NGA MI THƯỢNG (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây) xưa nay nổi tiếng nấu rượu lậu. Nhưng khi đã nhận thấy nấu rượu lậu là một việc xấu, thì đảng bộ xã quyết tâm xóa bỏ tệ nạn ấy, và đã thành công.

Vì vậy, nên khen cho đồng bào, cán bộ và đảng viên Nga Mi Thượng. Đồng thời nêu gương cho nơi nào còn nấu rượu lậu phải noi theo mà làm.

Sau đây là lời của báo Hà Tây ra ngày 14-12-1966:

CẦN KIỆM CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

BỎ NẤU RƯỢU LẬU, DÀNH NHIỀU THÓC BÁN CHO NHÀ NƯỚC

Từ lâu, Nga Mi Thượng, một thôn lớn ở xã Thanh Mai (Thanh Oai) đã nổi tiếng về nấu rượu lậu. Cả thôn có 352 hộ, thì 200 hộ nấu rượu trái phép. Xã viên nấu rượu, thậm chí một số đảng viên cũng nấu rượu, uống rượu và bán rượu. Mải chạy theo tiền lãi, nhiều người bỏ cả ruộng; do đó, việc sản xuất trong hợp tác xã có khi bị đình đốn. Tính riêng năm 1965, mức kế hoạch trên giao bán lương thực theo nghĩa vụ có 5 tấn thóc. Nga Mi Thượng cũng chỉ thực hiện được 3 tấn. Chẳng những thế, hợp tác xã lại còn phải xin đong của Nhà nước tới 8.870 kg gạo.

Sang năm 1966, đảng bộ Thanh Mai nêu quyết tâm chấm dứt bằng được tệ nấu rượu lậu ở địa phương, giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm tốt và vận động quần chúng làm tốt việc này. Được học tập về tình hình nhiệm vụ mới và lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Hồ Chủ tịch, bà con nhận thấy: mỗi cân thóc, cân gạo lúc này là một viên đạn bắn vào đầu giặc Mỹ; để lãng phí lương thực là có tội với đồng bào miền Nam, tiền tuyến lớn của cả nước, đang gian khổ đánh giặc. Đảng viên đi trước làng nước tiến theo, Nga Mi Thượng đã xóa xong tệ nạn hủ bại có từ lâu đời.

Mọi người chăm lo sản xuất, vun vén làm giàu cho tập thể. Cả hai vụ chiêm mùa vừa qua, đều tốt bội; hợp tác xã Nga Mi Thượng vinh dự được ghi tên mình vào bảng vàng 5 tấn. Bà con xã viên hồ hởi chẳng những không phải xin đong gạo của Nhà nước như trước, mà còn dư gần 40 tấn "thóc chống Mỹ" góp phần nuôi quân ăn no đánh thắng giặc Mỹ.

CHIẾN SĨ

-----------------------

Báo Nhân Dân, số 4524, ngày 23-12-1966, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.