Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là:

- Tuân theo pháp luật Nhà nước.

- Tuân theo kỷ luật lao động.

- Giữ gìn trật tự chung.

- Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung.

- Hăng hái tham gia công việc chung.

- Bảo vệ tài sản công cộng.

- Bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm kháng chiến, bộ đội ta anh dũng hy sinh xương máu, đồng bào ta hăng hái góp sức của, sức người. Điều đó tỏ rằng đại đa số nhân dân ta đã tự giác, tự động làm trọn nghĩa vụ của người chủ nước nhà.

Nhưng vẫn có một số ít người không làm đúng như vậy. Họ muốn hưởng quyền lợi mà không muốn làm nghĩa vụ. Thậm chí có những người phá hoại pháp luật (như tham ô, buôn gian, lậu thuế, trộm cắp, lưu manh...). Những thói xấu đó là do:

a) Ảnh hưởng của xã hội cũ, của chế độ thực dân, phong kiến còn lại.

b) Bọn đế quốc, phong kiến tuyên truyền lừa bịp, xui giục phỉnh phờ, làm cho một số người lạc hậu trốn tránh nghĩa vụ, làm trái phép luật, trái đạo đức công dân.

Cho nên chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi của công dân và nghĩa vụ của công dân là nhất trí; đã là người chủ của nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc. Giáo dục có nhiều cách: giúp quần chúng giáo dục quần chúng bằng cách tự phê bình và phê bình để dạy dỗ lẫn nhau. Cán bộ giáo dục quần chúng bằng cách vạch rõ âm mưu của địch, lấy sự thật mà giải thích cho quần chúng rõ địa vị cao quý của người chủ nước nhà, lực lượng xây dựng to lớn của ta, tương lai vẻ vang của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước của mọi người. Giáo dục là chính, nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 320, ngày 15-1-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.258-259.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.