Trồng cây gây rừng - là rất quan hệ đến việc phát triển nông nghiệp. Nó có thể thay đổi tính chất ruộng đất, làm cho ruộng đất tốt thêm. Nó có thể giữ gìn các nguồn nước và khắc phục nạn hạn, nạn lụt. Nó có thể ngăn cản gió bão, bụi cát, v.v..

Trồng cây gây rừng còn tạo nên một nguồn lợi lớn:

Cây để ăn quả, để ép dầu; gỗ để làm củi, để xây dựng nhà cửa, để bán ra các nước ngoài... Nó lại làm cho phong cảnh Tổ quốc thêm tươi đẹp.

Vì những lợi ích to lớn đó, Đảng và Chính phủ đã đặt kế hoạch trồng cây gây rừng: Nội trong mười năm, nơi nào có thể trồng cây là trồng hết - ở đất hoang và núi hoang, hai bên đường đi và hai bên sông ngòi, chung quanh nhà ở, trường học và doanh trại, v.v..

Nhân dân Trung Quốc đang hăng hái thực hiện kế hoạch đó. Vài thí dụ:

- Thượng Hải năm nay định trồng 15.500.000 cây, nhằm mục đích trong mười năm nhân dân thành phố sẽ tự túc một số hoa quả.

- Thị xã Hoài Nam (tỉnh An Huy) định trong năm nay trồng cây khắp vùng mỏ, trong hai năm nữa trồng cây khắp núi hoang. Họ nhằm thực hiện khẩu hiệu: “Dưới đất có biển quặng, trên đất có rừng cây”.

- Hán Khẩu định trong mười năm thì tự giải quyết được một phần lớn gỗ cần dùng cho thành phố.

- Từ Châu đặt kế hoạch nội trong năm năm sẽ trồng hai mươi dặm cây ăn quả, như táo, đào, v.v., để cung cấp đầy đủ các thứ quả cho công nhân làm mỏ.

- Quảng Tây đến tháng 2-1958 trồng được 1.650.000 mẫu, đến tháng 5 đã tăng lên hơn 3.860.000 mẫu.

Trong việc trồng cây gây rừng, gái trai, già trẻ đều hăng hái tham gia, cho nên đã có những “rừng cây nhi đồng”, “rừng cây thanh niên”, “rừng cây phụ nữ”... Lực lượng chính là thanh niên.

Trồng rồi, phải giữ gìn và săn sóc cho cây tốt. Các cơ quan và các đoàn thể có những đội phụ trách kiểm tra và so sánh lẫn nhau.

Các dân tộc thiểu số cũng không kém hăng hái. Thí dụ: Dân tộc Miên ở huyện Đại Miêu Sơn (Quảng Tây), Chính phủ định cho kế hoạch cả năm 1958 là 100.000 mẫu, nhưng chỉ một tháng họ đã trồng được 200.000 mẫu, tức là nhiều gấp bảy lần kế hoạch năm 1957. Họ làm đúng như câu vè họ đặt ra để khuyến khích lẫn nhau:

Không sợ đất, không sợ trời,

Mưa to, gió rét, cũng coi như thường.

Ngày làm, đêm cũng làm luôn,

Hoàn thành nhiệm vụ, thiếp với chàng sẽ về thôn.

Kế hoạch trồng cây gây rừng cả nước trong năm 1958 là 104.000.000 mẫu.

Đến hạ tuần tháng 5 đã trồng được 63.400.000 mẫu. Chắc rằng bà con Trung Quốc sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đã định.

Nhà máy nhỏ:

Năm nay, ở Hồ Nam, Hồ Bắc và các tỉnh khác có nhiều nơi mỗi mẫu khoai sản xuất 75 tấn, mỗi mẫu lúa mạch sản xuất từ năm đến sáu tấn.

Sản xuất đã tăng gia nhiều, tất nhiên nông dân muốn tiến lên nữa. Họ muốn có những trạm điện nhỏ để thắp đèn, xay lúa, tát nước... Họ cần có những xưởng máy nhỏ để sửa chữa và chế tạo nông cụ, v.v..

Họ làm theo nguyên tắc “cùng biện pháp, thổ kỹ sư”. Nghĩa là điều kiện đang “nghèo” thì tự lực cánh sinh, làm theo cách nghèo, làm nhỏ, thô sơ, miễn là dùng tốt; sau sẽ phát triển dần. Về mặt kỹ thuật, giám đốc là những cán bộ Đảng, kỹ sư là những anh em thợ rèn, thợ mộc, thợ nề trong làng. Họ vừa học vừa làm, vừa làm vừa học. Tiền vốn thì cần rất ít, và do nông dân quyên góp. Nguyên liệu, vật liệu thì lấy ngay ở địa phương, thí dụ:

Đến cuối tháng 5-1958, tỉnh Hà Bắc đã có 68.106 xưởng máy nhỏ, trong số đó hơn 14.000 xưởng sửa chữa và chế tạo nông cụ. Chỉ trong mười mấy hôm, khu Thạch Gia Trang từ 8.086 xưởng tăng lên 10.842 xưởng. Khu Bảo Định từ 7.202 xưởng tăng lên 18.505 xưởng.

Trong tỉnh có 1.011 xưởng làm xi măng theo lối mới.

Họ làm thế nào để xây dựng xưởng máy nhỏ?

Sau đây là kinh nghiệm của xưởng xi măng Phong Đài:

Với non mười đồng tiền vốn, hai ngày chuẩn bị, ba ngày xây dựng, là xưởng bắt đầu sản xuất.

Để học kỹ thuật làm xi măng, họ cho mấy người đến xem nhà máy xi măng chính cống ở cách làng không xa lắm. Cần có những nguyên liệu gì? Anh em ở nhà máy Chu Khẩu Điếm bày cho họ: dùng vôi, đất đỏ và thạch cao. Để giải quyết vấn đề nhà cửa, họ mượn được một ngôi nhà cũ và một lò gạch cũ. Nhân viên của xưởng gồm có tổng giám đốc là một đồng chí cán bộ trước đây làm nghề đánh xe bò, kỹ sư kiêm công nhân là ba người thợ làm gạch. Tiền vốn chỉ có non mười đồng nhân dân tệ để mua hai cái rây và một ít thạch cao. Thế là chuẩn bị xong xuôi.

Họ làm thử hai lần bị thất bại, lần thứ ba thành công. Xi măng này đắp lên tường, để khô, rồi lấy dùi sắt đập cũng không vỡ. Bộ Kiến trúc nghiên cứu và nhận cho nó vào hạng xi măng số 150. Hiện nay xưởng Phong Đài sản xuất mỗi ngày ba tấn xi măng, và đang đặt kế hoạch để phát triển hơn nữa.

- Sau khi giải quyết được nạn nước úng cho hàng vạn mẫu ruộng, nông dân vùng Thiên Tân nêu lên vấn đề xây dựng xưởng điện nhỏ. Theo khoa học thường, thì dùng sức nước vào nhà máy điện phải ở những nơi có thác, có nước chảy mạnh. Ở làng Bắc Ngũ Lý, mức nước chỉ khác nhau 1 thước 2 tấc.

Không chờ có kế hoạch và bản đồ, cán bộ Đảng cùng với mấy anh em thợ rèn, thợ mộc, thợ gạch vừa làm kế hoạch, vừa xây dựng. Chỉ trong chín ngày, đèn điện đã sáng choang trong hơn 400 nhà nông dân. Lúc đó, các kỹ sư chính cống mới mang kế hoạch đến.

Sức điện của xưởng này mỗi ngày xay được 6.000 kilô bột (hai người phụ nữ xay một ngày chỉ được hơn mười kilô), bừa được 5.000 kilô cỏ, và làm được nhiều việc khác. Mỗi năm nó sẽ tiết kiệm được 50.000 ngày công của người và 17.000 ngày công của trâu ngựa. Sức lao động này dùng làm việc khác sẽ tăng rất nhiều lợi ích cho dân làng.

Quản lý xưởng điện chỉ có bốn xã viên của hợp tác xã nông nghiệp.

- Bắc Ngũ Lý thành công, chín xã khác liền bắt chước, Chi bộ xã Trần Quan Đồn nêu khẩu hiệu:

“Trong năm hôm, đèn điện sẽ sáng khắp làng,

Sẽ đỡ sức lao động cho nàng cùng ta,

Sẽ đưa chỉ thị của Đảng và Chính phủ đến tận nhà (Ý nói nghe đài phát thanh).

Sẽ đẩy mạnh chủ nghĩa xã hội, làm cho nước ta mạnh giàu...”.

Cần bao nhiêu nguyên liệu, vật liệu, dân làng thi nhau quyên. Có người quyên cả cối đá. Bí thư chi bộ xã tháo tường nhà để lấy đá ra quyên.

Lúc đó là trung tuần tháng 3, trời rét như cắt, đường thì bùn lầy, nhưng phụ nữ vẫn thi nhau đi vác gỗ, vác tre: đàn ông thi nhau xuống nước để xây dựng. Họ làm cả ngày cả đêm. Đến đêm thứ 5 thì xưởng xây dựng xong và đèn điện bắt đầu sáng.

Tất cả chỉ tốn 2.516 đồng mua máy và dây điện. Số tiền ấy chia ra cho 3.785 người dân làng góp, mỗi người chỉ cần góp sáu hào.

Hàng vạn nhà máy nhỏ khác đều làm theo nguyên tắc “cùng biện pháp, thổ kỹ sư” đó.

TRẦN LỰC

---------------------------------

Báo Nhân Dân, số 1575, ngày 5-7-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.