Tuyên ngôn của Đảng nói:
"Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất". Và: "Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng".
Hai câu ấy đủ đập tan những lời bịa đặt đê hèn của bọn đế quốc và lũ phản động. Chúng thường vu rằng: Những đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin xem khinh trí thức.
Thật ra, chính bọn chúng lợi dụng trí thức, nô dịch trí thức và áp bức trí thức. Những người đại trí thức, thí dụ như ông Quyri (Curie) bị Chính phủ Mỹ "tẩy chay", bị Chính phủ Pháp cất chức. Đó là chứng cớ rõ ràng.
Chỉ có giai cấp công nhân mới thật yêu chuộng trí thức. Những người lao động trí óc được đặc biệt trọng đãi ở Liên Xô và ở các nước dân chủ mới. Đó cũng là chứng cớ rõ ràng.
Lao động trí óc là ai? Là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy, v.v..
Nhiệm vụ của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam hiện nay là kháng chiến và kiến quốc.
Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, ngoài việc quân sự ắt phải phát triển kinh tế. Cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp.
Cần phát triển giao thông vận tải, cho nên cần có những kỹ sư thông thạo về việc đắp đường, bắc cầu.
Cần giữ gìn sức khoẻ của dân, cho nên cần có thầy thuốc.
Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo, v.v..
Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội.
Ở đây, cũng nên nêu một điểm: Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến. Khác hẳn với Pháp trong thời kỳ bị Đức xâm chiếm: Trong số 32.026 Pháp gian bị xử án, một bộ phận lớn là trí thức. (Hiện nay trong tầng lớp trí thức Pháp, nhiều người đã giác ngộ, đứng vào hàng ngũ dân chủ và nhân dân. Họ tỏ thái độ rất trung thành, kiên quyết đấu tranh cho hòa bình và độc lập của nước Pháp).
Ngày nay, chúng ta phải làm hai việc nhằm một mục đích:
Một là đào tạo những trí thức mới trong công nông.
Hai là cải tạo những trí thức hiện có.
Dùng hai chữ "cải tạo" thì không khỏi mếch lòng những bạn trí thức quá giàu lòng tự ái. Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng: Về chuyên môn và trong mức nào đó, thì anh chị em trí thức khá. Song vì ngày trước, anh chị em đã bị giáo dục trong đường lối và khuôn khổ thực dân và phong kiến, cho nên tư tưởng và lề lối làm việc của anh chị em không khỏi ảnh hưởng của thực dân và phong kiến. Điều đó không phải lỗi tại anh chị em. Dù sao, thoát khỏi cái xiềng xích của ảnh hưởng ấy thì tài năng của trí thức ta sẽ tiến bộ vượt bực, sẽ rất ích lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì nó sẽ hợp với nhiệm vụ mới, tinh thần mới, xã hội mới của nước ta.
Muốn đạt mục đích ấy, trí thức ta cần cải tạo tư tưởng, sửa đổi lề lối làm việc.
Đào tạo trí thức mới.
Cải tạo trí thức cũ.
Công nông trí thức hóa.
Trí thức công nông hóa.
Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gụi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông.
Đó là nhiệm vụ chung và cần kíp, mà chúng ta phải cùng nhau cố gắng làm cho kỳ được.
C.B.
--------
-Báo Nhân Dân, số 6, ngày 1-5-1951, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.71-73.