Cán bộ xung trước,
Làng nước theo sau,
Việc khó đến đâu,
Cũng làm được hết.
Thật vậy, việc sau đây lại một lần nữa chứng tỏ điều đó:
Bỏ nấu rượu trái phép.
Trước đây, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) “nổi tiếng” về nấu rượu lậu, nhất là thôn Bá Giang. Cứ đi qua đó vào chập tối, là thấy ngay mùi cơm bã nấu rượu. Hầu như mọi nhà đều nấu, cả cán bộ, đảng viên cũng nấu. Ước tính trong một năm, tệ nấu rượu lậu ở thôn Bá Giang làm tiêu hao tới trên dưới 200 tấn gạo nếp.
Thực hiện cần, kiệm chống Mỹ, cứu nước, từ trung tuần tháng 6-1966, Đảng ủy xã Hồng Hà đã mở cuộc vận động quần chúng xoá bỏ tệ nấu rượu lậu; cán bộ, đảng viên ai mắc khuyết điểm này phải sửa chữa trước cho nhân dân theo.
Kết quả, đến nay xã Hồng Hà không còn một nhà nào nấu rượu trái phép nữa. Một đồng chí trong Ban Đảng ủy xã đã nói với tôi: “Chỉ riêng thôn Bá Giang, do bỏ nấu rượu lậu, đã có thể tiết kiệm được 200 tấn gạo một năm, tương đương với khối lượng gạo đủ nuôi 2.000 nhân khẩu trong năm tháng”.
(Trích báo Hà Tây, ngày 4-1-1967)
VÀ ĐÁNG CHÊ
Tổ chức liên hoan để mừng công sau mỗi khi hoàn thành thắng lợi kế hoạch là một điều tốt và nên làm. Có nơi liên hoan thanh đạm bằng chè nước, tổ chức vui chơi văn nghệ bằng những tiết mục tự biên tự diễn giản đơn. Nhưng cũng có nơi lại nặng về chè chén linh đình, hễ nói tới liên hoan là người ta nghĩ ngay đến chuyện ăn uống.
Vừa qua, trong thành phố ta có xí nghiệp cũng tổ chức liên hoan theo cái nghĩa mới của nó (tức là ăn uống). Xí nghiệp 1-5 đã “liên hoan” năm con lợn (hơn 200 kilôgam) và mấy chục kilôgam thịt bò của một đơn vị bộ đội chia lại (?).
Theo ý các đồng chí lãnh đạo Xí nghiệp 1-5 thì đây là nguyện vọng từ lâu của quần chúng cho nên dù đã có chỉ thị của cấp trên hạn chế việc tổ chức ăn uống, các đồng chí lãnh đạo xí nghiệp vẫn “mạn phép” tổ chức.
Vì nể cái “nguyện vọng từ lâu” mà không kiên quyết lãnh đạo tư tưởng quần chúng để nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của cấp trên thực hiện việc tiết kiệm thực phẩm trong lúc khó khăn, thì đó là dẫn đầu quần chúng hay đi sau quần chúng? Còn đơn vị bộ đội nào đó giết bò và chia lại cho xí nghiệp thì sẽ nghĩ thế nào về việc chấp hành chỉ thị của cấp trên?
Ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, có đám ma nhà ông D. thôn Xuân Đường, giết lậu một lúc ba con lợn, nấu 50 kilôgam gạo vừa nếp vừa tẻ để làm 121 mâm cỗ, mỗi mâm năm người. Tiền thu của người đến viếng được 1.257 đồng, chưa kể tiền trầu cau của dân làng đến góp theo tục lệ.
Rõ ràng đây là một tập quán không tốt còn diễn ra khá phổ biến ở Ngũ Phúc. Vì ở Ngũ Phúc có cán bộ chủ chốt chưa gương mẫu, còn vi phạm chính sách. Gia đình có đám ma trên đây là họ hàng của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã. Và cách đây độ 20 hôm, một con lợn khác cũng bị chết oan theo kiểu ấy ở nhà cậu đồng chí Phó Bí thư.
Vì cán bộ thiếu gương mẫu, ở xã Ngũ Phúc nạn lạm sát lợn vẫn thường xảy ra. Khánh thành trạm bơm giết hai con. Hợp tác xã tổng kết giết bốn con. Đội sản xuất tổ chức ăn tập đoàn giết một con, vân vân và vân vân.
(Trích báo Hải Phòng, ngày 4-1-1967)
Xin hỏi các đồng chí lãnh đạo Xí nghiệp 1-5 và các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Ngũ Phúc nghĩ thế nào?
CHIẾN SĨ
-----------------------
- Báo Nhân Dân, số 4667, ngày 17-1-1967, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.271-273.