Trâu bò than thở

Đêm Đông gió thổi ù ù

Nhỏ to nghe tiếng trâu bò thở than:

- “Chúng mình gặp cảnh cơ hàn

Biết rồi tính mệnh có toàn cho chăng!

Ngẫm người lại nghĩ đến thân[1]

Họ mà đoái tới bớt phần long đong”.

Tiếng than nghe đến não nùng

Rằng ai có thể cầm lòng cho đang!

ĐÌNH LIỆU

(Trích báo Thủ đô Hà Nội, 22-1-1967)

Đông Anh mọi việc đều có tiến bộ. Tiếc rằng việc chăm sóc trâu bò thì còn quá kém!

Các đồng chí cán bộ và bà con xã viên hợp tác xã nên nghiêm khắc tự kiểm thảo, và từ nay phải thương xót trâu bò hơn nữa.

Bó cỏ khao trâu

Rét kéo dài đợt này tiếp đợt khác. Ban ngày rét, ban đêm càng rét tợn. Ngủ trong nhà, đắp chăn mà vẫn thấy cái lạnh chung quanh.

Liên đội Thiếu niên tiền phong xã Thịnh Liệt (Thanh Trì) gồm hơn 100 em bàn nhau chống rét cho trâu bò. Các em chia nhau đến từng gia đình được giao nuôi trâu bò của hợp tác xã, xem xét chuồng trại, có chỗ nào chưa kín gió là lấy rơm, liếp che chắn lại; tìm bao tải cũ may áo rét cho trâu bò; thường xuyên đi kiểm tra xem các gia đình có cho trâu bò ăn đủ, ăn no không. Thấy có một số trâu bò gầy yếu, các em bảo nhau đi cắt cỏ tươi bồi dưỡng cho chúng thêm sức chống rét. Trong hai ngày 16 và 17-1-1967, các em đã cắt được hơn 300 kilôgam cỏ gọi là “bó cỏ khao trâu”. Em Luyến đi học xa ba, bốn kilômét, tan trường tranh thủ về ngay nhà để cùng các bạn đi cắt cỏ khao trâu bò.

Nhờ được chăm sóc tốt, từ vào Đông đến nay, 115 con trâu bò của xã chưa có con nào chết vì rét. Ở các xã Trần Phú, Tam Hiệp, Yên Mỹ, Vạn Phúc... trong thiếu niên cũng có phong trào “bó cỏ khao trâu”.

Các em ở Hợp tác xã Măng Non, xã Ngọc Thụy (Gia Lâm) thu nhặt được hơn 400 kilôgam lá chuối khô để che chuồng trại. Nhiều em ở xã Ninh Hiệp, hằng ngày, sau khi đi học về, mỗi em cắt hai kilôgam cỏ để bồi dưỡng cho trâu bò.

(Trích báo Thủ đô Hà Nội, 21-1-1967)

Việc làm của thiếu niên các xã Thịnh Liệt, Tam Liệt, Ngọc Thụy, v.v., tuy nhỏ, nhưng rất có ích. Như vậy là các em đã góp phần vào công việc tăng gia sản xuất, chống Mỹ, cứu nước.

Thiếu niên các xã khác cũng nên thi đua làm như vậy.

CHIẾN SĨ

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 4674, ngày 24-1-1967, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.285-286.

[1]. Huyện Đông Anh mới đầu vụ rét đã có 34 con trâu bò bị chết rét, riêng xã Hải Bối chết năm con (cả huyện có 7.000 con trâu bò, trong năm 1966 chỉ đẻ thêm 200 con).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.