Từ mồng 7-4-1965, báo chí tư sản Mỹ và phe Mỹ làm rùm beng chung quanh lời tuyên bố của tổng Giôn về vấn đề chiến tranh ở Việt Nam. Sự thật thì có gì lạ đâu. Tổng Giôn chỉ xâu thành một chuỗi những lời dối trá mà y đã lặp đi lặp lại hàng chục lần rồi.

Chúng ta chẳng công hơi đâu mà cãi vã với y. Chúng ta chỉ tóm tắt nêu lên vài điểm thôi:

Mỹ là một nước to nhất, mạnh nhất và hung ác nhất trong các nước đế quốc chủ nghĩa. 11 năm nay, Mỹ đã dốc nhiều lực lượng vào cuộc chiến tranh xâm lược vô cùng tàn bạo chống miền Nam Việt Nam - một xứ tương đối bé nhỏ lại mới trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp. Thế mà đế quốc Mỹ càng đánh càng thua, nhân dân miền Nam càng đánh càng thắng. Điều đó tổng Giôn không dám nói ra.

Tổng Giôn nói: "Mỹ không muốn gì hơn là trở lại Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954". Y ba hoa vậy thôi. Thực tế thì Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp nghị đó.

Những điểm chính của Hiệp nghị Giơnevơ là bảo đảm Việt Nam có quyền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; là cấm nước ngoài không được đưa quân đội vào Việt Nam và không được lập căn cứ quân sự trên đất Việt Nam.

Nếu tổng Giôn thật thà muốn trở lại Hiệp nghị Giơnevơ, thì Mỹ phải rút ngay quân đội khỏi miền Nam và phải chấm dứt ngay những cuộc ném bom, phá hoại miền Bắc Việt Nam. Điều đó tổng Giôn không dám nói ra.

Tổng Giôn nói Mỹ sẵn sàng "thảo luận không điều kiện". Sự thật thì y đã đặt những điều kiện cực kỳ vô lý. Thí dụ: Y đã nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ ở lại miền Nam Việt Nam. Y không nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam có quyền tham gia giải quyết vấn đề miền Nam...

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam là người đại diện chân chính và duy nhất của nhân dân miền Nam, là người đoàn kết và lãnh đạo nhân dân miền Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ cùng bọn Việt gian, đã giải phóng hai phần ba nhân dân và ba phần tư xứ sở. Nếu không có Mặt trận tham gia thì không thể giải quyết được vấn đề miền Nam. Điều đó tổng Giôn không dám nói ra. Theo ý tổng Giôn, "thảo luận không điều kiện" nghĩa là Việt Nam "đầu hàng không điều kiện".

Cuối cùng tổng Giôn đã giở thủ đoạn mua chuộc. Y nói: Nếu Việt Nam ngoan ngoãn theo lời y, thì Mỹ sẽ viện trợ 1 tỉ đôla cho các nước Đông Nam Á, gồm cả Việt Nam, để "phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân".

Ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã tốn hơn 4 nghìn triệu đôla vào việc đốt phá hàng nghìn làng mạc, giết hại hàng chục vạn nhân dân, đã gây ra tội ác tày trời, biến những nơi chúng tạm chiếm thành địa ngục. Nay Mỹ bị sa lầy không có lối thoát. Tổng Giôn bèn giả nhân giả nghĩa, hòng dùng 1 nghìn triệu đôla để mua chuộc nhân dân Đông Nam Á.

Thật là một trò xỏ lá bỉ ổi! Hiện nay ở Hoa Kỳ có hơn 35 triệu người bần cùng, 45 triệu người nhà ở như ổ chuột, sao tổng Giôn không giúp đỡ đồng bào của y trước đã?

Tổng Giôn, người đã chủ trương dùng napan và hơi độc giết hại nhân dân miền Nam. Tổng Giôn, người đã ra lệnh "leo thang" đưa chiến tranh đến miền Bắc. Một con người như thế mà nói hòa bình thì mỉa mai thật.

Hãng AP Mỹ đã viết: Tổng Giôn phải "nói đến hòa bình và viện trợ là để đối phó với sự khiển trách nghiêm khắc của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đối với cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam". Đúng như thế. Hơn nữa, bằng cách rêu rao như vậy, tổng Giôn còn lừa bịp thiên hạ rằng: "Bà con xem đây, Mỹ muốn thương lượng, Mỹ muốn hòa bình. Nhưng bọn Việt Nam không muốn. Chiến tranh kéo dài là lỗi tại người Việt Nam!".

Nhưng tổng Giôn chẳng lừa bịp được ai. Thí dụ: Hai hôm sau ngày tổng Giôn nói về "hòa bình" thì trong một cuộc họp báo, ông Phenxten, giáo sư Trường đại học Đitơroi, đã nói: "Ít ra cũng có vài vạn giảng viên các trường đại học bất bình với chính sách của Mỹ ở Việt Nam". Hôm sau nữa thì ở Nữu Ước có hơn 8.000 đại biểu các tầng lớp nhân dân Mỹ đã biểu tình phản đối sự can thiệp và xâm lược của Chính phủ Giônxơn ở Đông Nam Á...

Để lập lại hòa bình, chỉ có một con đường đúng đắn, là Mỹ phải làm đúng Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, và cuốn gói rút lui có trật tự.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Nhân dân ta đã từng trải qua một cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng, thắng thực dân Pháp và tiếng tăm đã lừng lẫy khắp năm châu. Hiện nay, chúng ta lại đang tiến hành một cuộc trường kỳ kháng chiến thứ hai, chống Mỹ và thắng Mỹ. Tiếng tăm của dân tộc ta sẽ gấp bội lẫy lừng khắp bốn biển. Lần này, về mặt nào đó, chúng ta có thể "cảm ơn" Giônxơn.

CHIẾN SĨ

-------------------

- Báo Nhân Dân, số 4029, ngày 14-4-1965, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.14, tr.536-538.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.