Luôn luôn quan tâm đến việc làm cho nước Đức thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, luôn luôn lo lắng giữ gìn hòa bình châu Âu và hòa bình thế giới, ngày 15 tháng 1, Chính phủ Liên Xô lại ra một bản tuyên bố về vấn đề Đức. Nội dung của bản tuyên bố gồm những điểm chính dưới đây:

1- Điều kiện quan trọng nhất và cấp bách nhất để giải quyết vấn đề Đức là giải quyết trước hết vấn đề thống nhất lại nước Đức. Để giải quyết nhiệm vụ đó, cần phải mở các cuộc thương lượng giữa Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô về vấn đề thống nhất lại nước Đức trên cơ sở tổ chức những cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước Đức trong năm 1955.

2- Hiệp ước Pari quy định vũ trang lại Tây Đức và lôi kéo Tây Đức vào khối quân sự xâm lược sẽ kéo dài tình trạng chia sẻ nước Đức, ngăn cản việc thống nhất lại nước Đức một cách hòa bình và làm tăng thêm nguy cơ một cuộc chiến tranh mới ở châu Âu. Vì vậy cần phải bác bỏ Hiệp ước Pari.

3- Nếu cứ thông qua Hiệp ước Pari thì Liên Xô bắt buộc phải cùng với các nước châu Âu yêu chuộng hòa bình áp dụng những phương sách cần thiết để củng cố nền hòa bình và an ninh ở châu Âu.

Những đề nghị của Liên Xô hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Đức, vì nó đảm bảo những quyền dân tộc sống còn của nước Đức. Nguyện vọng thiết tha của tối đại đa số nhân dân Đức hiện nay là thống nhất lại nước Đức một cách mau chóng bằng phương pháp hòa bình, là làm cho nước Đức là một trung tâm hòa bình. Không một người Đức yêu nước nào lại muốn nước Đức bị chia sẻ mãi mãi. Cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân Đức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đang diễn ra ở toàn nước Đức chống Hiệp ước Pari là biểu hiện cụ thể của nguyện vọng thiết tha ấy.

Những đề nghị của Liên Xô hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân châu Âu, với lợi ích của hòa bình và an ninh châu Âu. Nhân dân châu Âu, nhất là nhân dân Pháp, do kinh nghiệm bản thân trong một nửa thế kỷ vừa qua đã thấy rõ sự nguy hại của một nước Đức phát xít, phục thù. Hiệp ước Pari chủ trương vũ trang lại Tây Đức, chủ trương phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức, giao cho bọn phát xít Đức quyền sử dụng các vũ khí nguyên tử, vũ khí vi trùng là một mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với hàng trăm triệu sinh mệnh ở châu Âu, đối với độc lập, an ninh của các nước châu Âu, nhất là đối với nước Pháp. Đề nghị của Liên Xô đòi mở ngay cuộc thương lượng giữa Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô để bàn về vấn đề thống nhất lại nước Đức và làm cho nước Đức thành một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, được thực hiện sẽ tạo được nhiều khả năng để tiêu diệt mối đe dọa đó. Nếu quốc hội các nước phương Tây cứ liều lĩnh thông qua Hiệp ước Pari theo mệnh lệnh của đế quốc Mỹ và phe lũ thì sẽ không thể thực hiện được cuộc thương lượng giữa bốn nước lớn.

Nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới nhiệt liệt hoan nghênh đề nghị của Liên Xô về vấn đề Đức. Vấn đề Đức được giải quyết theo đề nghị của Liên Xô không những có tác dụng lớn đối với việc giữ gìn hòa bình ở châu Âu mà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc củng cố hòa bình toàn thế giới. Một nước Đức phát xít, phục thù không những chỉ là mối lo ngại của riêng nhân dân châu Âu. Một cuộc chiến tranh xảy ra ở châu Âu sẽ mau chóng trở thành đại chiến thế giới. Kinh nghiệm hai cuộc đại chiến vừa qua đã cho thấy rất rõ. Kẻ đầu tiên gây ra hai cuộc đại chiến ấy chính là phát xít Đức. Đề nghị của Liên Xô mang lại khả năng tiêu diệt chủ nghĩa quân phiệt Đức. Một nước Đức thống nhất, hòa bình, độc lập, dân chủ sẽ cống hiến rất nhiều cho sự tiến bộ của thế giới vì dân tộc Đức có một vốn văn hóa, khoa học rất phong phú. Một nước Đức như thế chỉ có thể thực hiện được bằng đường lối do bản tuyên bố ngày 15 tháng 1 của Liên Xô đã đề ra, tuyệt đối không phải bằng đường lối của Hiệp ước Pari do Mỹ, Anh, Pháp chủ trương.

Bản tuyên bố ngày 15 tháng 1 của Chính phủ Liên Xô là một sự ủng hộ quan trọng đối với nhân dân Đức trong cuộc đấu tranh giành thống nhất, hòa bình, độc lập, dân chủ. Đồng thời nó cũng là một cống hiến lớn cho lực lượng yêu chuộng hòa bình toàn thế giới.

T.L.

------

- Báo Nhân Dân, số 325, ngày 20-1-1955, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.268-270.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.