Điều thứ 1 trong Chính cương của Đảng là: Kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Để kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, trước hết tất cả đảng viên, cán bộ, bộ đội và nhân dân đều phải luôn luôn ghi nhớ rằng: Kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng cũng nhất định phải trường kỳ và gian khổ.
Hiểu thấu như thế, thì mọi công việc mới làm đúng, và tránh khỏi những xu hướng sai lầm như: cầu an, chủ quan, khinh địch, v.v..
Đồng thời, mọi người cần phải hiểu chiến lược của ta.
Cuộc kháng chiến của ta có nhiều chỗ giống cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống Nhật, chống Tưởng ngày trước. Vì vậy, ta có thể tùy điều kiện thiết thực của ta mà áp dụng chiến lược của nhân dân Trung Quốc (tức là chiến lược Mao Trạch Đông).
Chiến lược ấy gồm có 10 điểm như sau:
1. Trước đánh bọn địch lẻ tẻ và yếu. Sau đánh bọn địch tập trung và mạnh.
2. Trước chiếm lấy những thành thị nhỏ và vừa vừa, và những làng mạc to. Sau lấy những thành thị to.
3. Mục đích chính của ta là tiêu diệt sinh lực của địch, chứ không cốt tranh lấy hoặc đóng giữ các thành thị và các địa phương. Đánh chiếm hoặc đóng giữ thành thị và địa phương là kết quả của sự tiêu diệt sinh lực địch, cho nên thường phải đánh đi đánh lại mấy lần, cuối cùng mới giữ được hoặc chiếm được.
4. Trong mỗi trận đánh, ta phải tập trung binh lực của ta gấp 2, gấp 3, gấp 4, có khi gấp 5, gấp 6 binh lực của địch; bao vây tứ phía địch, cốt tiêu diệt hết địch, không để thoát tên nào.
Khi gặp tình hình đặc biệt, thì tập trung toàn lực của ta đánh mặt chính và một bên hoặc hai bên sườn của địch, để tiêu diệt một bộ phận và đánh tan một bộ phận của địch, đặng ta có thể mau chóng chuyển sang đánh bộ phận khác của địch.
Phải tránh những trận lợi không bù hại, hoặc được thua ngang nhau.
Như vậy, xem chung (nói về số quân) thì thế ta yếu. Nhưng xem riêng từng mỗi chiến dịch, thì thế ta rất mạnh, nhất định ta thắng. Rồi dần dần ta sẽ chuyển thành thế mạnh chung, cho đến khi tiêu diệt hết địch.
5. Không chuẩn bị đầy đủ, thì không đánh.
Không chắc thắng, thì không đánh.
Mỗi lần đánh, ắt phải chuẩn bị, ắt phải nắm chắc thắng lợi khi đã so sánh điều kiện của địch và của ta.
6. Phải nâng cao trong bộ đội cái tinh thần dũng cảm, không sợ khó nhọc, không sợ hy sinh, chiến đấu dẻo dai. (Trong một thời gian ngắn, tiếp tục đánh luôn mấy trận).
7. Ra sức đánh vận động để tiêu diệt sinh lực địch. Đồng thời cũng chú trọng đánh trận địa, để tranh lấy cứ điểm và thành thị của địch. (Ở ta hiện nay, phát triển du kích rộng rãi là nhiệm vụ chủ yếu. Dần dần mới theo đúng như Trung Quốc được).
8. Ở những cứ điểm và thành thị, sức địch yếu, thì ta kiên quyết đánh lấy cho kỳ được. Những nơi sức địch vừa vừa, thì ta chọn dịp tốt mà đánh lấy. Những chỗ địch giữ gìn kiên cố, ta phải chờ điều kiện chín muồi mới đánh lấy.
9. Dùng toàn bộ vũ khí và nhân viên của địch mà bổ sung cho ta. Cái nguồn chính về sức người và sức của cho ta, là ở mặt trận. (Tức là chiếm lấy của địch mà dùng).
10. Phải khéo lợi dụng những ngày giờ giữa chiến dịch này đến chiến dịch khác, để nghỉ ngơi, chỉnh đốn và huấn luyện bộ đội. Không nên nghỉ ngơi quá lâu. Không nên để cho địch lấy lại được hơi thở. (Song cố nhiên quân ta cũng phải có thì giờ mà thở).
Chiến lược ấy xây dựng trên nền tảng nhân dân chiến tranh, quân và dân đoàn kết nhất trí, cán bộ và binh sĩ đoàn kết nhất trí, đẩy mạnh địch vận để làm tan rã quân địch, đẩy mạnh công tác chính trị trong bộ đội.
Ta phải học tập tư tưởng chiến lược Mao Trạch Đông và khôn khéo áp dụng vào hoàn cảnh nước ta. Được như thế, nhất định chúng ta sẽ thắng.
C.B.
--------
- Báo Nhân Dân, số 4, ngày 15-4-1951, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.60-62.