Ngày 28-2-1955, vừa chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, tên hiếu chiến Đalét đã thốt ra rằng: “Nước Việt Nam “tự do” sẽ được “hưởng” những quyết định của Hội nghị Băng Cốc ...”. Quyết định của Hội nghị Băng Cốc là gì? Là xúc tiến phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại hòa bình ở Việt Nam, là mưu biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự xâm lược và thuộc địa Mỹ.

“Quyết định” của Hội nghị Băng Cốc thật ra đã được đế quốc Mỹ quyết định từ lâu. Bọn đầu hàng Mỹ và bọn chư hầu của Mỹ ở Hội nghị Băng Cốc chỉ làm cái trò giơ tay thông qua theo lệnh Mỹ. Về mặt quân sự, tên khát máu Côlin đã giải thích rõ quyết định ấy với tờ báo Mỹ Tin tức nước Mỹ và thế giới. Côlin nói rằng, cần phải xây dựng một lực lượng quân sự “anhđigien”[1] mạnh hơn nữa. Vì theo hắn thì lực lượng quân đội của Ngô Đình Diệm và quân đội viễn chinh Pháp hiện nay không đủ sức để ngăn cản một cuộc “ngoại xâm” (!). Nhằm đạt mục đích này, Côlin đang ráo riết xây dựng cho xong 6 sư đoàn “bảo an” và tăng số quân của Ngô Đình Diệm từ 9 vạn lên 15 vạn và có thể tăng lên hơn nữa. Cũng chính là để đạt được mục đích đó nên đế quốc Mỹ và tay sai của chúng đang ra sức dụ dỗ và cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.

Mục đích cuối cùng của đế quốc Mỹ trong việc tăng cường lực lượng quân sự ở miền Nam Việt Nam và ở Cao Miên, Lào là gì? Ai cũng thấy rõ: đế quốc đang âm mưu gây lại chiến tranh ở Đông Dương và từ đó sẽ mở rộng ra các nước khác ở Đông Nam Á. Vì vậy, gần đây đế quốc Mỹ, những phần tử thực dân Pháp phá hoại hiệp định đình chiến mớm lời cho một bọn lưu manh mất dạy luôn mồm hò hét “Bắc tiến”, “diệt cộng”! Luận điệu này cũng chính là luận điệu đế quốc Mỹ mớm cho Lý Thừa Vãn ở Triều Tiên.

Đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai của chúng mưu phá hoại việc thống nhất nước ta bằng tổng tuyển cử tự do. Trả lời báo Tin tức nước Mỹ và thế giới, Côlin nói trắng ra rằng hắn rất nghi ngờ là “có thể có tổng tuyển cử tự do ở Đông Dương”. Một điều rất đáng chú ý là cùng ngày 28-2-1955, Hãng Thông tấn Mỹ U.P. công bố những câu trả lời của Côlin thì Đài Phát thanh Sài Gòn của Ngô Đình Diệm cũng tuôn ra một bài bình luận nói rằng “trong thực tế không thể nào có cuộc tuyển cử năm 1956”, “trên hai phương diện pháp lý và thực tế”, bọn Ngô Đình Diệm đều “không thể nhìn nhận cuộc tổng tuyển cử năm 1956 theo như Hiệp định Giơnevơ”.

Đế quốc Mỹ xúi bọn tay sai tung ra luận điệu rằng Mỹ và các nhà chức trách miền Nam “không ký” Hiệp định Giơnevơ nên không thừa nhận tổng tuyển cử về “pháp lý cũng như về thực tế”. Rõ ràng là đế quốc Mỹ và bọn Ngô Đình Diệm muốn giở mặt. Tại phiên họp cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ ngày 21-7-1954, đại biểu Mỹ và đại biểu Ngô Đình Diệm đều đã trịnh trọng tuyên bố thừa nhận các hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Cao Miên và đồng thanh tán thành bản Tuyên ngôn 9 nước có ghi rõ điều khoản tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam. Những lời tuyên bố ấy đã đóng dấu vào trán chúng, không thể dễ dàng mà chuội được.

Đalét sang miền Nam Việt Nam là để thúc bách bộ hạ của hắn thực hiện những mục đích thâm độc kể trên. Đalét nói rằng Mỹ sẽ tận lực giúp “Việt Nam tự do” tức là tận lực xúc tiến biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự xâm lược của Mỹ, xúc tiến phá các quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Những hoạt động phá hoại của đế quốc và tay sai của chúng càng làm cho nhân dân Việt Nam đề cao cảnh giác, tăng cường chí khí phấn đấu, tuyệt nhiên không làm cho nhân dân Việt Nam sờn lòng mảy may.

Ý chí của toàn dân Việt Nam từ Bắc chí Nam kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ là sức mạnh long trời lở đất đập tan mọi mưu ma chước quỷ của bọn Đalét, Côlin, Êli, Ngô Đình Diệm.

T.L.

------

- Báo Nhân Dân, số 366, ngày 3-3-1955, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.357-359.


[1]. Indigène nghĩa là: dân bản xứ, tiếng mà bọn thực dân dùng để gọi nhân dân các nước thuộc địa (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.