Đó là một việc rất quan trọng trong chỉnh phong và trong tiến bộ nhảy vọt, cho nên tôi muốn tóm tắt kinh nghiệm ấy, để các đồng chí tham khảo.

Chúng là phe phản động, phản cách mạng. Chúng ở trong tầng lớp trí thức tư sản mà ra, nhưng chỉ chiếm một số rất ít - độ 2%.

Có những tên đầu sỏ có địa vị chính trị, như Chương Bá Quân, La Long Cơ, Chương Nãi Khí đều đã từ chức bộ trưởng. Có những tên là quân phiệt và quan liêu cũ, như Long Vân, Trần Minh Khu, Hoàng Thiệu Hùng. Có những tên là chủ bút các báo như báo Văn hối, báo Tân dân, Quang Minh nhật báo. Trong các giới văn nghệ, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, y tế đều có đồ đệ của chúng.

Tuyệt đại đa số phe hữu là ngoài Đảng. Nhưng cũng có một số rất ít ẩn núp trong Đảng, như bọn Đinh Linh, Giang Phong, Phùng Tuyết Phong trong văn nghệ; trong chính trị thì có bọn Vương Hàn là cựu Thứ trưởng Bộ Giám sát, Trần Chi Cân - trưởng Bộ Văn hóa của Quân giải phóng, Sa Văn Hán - cựu tỉnh trưởng tỉnh Triết Giang.

Đại đa số là bọn bất mãn. Theo điều tra nghiên cứu, thì lý lịch chính trị của 584 tên phe hữu như sau:

Hơn 35% thuộc loại cá nhân chủ nghĩa tột mực.

Hơn 27% gia đình phản động bị đấu.

Hơn 15% từ sau ngày giải phóng, bản thân đã bị đấu tranh hoặc xử trí.

Hơn 11% chịu ảnh hưởng bọn phản động.

Hơn 8% đã từng tham gia đảng phái phản động.

Hơn 3% vì những nguyên nhân khác.

Âm mưu của phe hữu

Chúng tìm mọi cách để chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết của nhân dân. Chúng ấp ủ âm mưu chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, và chỉ chờ có “dịp tốt” để tấn công.

Việc phê phán đồng chí Stalin trong Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, cuộc rối loạn ở Hunggari, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc về “Trăm hoa đua nở”, cuộc chỉnh phong hiện nay - phe hữu cho đó là “dịp tốt” đã đến, cho nên chúng lợi dụng “đại minh đại phóng” để mở cuộc tiến công điên cuồng vào Đảng, vào chế độ. Cương lĩnh phản động của chúng là:

- Chống chính trị và văn hóa xã hội chủ nghĩa, mong khôi phục chính trị và văn hóa tư sản.

- Chống những chính sách căn bản của Nhà nước, chúng tuyên truyền rằng cải cách ruộng đất đã thất bại, hợp tác hóa nông nghiệp là mạo hiểm, trấn áp phản cách mạng là khủng bố, v.v..

- Chống sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, báo chí, xuất bản... Chúng nói Đảng chỉ biết chính trị, không thể lãnh đạo chuyên môn.

- Chúng tuyên truyền rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là giáo điều, văn hóa giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa kém thua văn hóa giáo dục của các nước tư bản. Chúng đòi tự do truyền bá khoa học xã hội, kinh tế học, sử học, triết học của giai cấp tư sản; và tự do độc lập về báo chí, xuất bản, v.v..

Nói tóm lại: chúng hết sức chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chống chuyên chính vô sản, chống Đảng lãnh đạo. Chúng mong khôi phục lại chế độ tư bản, chế độ người bóc lột người.

Có thể nói chúng là một dòng họ với bọn tơrốtkít ở Liên Xô trước đây, bọn Đôriô ở Pháp, bọn phiến loạn ở Hunggari, bọn Nhân văn - Giai phẩm ở Việt Nam ta.

Cách thức đánh phe hữu

Sau khi kinh tế đã hoàn thành cải tạo theo chủ nghĩa xã hội, nhiều đảng viên, đoàn viên và quần chúng lầm tưởng rằng: đấu tranh giai cấp đã kết thúc ngay. Họ không hiểu rằng đấu tranh giai cấp vẫn còn, họ xem nhẹ âm mưu thâm độc của phe hữu, và không nhận rõ rằng phe hữu là kẻ thù hung ác về mặt tư tưởng và chính trị. Họ có tư tưởng hữu khuynh, chủ quan, khinh địch. Vì vậy, để đánh tan phe hữu, trước hết Đảng đã mở một cuộc động viên tư tưởng rộng và sâu.

Để bác những luận điệu gian dối của phe hữu, cần phải bày sự thật, nói đạo lý. Dùng sự thật hiển nhiên và chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin mà đánh, thì nhất định thắng kẻ thù phe hữu. Tuyệt đối không dùng cách giản đơn, thô bạo, chụp mũ lung tung - như vậy thì chưa đánh bại phe hữu, mà đã gây phản ứng không tốt giữa đám người trung gian.

Trước mỗi đợt đấu tranh, Đảng đã chuẩn bị thật đầy đủ, điều tra nghiên cứu kỹ những việc do phe hữu nêu ra, thường thường chúng bịa đặt hoặc bóp méo sự thật là quan điểm của chúng.

Sau những đợt đấu tranh, thì tổng kết kinh nghiệm. Làm như vậy, vừa đánh thắng kẻ thù, vừa rèn luyện thêm chiến sĩ của ta.

Cần xét rõ từng người, để phân hóa địch:

Có tên bị quần chúng phê bình, thì nhận tội lỗi và xin cải tạo.

Có những tên thì bộ mặt xấu xa của chúng đã rõ rệt, quần chúng đều biết và hết sức phản đối. Đối với bọn này thì dễ đánh gục.

Bọn đầu sỏ có lý luận và có quần chúng, là kẻ thù nguy hiểm nhất. Đối với chúng, lực lượng tiến công phải mạnh, thanh thế phải to, chiến đấu phải lâu dài và kiên quyết, nắm chặt lấy chúng, truy chúng đến cùng, đánh gục chúng một cách triệt để.

Đồng thời, ra sức giáo dục và tranh thủ phe trung gian, làm cho họ thấy rõ tội ác của phe hữu. Tranh thủ cả những phần tử hữu lưng chừng. Làm như vậy dễ cô lập hẳn phe hữu ngoan cố.

Kinh qua đấu tranh làm cho phe tả được rèn luyện thêm, cảnh giác thêm. Làm cho phe trung gian thấy rõ đâu là phải, đâu là trái, khiến cho tư tưởng họ dứt khoát với phe hữu, và cố gắng chuyển sang phe tả. Làm cho phe hữu hoàn toàn bị bộc lộ, bị phê phán, bị cô lập.

Cũng như mọi việc khác, việc đánh phe hữu phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng, thì nhất định thắng lợi.

Vì sao phải đánh tan phe hữu?

Đánh phe hữu là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, to lớn trên mặt trận tư tưởng và chính trị.

Chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa về mặt kinh tế (như hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản theo chủ nghĩa xã hội từ năm 1956) cũng chưa đủ. Còn cần phải có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về mặt chính trị và tư tưởng.

Chỉnh phong và việc đánh phe hữu đã đẩy mạnh cuộc thảo luận trong toàn dân để giải quyết những câu hỏi căn bản:

- Phải chăng trong cuộc cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa, thành tích là chính?

- Phải chăng cần tiến lên chủ nghĩa xã hội?

- Phải chăng cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, cần có chế độ chuyên chính vô sản và dân chủ tập trung?... Và những vấn đề quan trọng khác.

Đảng và nhân dân thắng lợi trong cuộc đại biện luận này, rất có lợi cho công việc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nó còn có ảnh hưởng lớn đối với thế giới. Phe hữu là những thứ cỏ độc. Nhưng chính sách ta khéo, thì nhổ được cỏ độc, biến nó thành phân bón cho ruộng đất thêm tốt.

Kinh qua năm tháng đấu tranh kịch liệt, mặt mũi phản động của phe hữu đã hoàn toàn bị quần chúng lột trần, luận điệu gian dối của chúng đã bị sự thật đánh bại, chúng đã hoàn toàn bị đánh tan. Đại đa số phe hữu đã nhận tội lỗi trước nhân dân, trước Đảng và Chính phủ, và xin cải tạo để trở nên con người mới. Bọn đầu sỏ phe hữu đã bị nhân dân phỉ nhổ.

Nhân dân và Đảng đã hoàn toàn thắng lợi.

Để củng cố và phát triển kết quả của thắng lợi ấy, Đảng tăng cường việc giáo dục xã hội chủ nghĩa trong Đảng, trong đoàn thanh niên, trong giai cấp công nhân và nông dân lao động.

Chỉnh phong và đánh phe hữu đã chứng tỏ rằng: Đảng căn bản là trong sạch và vững mạnh không gì lay chuyển được, tuyệt đại đa số đảng viên và đoàn viên là tốt. Đồng thời nó đã giúp Đảng soi sáng những khuyết điểm (có những khuyết điểm nghiêm trọng, như để mấy tên phe hữu ẩn nấp trong Đảng) và kịp thời sửa chữa những khuyết điểm ấy, để làm cho Đảng càng trong sạch, càng vững mạnh.

TRẦN LỰC

--------------------------

Báo Nhân Dân, số 1647, ngày 16-9-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.