Tháng 9 vừa rồi, một đoàn đại biểu Anh do cựu Thủ tướng Átli lãnh đạo đến thăm Trung Quốc. Lúc về Anh, cựu Thủ tướng viết cảm tưởng, có những đoạn như sau:

“Ở các thành phố, việc tiêu diệt ruồi nhặng rất thành công. Việc tiêu diệt tội ác cũng vậy. Nạn hút thuốc phiện căn bản đã thanh toán xong.

“Trước kia, Thượng Hải đã nổi tiếng thiếu trị an, chiều tối phụ nữ không dám ra đường một mình. Nay phụ nữ (kể cả phụ nữ Âu) bất kỳ giờ nào đi đâu cũng được.

“Người ta hết lo sợ trộm cắp, tham ô, hãm hiếp. Ai phạm tội ấy bị trừng trị rất nặng. Nạn móc túi cũng tuyệt tích.

“Những thành tích ấy, phần thì nhờ giáo dục, phần thì do mỗi một công dân tự giác, tự nguyện thực hành.

“Người Thượng Hải cực kỳ sạch sẽ. Người lớn, trẻ con đều ăn mặc gọn gàng, xem họ rất mạnh khỏe, vạm vỡ.

“Đại đa số trí thức đều ủng hộ Chính phủ. Về mặt vệ sinh, giáo dục, và các mặt khác đều tiến bộ rất nhiều.

“Ở Thượng Hải có 2 hạng người Âu. Hạng người luyến tiếc địa vị cũ của họ, thì có thái độ chua cay, bi quan. Hạng người hiểu biết tình hình cũ không thể trở lại, thì thật thà khen Chính phủ Trung Quốc tốt, và họ chắc ít lâu nữa có thể khôi phục lại nghề buôn bán của họ. Nhưng không một ai nhận rằng Quốc dân đảng có thể trở lại”.

Thuật lại chuyện đến thăm một nông trường tập thể, ông Átli viết: “Làng ấy có 160 gia đình. 130 gia đình đã tham gia nông trường. Mỗi nhà vẫn có riêng một đám vườn để trồng rau quả và nuôi lợn gà. Sản xuất rất phát triển. Nhà cửa rất sạch sẽ, ngăn nắp. Lại có nhà nuôi trẻ; các cháu bé Trung Quốc rất ngoan và vui vẻ. Sau khi tiêu diệt chế độ bóc lột phong kiến, đời sống của nông dân đã cải thiện nhiều…”.

Trên đây là những kinh nghiệm quý báu cho nhân dân Việt Nam ta.

Những tiến bộ anh em Trung Quốc đã làm được, thì ta nhất định cố gắng làm được.

C.B.

----------

Báo Nhân Dân, số 274, ngày 27-11-1954, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.