12 giờ – Bác đến thăm trạm “chọn giống những thứ cây các xứ nóng”. Trạm rộng 100 mẫu tây, và đang phát triển thêm 1.500 mẫu nữa. Trong trạm có một cây chanh tên là “cây chanh hữu nghị” đã 25 tuổi. Mỗi đoàn đại biểu 40 nước đến thăm trạm đều có tiếp một ngành vào cây chanh, mỗi ngành được tiếp có đeo tấm bảng nhỏ đề ngày tháng và tên đoàn. Đồng chí giám đốc mời Bác tiếp hai ngành. Trong vườn có những vùng “hữu nghị” trồng cây các nước và đặt tên theo các nước có thứ cây ấy. Vì thời giờ ít, Bác và chúng tôi không kịp vào thăm “vùng Việt Nam”.

Chiều 2 giờ, Bác đến thăm vợ chồng đồng chí Bêliaép, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên Xô kiêm Bí thư Đảng Cộng sản Kazắcstan. Đồng chí khuyên Bác đi thăm Kazắcstan, và nói chuyện với Bác những đặc điểm thú vị của xứ ấy. Từ giã đồng chí Bêliaép, Bác lên xe hơi đi Xukhum.

Đường đi từ Xôsy đến Xukhum 240 cây số, nhưng người ta có cảm tưởng như đi trong một vườn hoa.

Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm thành phố Gagơra, cũng là một nơi nghỉ mát xinh đẹp, rồi đi lên hồ Rítda ở trên một đỉnh núi cao 960 thước tây cách Gagơra 39 cây số. Đường lên núi cheo leo khuất khúc, hai bên đường là núi dốc đứng như những bức tường, người ta có cảm tưởng như bị vây kín chung quanh. Có một đoạn men theo núi dốc, bên cạnh là cái thác sâu hơn 100 thước, ai yếu bóng vía thì chỉ trông thấy cũng đã hết hồn. Người ta đặt tên cho đoạn đó là “Vĩnh biệt Tổ quốc”. Núi toàn đá, nhưng có nhiều cây to. Hai bên suối Gaghê, lâu lâu lại có những ruộng ngô và nương thuốc lá; ở những nơi đó người ta đặt rất nhiều tổ nuôi ong.

Hồ Rítda dài sáu cây số, rộng từ một đến ba cây số. Sâu 14 thước có chỗ sâu hơn. Nước ấm 12 độ. Hồ có nhiều cá “phôren”, mình dài một đến hai gang tay, ngon và thơm.

Rừng thông thẳng tuột, rủ bóng xuống nước hồ trong veo. Nhiều suối “bộc bố” từ các đỉnh núi chảy vào hồ như những tấm lụa trắng trên trời rủ xuống. Đằng xa là những dãy núi cao có tuyết phủ quanh năm. Phong cảnh của hồ rất nên thơ. Chung quanh hồ có nhiều nhà nghỉ mát của người lao động. Hàng ngày có hơn 100 xe buýt chở khách du lịch đến thăm hồ.

Các đồng chí địa phương mời Bác đi ca nô dạo chơi trên hồ. Chiều nay là lần đầu tiên chúng tôi được ăn cơm khách theo phong tục địa phương: Cừu non thui để cả con lên bàn; chả nướng mỗi miếng to bằng bàn tay và mỗi xâu dài gần một thước; bánh mỳ “uri” như nửa mặt trăng, bên ngoài bao thêm một bánh mỏng. Người khách quý được ăn đầu cừu, ăn không hết thì những người khác chia nhau ăn. Phong tục ăn cừu thui và chả nướng, từ đây đến dân tộc Hồi ở Tân Cương (Trung Quốc) đều giống nhau.

Đối với hồ Rítda có một câu chuyện cổ truyền giống hệt câu chuyện cổ truyền về hồ Ba Bể ở ta. Câu chuyện đại ý như vầy: Đời xửa đời xưa, ở nơi đây có một làng dân cư đông đúc. Một hôm, một vị Tiên giả làm người đi ăn xin, đi đến nhà nào cũng bị khinh rẻ. Khi đến nhà một người đàn bà nghèo, Tiên được bà này thương xót và cho ăn. Sau đó, Tiên bảo bà này: ngày mai sáng sớm, mẹ con bà ta nên lên đỉnh núi mà hái củi. Vì kính trọng người già, bà này làm như lời Tiên dặn. Khi mẹ con bà ta lên đến đỉnh núi, thì bất thình lình làng này sập thành cái hồ, dân cả làng chết hết, chỉ mẹ con người đàn bà lương thiện được sống còn…

Tối 17 ngủ lại ở Rítda. Sáng 18-7 trên đường đi Xukhum, Bác ghé thăm hợp tác xã nông nghiệp “Đurípsa”. Hợp tác xã này có:

1.500 mẫu tây ruộng đất để chăn nuôi

346 mẫu tây trồng chè

300 mẫu tây trồng ngô

25 mẫu tây trồng nho

620 con bò và ngựa

950 con cừu.

Toàn xã có 2.800 người, 750 người là lao động chính.

Năm ngoái, hợp tác xã thu hoạch hơn 12 triệu rúp. Mỗi ngày lao động được lĩnh 45 rúp. Trung bình mỗi năm, mỗi gia đình được từ một vạn tám nghìn đến hai vạn rúp.

Kế hoạch Nhà nước định cho xã là: Năm nay sản xuất 1.400 tấn chè và đến năm 1965 sản xuất 2.000 tấn. Nhưng xã viên quyết định năm nay sản xuất 1.700 tấn, và sẽ hoàn thành kế hoạch bảy năm trước thời hạn hai năm.

Ở đây, người ta trồng chè từng dãy dày khít như hàng rào. Dãy này cách dãy kia độ nửa thước. Chè rất xanh tốt, cao đến ngực người.

Để hoan nghênh bác, các em tí hon múa hát, thanh niên múa hát, rồi cụ già cũng múa hát. Bữa cơm trưa ở hợp tác xã cũng cừu thui để cả con, chả nướng dài một thước.

Xã này có ba cụ già: cụ Đôme 110 tuổi, cụ Táckin 105 tuổi, cụ Tácba 100 tuổi. Các cụ đều mạnh khỏe hồng hào, và ăn to, nói lớn. Cụ Tácba đã được thưởng huân chương Lênin và huân chương Anh hùng lao động. Cụ còn múa, nhảy và đua ngựa với thanh niên. Ở đây có tục dùng sừng trâu bò và sừng dê làm cốc uống rượu, bịt bạc và chạm trổ rất khéo. Để chúc sức khỏe Bác, cụ Táckin uống một hơi một sừng trâu rượu nho hơn hai lít.

Các cụ đã biếu Bác hai cốc bằng sừng để làm kỷ niệm.

Ngày xưa, ở Trung Quốc có phong tục tiễn khách ở “trường đình” nơi xa nhà, và ở “đoản đình” nơi gần nhà. Ở đây cũng có phong tục giống như vậy. Khi khách ra về đến ngoài sân, các cụ phụ lão mời khách ăn uống một lần nữa (tuy mới ăn xong ở trong nhà). Khách ra đến ngoài cửa, các cụ lại đãi một tiệc nữa.

Ở miền này có nhiều cụ già hơn 100 tuổi. Trong hơn 40 vạn nhân dân nước Cộng hòa Xôviết Ápkhadi thì có:

2.800 cụ hơn 120 tuổi,

8 cụ 140 tuổi,

1 cụ 149 tuổi.

Nhiều người khoa học phương Tây đến tìm hiểu vì sao các cụ sống được lâu như vậy; nhưng họ chưa kết luận được. Có câu chuyện tức cười như sau:

Mấy người khoa học đang hỏi chuyện cụ A. Cụ nói: “Tôi sống lâu vì tôi không hút thuốc, không uống rượu, không lấy vợ”. Bỗng nghe tiếng cãi nhau om sòm ở buồng bênh cạnh. Các vị khoa học hỏi: “Ai cãi nhau thế”. Cụ A trả lời: “Đó là cha tôi và chú tôi, hai con quỷ rượu. Cả ngày nốc rượu rồi thì hút thuốc; không rượu, không thuốc, buồn mồm thì cãi nhau. Cha tôi đã có hai, ba đời vợ; chú tôi cũng vậy…”.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.