Năm 1951, các đảng phái phản động và Chính phủ Pháp câu kết với nhau, thi hành đạo luật tuyển cử gian dối. Thành thử Đảng Cộng sản được nhiều phiếu mà lại được ít ghế đại biểu trong Quốc hội. Những đảng phái phản động được ít phiếu, thì lại được nhiều ghế.

Chúng "ăn quen bén mùi", lại dùng luật ấy trong cuộc tổng tuyển cử này. Nhưng lần này, Đảng Cộng sản "lấy gậy mày, đập lưng mày". Kết quả Đảng đã thắng to, chúng đã thất bại.

18 triệu 80 vạn cử tri (80%) đã đi bỏ phiếu. Đảng Cộng sản được 5 triệu 42 vạn phiếu - tức là hơn 1 phần 4 tổng số phiếu.

Đảng được 150 ghế - tức là 1 phần 4 tổng số đại biểu Quốc hội.

10 đảng phái kia, nhóm nhiều nhất cũng chỉ được 2 triệu 92 vạn phiếu và 88 ghế, ít nhất thì được 28 vạn phiếu và 3 ghế. Nhóm Đờ Gôn thì hoàn toàn tan rã. Vì vậy:

Đảng Cộng sản là chính đảng to nhất ở Pháp. Kết quả ấy làm cho nhân dân lao động Pháp rất phấn khởi, giai cấp lao động thế giới cũng vậy.

Nhưng đế quốc Mỹ thì rất buồn rầu. Vì sao? Hãng thông tin Mỹ U.P. trả lời:

"Ở Thủ đô Mỹ, người ta rất lo ngại về kết quả của cuộc tổng tuyển cử Pháp, vì sự thắng lợi kỳ quái của Đảng Cộng sản...

150 nghị viên cộng sản đang ám ảnh một cách ghê sợ trên tư tưởng những nhà cầm quyền Mỹ, vì sự bành trướng lực lượng của những lá phiếu cộng sản ở thế giới "tự do" làm cho các đại biểu Quốc hội Mỹ cực kỳ lo ngại.

Ở Mỹ, người ta không hiểu: Vì sao hồi 1951 luật tuyển cử phức tạp của Pháp đã chống được cộng sản, mà nay thì nó quay lại chống những người đã tạo ra nó".

Chắc bà con ta còn nhớ rằng: Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1951, Đảng Cộng sản Pháp chỉ được 94 ghế đại biểu, mà báo chí Mỹ đã la ó lên: "Suốt mấy năm nay, Mỹ đã bỏ cho Pháp hàng trăm triệu đôla, mà kết quả là cứ 4 người Pháp thì 1 người tán thành cộng sản. Thế là Chính phủ Mỹ đã đưa tiền đổ xuống biển, mất công toi dã tràng!...". Ngày nay, Đảng Cộng sản Pháp thắng to như vậy, chẳng hay báo chí phản động Mỹ sẽ có thái độ thế nào?

Tục ngữ Pháp có câu: "Chó sủa mặc chó, xe cứ tiến lên".

Chúng ta cũng nhớ rằng: Trong những năm kháng chiến, Đảng Cộng sản Pháp đã ra sức hô hào và lãnh đạo nhân dân Pháp chống chiến tranh thực dân và hết lòng ủng hộ nhân dân ta. Ngày nay, Đảng Cộng sản Pháp đòi Chính phủ Pháp thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ và ủng hộ chúng ta trong cuộc đấu tranh chính trị để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.

Vì vậy, nhân dân Việt Nam ta thành thật chúc mừng nhân dân Pháp và Đảng Cộng sản Pháp đã thu được thắng lợi to lớn.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 674, ngày 6-1-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.242-243.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.