Chính phủ Pháp lại bị lật đổ. Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, trong 10 năm rưỡi, Chính phủ Pháp đã lập lên đổ xuống 21 lần. Tính đổ đồng, mỗi Chính phủ chỉ đứng được 6 tháng. Nhưng lần này khác 20 lần trước ở nơi:

Quốc hội lật đổ Thủ tướng,

Thủ tướng (dựa vào Hiến pháp) giải tán Quốc hội,

Đảng của Thủ tướng đã khai trừ Thủ tướng.

Trong cái Chính phủ hấp hối ấy, có 5 Bộ trưởng đòi bỏ rơi Thủ tướng.

Thủ tướng buộc 5 người ấy cứ phải tiếp tục làm quan!

Thật là lung tung beng!

Tình trạng lộn xộn ấy có nhiều nguyên nhân, mà chính sách đối với Việt Nam là một trong những nguyên nhân đó, như:

Chính phủ lần thứ 19 - bị đổ, vì đã thất bại đau đớn trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, nhưng cứ vâng lời Mỹ, muốn kéo dài chiến tranh.

Chính phủ lần thứ 20 - được bầu lên vì chịu giảng hòa với ta. Nhưng rồi lại vâng lời Mỹ mà tham gia khối xâm lược Đông Nam Á, cho nên bị đánh đổ.

Chính phủ lần thứ 21 - không thật thà làm đúng Hiệp nghị Giơnevơ, mọi việc đầu hàng Mỹ-Diệm, nhưng vẫn bị Mỹ-Diệm hất cẳng. Vì vậy, tuy Thủ tướng tên là Fo (chữ Pháp "Pho" là vững chắc), nhưng cũng chẳng "pho" và đã bị lật đổ lăn chiêng.

Ngoài vấn đề Việt Nam, các việc nội chính và ngoại giao khác, Chính phủ của giai cấp thống trị Pháp cũng thường vâng theo lời Mỹ, bị nhân dân Pháp phản đối, cho nên các chính phủ không ngồi nóng đít.

Chúng ta mong rằng qua cuộc tổng tuyển cử (vào ngày 2-1-1956), Pháp sẽ có một Chính phủ thật thà dân chủ, tiến bộ, vững chắc và xứng đáng với nhân dân Pháp anh dũng.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 647, ngày 10-12-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.200-201.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.