Nhà nghỉ “Cờ Đỏ” số 2 nằm trong một cái vườn rất rộng, đầy cây và hoa. Có nhà để nằm nghỉ sau khi tắm biển. Có các thứ thuyền bơi và xe đạp lội nước để tập thể thao. Độ 250 cán bộ đang nghỉ tại đây. Có đồng chí nặng thêm bốn, năm ki lô trong một tháng.
Ngày 14-7 – Lúc đi tắm biển Bác gặp đồng chí Canbécdin, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Luytuyani và vợ cùng hai cô con gái (15 và 17 tuổi). Tuy gặp Bác lần đầu, hai cô bé vồn vã hôn Bác, rồi Bác cháu thân mật chuyện trò. Đồng chí Canbécdin nói: Lần này Bác đi thăm các nước Cộng hòa Xôviết phía Nam Liên Xô; lần sau Bác nên đi thăm các nước Cộng hòa Xôviết phía Bắc, và mời Bác đến thăm Luytuyani.
2 giờ trưa, Bác từ giã Cơrimê lên tàu thủy “Đô đốc Nakhimốp” đi Xôsy. Tàu này to nhất và đẹp nhất trong những tàu chở khách ở Biển Đen.
Dài 174 thước tây,
Rộng 21 thước,
Cao 14 thước,
Chở được 1.658 người khách.
Có 1.058 phòng ngủ, bốn phòng ăn rộng rãi và sang trọng, phòng xem sách, phòng nhảy múa. Có hai bể bơi, có phòng bưu điện, phòng chiếu bóng,v.v... có phòng riêng cho trẻ con.
Trưởng tàu này một Anh hùng lao động. Cách đây mấy năm, đồng chí ấy làm trưởng máy tàu “Tuápsê”, khi tàu đi gần vịnh Đài Loan, bị bọn Tưởng Giới Thạch đánh cướp, nhân viên trên tàu bị bắt làm tù binh. Bọn Mỹ - Tưởng dùng mọi cách uy hiếp và dụ dỗ, buộc họ đầu hàng. Song những người trên tàu đã kiên quyết đấu tranh, cuối cùng Mỹ - Tưởng phải thả họ. Chuyện này đã được quay thành phim và chúng tôi đã xem phim này.
Đồng chí thuyền trưởng xin Bác cho phép những cán bộ và thủy thủ “chiến sĩ thi đua” trên tàu chụp ảnh với Bác. Có năm anh em học sinh Trung Quốc thực tập ở tàu này; họ rất phấn khởi khi được gặp Bác.
Trên tàu có một nhóm người Mỹ đi du lịch. Mấy người viết báo Mỹ nhờ đồng chí thuyền trưởng chuyển lời họ xin phỏng vấn Bác. Bác không nhận lời, vì lẽ rằng Bác đi nghỉ hè, không nói đến chính trị.
Trời thanh, gió mát, biển lặng như tờ, tàu đi rất êm ái. 2 giờ trưa hôm sau ngày 15-7, tàu cập bến Xôsy. Các đồng chí lãnh đạo địa phương lên tàu đón Bác.
Xôsy là một nơi nghỉ hè, nổi tiếng xinh đẹp. Thành phố chỉ có 96.000 dân cư thường xuyên, mà có 48 nhà an dưỡng, chưa kể những nhà nghỉ và những khách sạn khác. Năm ngoái có hơn 50 vạn người, hiện nay có hơn 10 vạn người nghỉ hè ở đây.
Cũng như nhiều nơi khác ở miền Côcadơ, mấy trăm năm trước Xôsy đã bị Thổ Nhĩ Kỳ thống trị. Đến giữa thế kỷ XIX Xôsy mới về nước Nga. Vì phong cảnh đẹp, khí hậu tốt, bọn vua quan và đại địa chủ Nga bắt đầu xây dựng nhà nghỉ mát ở Xôsy. Để tiện việc đi lại, chúng bắt nhân dân đắp một con đường từ Nôvôrốtsi đến Xukhum. Vì thiếu ăn, ốm đau và bị đánh đập tàn nhẫn, hàng trăm dân phu đã chết trên con đường này.
Sau Cách mạng Tháng Mười, bọn Đênikin nổi loạn, Xôsy bị tàn phá nặng. Tháng 4 năm 1920, Xôsy được hoàn toàn giải phóng. Từ đó, Chính phủ ra sức xây dựng lại thành phố để làm nơi an dưỡng của nhân dân. Các đồng chí Vôrôsilốp, Micaian, Oócgiônikidê và Stalin đã trực tiếp đôn đốc công việc này.
Xôsy có hơn 700 bác sĩ, 1.500 nữ y tá và một số đông khán hộ chăm nom sức khỏe cho những người đến an dưỡng; để cung cấp lương thực, Xôsy có nhiều nhà máy chế biến thức ăn, mỗi ngày sản xuất 160 tấn sữa, 125 tấn bánh mì, v.v..
Bác nghỉ tại một biệt thự của Trung ương, tên là “Bôdarốp Rusây” ở giữa một khu vườn đầy hoa quả cây cối, rộng 35 mẫu tây, đồng chí phụ trách trông nom biệt thự báo cáo với Bác: cách đây một tháng, đồng chí Chủ tịch Vôrôsilốp đã nghỉ mát ở đây; và khi ra về, đã dặn dò rằng: “đồng chí Hồ Chí Minh sẽ đến nghỉ hè ở đây, anh em phải săn sóc Người thật chu đáo”.
Trưa này trời nắng 30 độ.
Bác đi thăm nhà hát lớn của thành phố. Nhà hát này to và đẹp gấp mấy nhà hát thành phố Hà Nội ta. Rồi đi dạo vườn hoa trên bãi biển.
Chiều, Bác đi xem xiếc. Khi đồng chí quản lý báo tin Bác đến, cả rạp đứng dậy vỗ tay và hoan hô hồi lâu. Xiếc này toàn do thanh niên biểu diễn. Có nhiều trò mới và rất tài tình như: đặt cái bàn trên bốn cái chai, trên mặt bàn đặt bốn quả cầu nhỏ, đặt một cái ghế đứng trên bốn quả cầu đó rồi đặt tám cái ghế, cái này chồng nghiêng trên cái kia, trên mỗi ghế có một người hai tay chống trên ghế, mình và hai chân thẳng đờ ra ngoài… Có bảy chị em gái con một nhà, đều làm trò ở xiếc, ông bố ngoài 60 tuổi thì làm thầy dạy.
Ngày 16-7 – Sáng nay, Bác đi thăm nhà thương suối nước nóng Masétsta. Tiếng địa phương Masétsta nghĩa là “nước bốc lửa”. Nhà thương xây dựng toàn bằng đá hoa, đồ sộ như một lâu đài. Trong nhà ngoài sân sạch bóng không có một chút bụi. Vườn hoa bao bọc chung quanh mỗi khu nhà.
Nước suối Masétsta chữa các bệnh đàn bà, bệnh tê thấp, thần kinh, ung thư, kém máu, v.v.. Mỗi năm có chừng 30 vạn người đến chữa. Đồng chí Lôgaxôva, nữ giám đốc, dẫn Bác đi xem nhà thương.
Trên đường trở về, Bác lên đỉnh núi Akhum cao 600 thước xem cái tháp canh cao 30 thước rưỡi. Đứng trên tháp trông thấy toàn bộ phong cảnh Xôsy. Trời trong, mây trắng, nước biếc, rừng xanh, bao trùm những lâu đài đủ màu sắc - thành một bức vẽ vĩ đại vừa nhân tạo vừa thiên nhiên. Trên đỉnh núi có quán bán cơm và sân nhảy múa, sẵn sàng chiêu đãi khách đến chơi.
11 giờ, Bác đến thăm nhà nghỉ của công đoàn Ngũ kim. Ở Xôsy, nhà nghỉ nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là nhà nghỉ của quân đội và của công nhân ngũ kim. Nhà máy có 375 phòng. Mỗi năm hơn 4.000 chiến sĩ thi đua ngành ngũ kim và vợ con họ đến nghỉ hè ở đây. Nữ giám đốc là đồng chí Sêsôva cùng bà con ở nhà máy ra đón tiếp Bác một cách rất thân mật.
PH.K.A
---------------------
Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.