Đại hội phụ nữ quốc tế đang họp ở Mátxcơva là một cuộc hội họp rất lớn. Dự hội có 119 đoàn đại biểu, trong đó:

Châu Á có 28 đoàn; kể cả Đoàn đại biểu phụ nữ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam, châu Phi có 39 đoàn, châu Âu có 27 đoàn, châu Mỹ có 25 đoàn. Tất cả là 1.400 người.

Mục đích của Đại hội là: đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của phụ nữ, hạnh phúc của trẻ con.

Bốn điều ấy là mục đích chung của tất cả những người lương thiện trên thế giới.

Muốn giữ gìn hòa bình thì phải ngăn ngừa chiến tranh. Muốn ngăn ngừa chiến tranh thì phải đấu tranh chống bọn âm mưu gây chiến, tức là bọn thực dân đế quốc, do Mỹ cầm đầu.

Bà Sôncurôva (người Udơbêkixtan, Chủ tịch Hội Liên lạc văn hóa với nước ngoài) nói rất đúng: “Đại hội này là một đại hội đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Đã đến lúc tiêu diệt chủ nghĩa đó. Nó là một vết nhơ cho thế kỷ thứ XX này...”.

Tổng Thư ký Hội Phụ nữ Inđônêxia là bà M. Xiuvi cũng nói: “Đây là một cuộc biểu tình hùng mạnh của tất cả những người phụ nữ đang đấu tranh chống áp bức và bóc lột, chống tất cả những cực khổ do thực dân đế quốc gây ra...”.

Hòng lừa bịp nhân dân thế giới, trước hôm Đại hội phụ nữ quốc tế khai mạc, trùm đế quốc Mỹ là Tổng thống Kennơđi cũng nói giọng “hòa bình”. Hôm 23-6-1963, y nói ở Tây Đức: “Chúng ta chỉ muốn có một thứ chiến tranh là chiến tranh chống bần cùng, chống dốt nát và bệnh tật...”.

Nhưng “khỉ không sao giấu được đuôi”. Cũng trong hôm đó, Kennơđi đã nói: “Mỹ sẽ làm hết sức mình để các nước tự do giữ vững được sự tự do của mình từ Bá Linh[1] đến Sài Gòn” (tức là miền Nam Việt Nam).

“Tự do” kiểu Mỹ ở miền Nam Việt Nam sự thật ra sao?

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 vừa được ký kết, thì đế quốc Mỹ nhảy vào thay thế thực dân Pháp và nặn ra chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Rồi từ đầu tháng 8-1954 đến tháng 10-1962 tự do kiểu Mỹ đã diễn ra bằng những con số (chưa thật đầy đủ) như sau:

140.000 người bị giết,

350.000 người bị giam trong hơn 900 nhà tù,

600.000 người bị tra tấn thành tàn tật. Trong số người đó, một phần khá lớn là đàn bà. Ngoài ra có:

6.000 trẻ con bị giam cầm, ngược đãi,

14.000 phụ nữ bị hãm hiếp.

Có hàng trăm phụ nữ (bé gái 10 tuổi và cụ già 70), sau khi bị hãm hiếp, lại bị mổ bụng, chặt đầu, moi gan, khoét mắt...

Lại còn hàng chục vạn phụ nữ và trẻ con bị nhốt trong những địa ngục trần gian mà Mỹ - Diệm gọi là “ấp chiến lược”.

Chính vì để giữ gìn hòa bình thế giới và độc lập của nước nhà, bảo vệ tự do của mình và hạnh phúc của con cháu, mà người phụ nữ miền Nam Việt Nam đang chen vai sát cánh cùng toàn dân dũng cảm chiến đấu chống Mỹ - Diệm. Phụ nữ miền Bắc thì đều hăng hái thì đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để ủng hộ chị em ruột thịt ở miền Nam.

Chúng ta tin chắc rằng trong cuộc đại hội ở Mátxcơva, chị em phụ nữ khắp năm châu sẽ nghiêm khắc lên án bọn Mỹ - Diệm; hết lòng đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng cho đến thắng lợi cuối cùng.

THANH LAN

-----------------------

- Báo Nhân Dân, số 3377, ngày 26-6-1963, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.127-129.


[1]. Thủ đô Béclin (Đức) (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.