Ngày 10-7 – Tập thể thao, ăn điểm tâm, làm việc một lát, rồi đi tắm biển.

Ở Liên Xô, người ta quen thức khuya dậy trưa, Bác thì bất kỳ ở đâu, cứ 5 giờ sáng là thức dậy, 6 giờ là uống cà phê. Biết như vậy, các đồng chí Liên Xô (cùng đi với Bác) cũng đôn đốc nhau dậy sớm.

Chiều 5 giờ, Bác đi thăm Anta.

Ngày xưa Cơrimê là nơi nghỉ hè của bọn vua quan, đại tư bản, đại địa chủ. Sau cách mạng tháng Mười thành công, ngày 21-12-1920, Lênin ký nghị định tu bổ và xây dựng thêm lâu đài để làm nơi nghỉ ngơi cho công nhân, nông dân và những người lao động Xôviết và những công nhân các nước khác.

Thành phố Anta có 15 vạn dân. Phong cảnh đẹp. Khí hậu tốt. Nhiều vườn trồng thuốc lá và trồng nho. Có 20 nhà điều dưỡng, nhiều nhà nghỉ, nhiều khách sạn. Nhà nào cũng tòa ngang dãy dọc, như cung điện, như lâu đài. Anta lại có tên tuổi trong lịch sử mới: Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2, Stalin, Rôdơven (Tổng thống Mỹ) và Sớcsin (Thủ tướng Anh) đã bí mật khai hội ở đây, để thảo luận kế hoạch tiêu diệt phát xít Đức.

Năm ngoái, Anta đã đón tiếp hơn 1 triệu 10 vạn người lao động đến nghỉ hè và khách du lịch.

Trong 10 ngày vừa qua, khoa học kỹ thuật Liên Xô lại thu được những thành tích mới.

Hôm 2-7, Liên Xô phóng một tên lửa có mang theo hai con chó và một con thỏ, với các thứ máy móc khoa học nặng 2.000 ki lô. Tên lửa bay cao gần 500 cây số, rồi bay trở về căn cứ cũ. Chó và thỏ vẫn được bình an.

Hôm 10-7, Liên Xô lại phóng tên lửa khác, mang theo con chó tên là “Mạnh dạn”. Lần này là lần thứ tư mà “Mạnh dạn” bay lên thăm trời, và máy móc khoa học nặng 2.200 ki lô. Tên lửa này cũng bay lên trời, rồi trở về đất, nơi căn cứ cũ. Dù vừa rơi đến đất, thì “Mạnh dạn” nhảy ra sủa âu âu, để khoe thành tích của cuộc lữ hành.

Trước đây ít lâu, Mỹ đã phóng tên lửa mang theo hai con khỉ. Tên lửa trở về căn cứ và khỉ vẫn sống. Với thành tích đó, Mỹ đã tuyên truyền rùm beng. Nhưng tên lửa Mỹ chỉ mang theo máy móc khoa học nặng hơn 10 kí lô. Vì bị đưa đi nghiên cứu và khoe khoang, một con khỉ đã “tạ thế”.

Cũng trong thời gian qua, một chiếc tàu bay quân sự Liên Xô đã bay một mạch 16.950 cây số trong 21 giờ 2 phút. Hôm sau, một chiếc tàu bay quân sự khác lại bay một mạch 17.150 cây số trong 21 giờ 15 phút. Sau khi bay đến địa điểm, hai tàu bay đều còn dầu đủ bay một tiếng đồng hồ nữa.

Từ Liên Xô đến Mỹ chỉ cách nhau 8.191 cây số.

Ngày 11-7 – Buổi sáng, Bác đi thăm vườn Nikiski, ở gần Anta cách Mikho vài chục cây số. Vườn này thuộc Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp, rộng 280 mẫu tây, có hàng nghìn loài cây các xứ nóng, các loại cây ăn quả và các loài hoa. Có một cây thông hơn 500 tuổi, một cây (tên gì không nhớ) có cành dài đến mười mấy thước. Có cây “liên lý” nhưng khác “liên lý” Trung Quốc. Cây “liên lý” Trung Quốc có hai gốc, mọc rời nhau, cách mặt đất độ 1 thước thì hai gốc dính nhau thành một cây. Còn cây “liên lý” ở đây thì hai cành của một gốc dính nhau thành hình chữ ơ. Vườn này cũng có trường học để dạy cán bộ trồng trọt và bảo vệ cây cối.

Lúc trở về, ghé thăm quảng trường Lênin và một bãi tắm. Thấy Bác đến, bà con kéo lại rất đông. Họ rất sung sướng được chụp ảnh với Bác.

5 giờ chiều, vợ chồng đồng chí Xuslốp, Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đến chơi và ăn cơm với Bác.

Ngày 12-7 – 3 giờ sáng, chúng tôi theo Bác lên đỉnh núi Ai Piêtri cao 1.250 thước để xem mặt trời mọc. Thiên hạ đi xem rất đông, có cả những nhóm nhi đồng. Núi cao, đêm khuya, trời rét, nhưng ai cũng kiên trì, vừa nhảy nhót vừa nói chuyện cho đỡ rét, vừa nhìn về phương Đông. 5 giờ 10 phút, mặt trời lù lù ở dưới biển lên, vừa to, vừa tròn, vừa đỏ, như một cái mâm bằng vàng. Thật là oai vệ.

Chiều 4 giờ, Bác đi thăm gia đình đồng chí Xuslốp ở biệt thự trên một rừng thông, gần vườn Nikiski. Nơi này trước có biển, sau có rừng, phong cảnh đẹp, khí hậu mát. Vợ chồng đồng chí Bơriênhép (cũng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) và người con trai cùng đến. Bác, cô dâu, chú rể, con trai, con gái của đồng chí Xuslốp và gia đình đồng chí Bơriênhép cùng nhau dạo vườn, nói chuyện, ca hát, chụp ảnh - rất thân mật, vui vẻ.

Con trai đồng chí Xuslốp có một máy chụp ảnh “Hỏa tốc”, chụp xong, liền lấy ra ảnh ngay.

Lúc trở về, Bác ghé chơi vườn hoa Mikho, ở cạnh bờ biển. Đặc điểm của vườn này là có một cái đồng hồ to, mặt đồng hồ làm toàn bằng hoa trồng, cỏ trồng, chạy rất đúng. Có hai em bé gái xăm xăm chạy lại và bạo dạn nói: “Chào Bác ạ”. Rồi hai em hai bên nắm tay Bác cùng Bác đi chơi, như quen thuộc Bác đã lâu ngày.

Ra khỏi vườn hoa, Bác đến thăm nhà nghỉ “Cờ đỏ”. Tình cờ gặp nhiều đồng chí Tiệp Khắc và Anbani nghỉ hè ở đây. “Thiên lý tha hương ngộ cố tri” - ai cũng vui mừng, sung sướng.

Ngày 13-7 – Sáng sớm, Bác đi thăm vợ chồng đồng chí Sirôky, Thủ tướng Tiệp Khắc, và vợ chồng đồng chí Muyenni, Thủ tướng nước Hunggari. Các đồng chí ấy đều do Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô mời đến đây nghỉ hè. Không cần phải nói: các lão đồng chí gặp nhau thì tay bắt mặt mừng, rất là vui vẻ.

8 giờ, Bác lên viếng tượng Lênin. Pho tượng này rất to, đứng trên núi, nhìn ra biển. Người đi thuyền xa ngoài khơi cũng nhìn thấy.

9 giờ, Bác đến thăm nhà nghỉ “Cờ Đỏ” số 2. Cán bộ Đảng Cộng sản Liên Xô từ các tỉnh và một số cán bộ các đảng anh em đến nghỉ ở dây. Tin Bác đến truyền đi rất nhanh. Chỉ trong mấy phút, các đồng chí đã đến đầy đủ, vui vẻ hoan nghênh Bác và xin chụp ảnh với Bác để làm kỷ niệm.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.