Đá đít là đã ác lắm rồi. Đời nhà ai lại đá vào hàm răng? Thật là quá sá! Câu chuyện là thế này:

Mỹ và Anh là đồng văn, đồng chủng, đồng minh. Hai nước lại là đồng môn đế quốc. Nhiều đồng như vậy, đáng lẽ là hẩu với nhau. Nhưng vì không thể đồng tâm, lại vì Mỹ quen thói hất cẳng bạn (như đã hất cẳng Pháp ở miền Nam Việt Nam), cho nên Anh với Mỹ xích mích tợn.

Vài thí dụ: Từ lâu, Úc và Tân Tây Lan là hai nước thuộc khối Anh. Nhưng Mỹ đã lôi kéo và ký hiệp định riêng với hai nước ấy, mà gạt Anh ra ngoài, không cho Anh cùng ký.

Trước kia, tư bản Anh nắm độc quyền dầu lửa ở nước Iran. Nay độc quyền ấy đã bị Mỹ “phỗng” mất.

Anh tổ chức khối xâm lược Bát-đa ở Cận Đông, gặp nhiều khó khăn, Mỹ để mặc kệ.

Anh chiếm đảo Síp (của nước Hy Lạp) làm căn cứ quân sự. Nhân dân Síp chống Anh kịch liệt. Mỹ làm bộ bênh vực nhân dân Síp.

Vì vậy, chính khách và báo chí tư sản Anh tức giận và oán trách Mỹ.

Ông thượng nghị viên Át-ly nói: “Bạn Mỹ đứng nhìn, mặc cho Anh đấu tranh một mình, dù Mỹ chiếm dầu lửa ở vùng ấy nhiều hơn Anh!”.

Báo Truyền tin hàng ngày viết: “Trong vấn đề Síp, lời tuyên bố của Mỹ là một cái đá vào hàm răng Anh”.

Báo Tin tức viết: “Mỹ tốt thì sao không để cho người Mỹ da đen được tự quyết?”.

Các báo khác ở Anh viết: “Tốt hơn hết là Mỹ ngậm câm mồm lại”.

Rõ là:

Giành ăn, Anh, Mỹ rầy rà,
Phen này kẻ cắp, bà già chửi nhau.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 754, ngày 27-3-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.