Trong những năm kháng chiến gian khổ và anh dũng, nhân dân ta đã khắc phục khó khăn, thu nhiều thắng lợi. Văn nghệ là một trong những thắng lợi đó.

Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy. Văn nghệ của dân tộc ta vốn rất phong phú, nhưng dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị nô lệ, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn, không thể phát triển được.

Trong kháng chiến, nhân dân ta vùng dậy phá ách nô lệ, giành lại tự do, nhờ vậy văn nghệ ta cũng được vươn mình giải phóng.

Ngày nay, chúng ta khen ngợi anh chị em văn công mặc đẹp, hát hay, múa khéo. Nhưng chúng ta cũng không quên những ngày khắc khổ trong mấy năm qua. Đêm sương giá lạnh, áo vá, quần nâu. Có người miệng nhai ngô, tay viết kịch, dưới những hang đá hoặc trong những lều tranh. Các “nghệ sĩ” thì vừa phục vụ dân công hoặc vừa đánh giặc vừa tập múa hát dưới làn bom đạn. Văn nghệ đã sinh trưởng trong kháng chiến.

Đồng bào đi xem đều khen ngợi văn công khá. Mà khá thật. Khá nhất là ở chỗ đã tẩy hết những cái gì truỵ lạc, hủ bại của văn nghệ thực dân và phong kiến; đã nêu rõ được chừng nào tinh thần dũng cảm và sinh hoạt cần lao của nhân dân ta.

Nhưng văn công ta chớ vì thành tích ấy mà tự cao, tự mãn. Để phục vụ nhân dân (mà đó là mục đích của văn nghệ ta), anh chị em văn công cần phải cố gắng học tập thêm nữa, rèn luyện thêm nữa và tiến bộ hơn nữa.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 308, ngày 3-1-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.231.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.