năm 1957 tăng một lần rưỡi. Sản phẩm lớn thì dùng làm toa tàu, xe hơi, máy cày, máy kéo, v.v.. Sản phẩm nhỏ thì dùng làm thìa khóa mở đồ hộp, nút chai, v.v... không lãng phí một chút nào. Hầu hết công việc đều "tự động hóa".
Xưởng có hai bộ phận, bộ phận nóng và bộ phận nguội.
Xí nghiệp có 22.000 công nhân, non một phần ba là phụ nữ, hơn một phần ba là thanh niên. Trong 100 đội (độ 1.200 người) "lao động cộng sản chủ nghĩa", 16 đội đã được công nhận. Công nhân mỗi ngày làm việc 7 giờ, mỗi tuần làm việc năm ngày, nghỉ một ngày.
Xí nghiệp đang làm những lá thép mỏng để gửi cho nhà máy làm đồ hộp của ta. Anh chị em công nhân phụ trách bộ phận này rất sung sướng được khoe với Bác những công việc họ đang làm, và được Bác khen.
Sáu anh chị em học sinh Trung Quốc (bốn gái, hai trai) thực tập ở đây, quấn quýt lấy Bác như đàn con đã lâu ngày lại được gặp cha.
Bác tặng xí nghiệp 20 chiếc huy hiệu của Bác. Đồng chí giám đốc thay mặt anh em công nhân cảm ơn Bác, và nói: Sẽ tặng 16 đội "lao động cộng sản chủ nghĩa" mỗi đội một chiếc, và bốn công nhân xuất sắc nhất mỗi người một chiếc.
10 giờ, Bác đi thăm Mêlitôpôn, cách Dapôrôdiê 110 cây số. Dọc đường Bác ghé thăm trại nghỉ hè của nhi đồng, trên bờ sông Đniép. Ở đây, có sáu, bảy ngôi nhà rất sang trọng, vườn rất rộng và nhiều cây, nhiều hoa. Như một đàn chim non, hơn 150 em tung tăng chạy ra đón Bác. Mấy em "trực nhật" thì đứng nghiêm một chỗ, liếc mắt nhìn các em khác một cách thèm thuồng. Các em dẫn Bác đi xem chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ chơi, chỗ học nghề. Chỗ nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Rồi các em múa, hát để hoan nghênh Bác.
Bác kể chuyện "nhi đồng kháng chiến" cho các em nghe. Rồi Bác nói tiếp: "Ngày nay Việt Nam còn nghèo. Các cháu nhi đồng Việt Nam chưa được sung sướng như các cháu ở đây. Bác cùng toàn thể nhân dân Việt Nam, kể cả nhi đồng, đều ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong năm năm nữa, chắc các cháu Việt Nam cũng được như các cháu". Các em đều lắng nghe một cách say sưa và cảm động. Trước khi Bác ra về, một em gái đứng ra nói: "Nhờ Bác chuyển lời chào thân mến của các cháu cho các bạn nhi đồng Việt Nam".
Mêlitôpôn là một thành phố nhỏ với chín vạn dân cư, nhưng có một vườn trồng cây thí nghiệm rất nổi tiếng. Gọi là "Rừng trồng cây" thì đúng hơn, vì nó rộng đến 600 mẫu tây. Ở đây toàn là đất cát, nhưng đào xuống độ vài thước thì có đất đen. Vì vậy, rễ mát quanh năm, và cây lên tươi tốt. Vườn trồng đủ các thứ hoa và các thứ cây ăn quả. Được vun trồng phân bón theo đúng khoa học, hoa nào cũng đẹp, quả nào cũng ngon. Nhất là quả anh đào càng nổi tiếng.
Trời nắng, nhưng dạo trong vườn vừa mát, vừa thơm. Ban giám đốc thết tiệc mời Bác. Có thể gọi là một tiệc "thần tiên". Tiệc đặt dưới một giàn nho, xanh biếc, ở giữa vườn hoa. Trên bàn bày đủ các thứ quả, nhiều thứ chúng tôi không biết tên, chỉ thấy ăn ngon.
4 giờ chiều, chúng tôi theo Bác lên tàu bay đi Xêbáttôpôn cách Mêlitôpôn 320 cây số, bay trên biển Adốp một đoạn khá dài.
Đến sân bay đón Bác có đồng chí Kômêgakhốp, Bí thư Tỉnh ủy Cơrimê, người rất to béo và rất vui tính, đã quen Bác từ trước; đồng chí Kaxatơnốp, Tỉnh ủy viên kiêm Đô đốc Hải quân Biển Đen, và nhiều đồng chí khác.
Các đồng chí ấy mời Bác đi xe hơi đến thành phố Xêbáttôpôn, vào xem vườn hoa "Hữu nghị và vẻ vang", đề nghị Bác trồng cây "thiên tuế" làm kỷ niệm. Nhiều đồng chí lãnh tụ Đảng cộng sản Liên Xô và các Đảng anh em đã trồng cây kỷ niệm cho vườn này. Cây Bác trồng ở ngay bên cây của đồng chí Khơrútsốp. Nghe tin Bác đến, chỉ một chốc thiên hạ đã kéo tới đông chật vườn hoa. Khi thấy Bác cởi áo, xúc đất, trồng cây làm thật sự, thì họ vỗ tay hoan hô ầm lên.
Mấy nữ đồng chí và em bé xin chụp ảnh với Bác. Rồi đồng chí Kômêgakhốp mời Bác lên một chiếc tàu nhỏ của Hải quân, có treo cờ đỏ sao vàng, đi một vòng xem cảnh Xêbáttôpôn, rồi men theo bờ Cơrimê, đi về phía Nam, đến Mikho. Mấy lâu cứ đi tàu bay, hôm nay được đi tàu biển, thích lắm! Nhưng khi sóng to, tàu lắc, thì trong ruột nghe hơi nao nao.
Chiều 9 giờ, tàu cập bến Mikho. Trời vẫn còn sáng. Đi xe hơi lên một con đường quanh co, hai bên đầy cây và hoa, đến một biệt thự ở trên sườn núi, trong một khoảnh vườn cũng đầy cây và hoa, nhìn ra phía biển nước trong như lọc. Biệt thự này cũng rất oai.
PH.K.A
---------------------
Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.