Ở xã Kiến Bái (Thủy Nguyên)[1] vừa có hai đám cưới mà cách tổ chức hoàn toàn trái ngược nhau.

Đám cưới thứ nhất của anh Lâm và chị Hoan ở Hợp tác xã Tam Đông. Hai người cùng là đoàn viên thanh niên lao động. Được hai cơ quan và chính quyền địa phương giúp đỡ, hai người đã tổ chức cuộc vui của mình thật đơn giản, tiết kiệm, có ý nghĩa. Buổi họp mặt khoảng vài chục người, có chén nước chè xanh, điếu thuốc, chút ít bánh kẹo. Đặc biệt món văn nghệ thì thật “rôm rả”.

Thôn Tam Đông cũng như xã Kiến Bái nói chung, tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều tục lệ ăn uống lãng phí. Trước tình hình mới, cả xã đang tiến hành cuộc vận động tiết kiệm lương thực, thực phẩm. Đám cưới của hai đồng chí Lâm và Hoan là đám cưới đầu tiên thực hiện theo tinh thần cuộc vận động này, được chính quyền, đoàn thể, bà con, bè bạn rất hoan nghênh.

VÀ ĐÁNG CHÊ

Đám cưới thứ hai là của anh Vĩnh và chị Nhị ở Hợp tác xã Tiên Tiến. Hai người đều là đoàn viên thanh niên. Anh Vĩnh còn là giáo viên cấp I xã Mỹ Đồng. Đám cưới này tốn mất hai con lợn, một con dê, một số gà, hơn hai tạ gạo, vài chục lít rượu. Cỗ bàn có tới 150 mâm. Chi phí cả thảy gần 2.000 đồng. Mỗi người được mời dự ít ra cũng phải “mừng” khoảng năm đồng để nhà chủ "hòa vốn”(!). Không những thế, do ăn uống kéo dài vài ba ngày còn gây ảnh hưởng không tốt đến sản xuất đang lúc khẩn trương. Dư luận bà con cũng chê trách hai đoàn viên đó.

Người ta còn chê trách các đồng chí ở cửa hàng xuất khẩu Thủy Nguyên không hiểu vì lý do gì mà khi gia đình anh Vĩnh khiêng hai con lợn đến bán, đáng lẽ chỉ bán lại cho một số thịt nhất định để sử dụng theo đúng quy định, đằng này cán bộ cửa hàng xuất khẩu không những cho cả hai con lợn đem về mà còn cho thêm một bộ lòng nữa (?).

(Trích báo Hải Phòng, 4-3-1967)

Về đám cưới thứ hai này, có mấy điều nên bàn cho ra lẽ:

- Trong khi cả nước đang thi đua tiết kiệm để chống Mỹ, cứu nước, một người vừa là đoàn viên thanh niên lao động vừa là thầy giáo, mà làm trái chính sách như vậy, đồng chí Vĩnh nghĩ thế nào?

- Lợi dụng việc cưới vợ để phát tài (vì mỗi người được mời phải mừng ít ra cũng năm đồng), phải chăng như thế là bất liêm?

- Trong việc này, phải chăng đảng bộ và chi đoàn thanh niên ở Thủy Nguyên chưa làm tròn nhiệm vụ là giáo dục đồng chí Vĩnh?

- Còn các đồng chí cán bộ cửa hàng xuất khẩu nên chăng trả lời cho bà con rõ: Vì lý do gì mà đã không mua lợn của đồng chí Vĩnh, lại biếu thêm một bộ lòng?

CHIẾN SĨ

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 4724, ngày 16-3-1967, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.317-318.

1. Thuộc thành phố Hải Phòng (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.