Vừa rồi, đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam 2 nghìn lính nhãi Nam Triều Tiên và 3 nghìn rưỡi lính thủy đánh bộ Mỹ. Thế là Mỹ tiến thêm một bước nguy hiểm, mở rộng chiến tranh. Đồng thời, việc đó càng tỏ rõ quân đội ngụy đã mất hết tinh thần và tỏ rõ Mỹ yếu chứ không mạnh. Vì Mỹ yếu cho nên phải đưa thêm lính Mỹ và phải nhờ lính của bọn Pakxuixi[1]?

Việc đó càng tỏ rõ đế quốc Mỹ chắc thua, miền Nam ta chắc thắng. Những người Mỹ biết điều và dư luận thế giới đều đoán như vậy. Vài thí dụ:

- Năm ngoái, bản báo cáo bí mật của Cục Tình báo Mỹ đã nói Mỹ sẽ thua.

- Hồi tháng 4-1954, mồ ma Ken đang làm nghị sĩ, y nói: "Không sự viện trợ nào cho Đông Dương có thể đánh thắng một kẻ địch có mặt ở khắp nơi, đồng thời không thấy họ ở đâu cả (ý nói quân du kích). Họ lại được nhân dân đồng tình và ủng hộ... Phái quân đội đến một vùng khó khăn nhất trên thế giới như vậy... tức là Mỹ phải đương đầu với một tình trạng còn khó khăn hơn ở Triều Tiên".

- Báo tư sản Mỹ Ngôi sao buổi chiều viết: "Các chuyên gia quân sự cho rằng trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, lính Mỹ chết hơn 34.000 người[2], ở Việt Nam con số đó sẽ tăng gấp đôi... Nếu phái nhiều quân đội Mỹ vào những vùng lầy lội, hiểm trở như ở Việt Nam, thì họ sẽ bị nuốt sạch!".

- Tờ Thời báo Nữu Ước viết: "Vô luận vũ khí phổ thông hoặc vũ khí nguyên tử cũng không thắng được quân du kích. Muốn thắng họ thì phải rải quân khắp trên mặt đất, khắp dưới ao đầm, khắp đồng bằng, khắp rừng núi... Du kích là người châu Á, châu Phi. Người da trắng chắc chắn không thắng được họ".

- Người Mỹ viết báo nổi tiếng nhất là Lípman viết: "Sự thật không vui vẻ cho Mỹ và Việt cộng nhất định thắng!".

Người Anh là dòng họ của người Mỹ. Tuy Chính phủ Anh trắng trợn ủng hộ đế quốc Mỹ, nhưng dư luận Anh thì đúng đắn hơn. Thí dụ:

- Báo Người bảo vệ viết: "Mỹ càng trèo cao, thì phải rơi xuống dốc càng sâu".

- Báo Diễn đàn hôm nay viết: "Mỹ không sao thắng được cuộc chiến tranh ở Việt Nam".

- Báo Mặt trời viết: "Mỹ không thể thắng. Cái xứ Việt Nam đầy rẫy rừng núi là một điều lý tưởng cho đối phương của Mỹ...".

Như để chứng tỏ những lời trên đây là đúng, hãng Mỹ UPI (5-3-1965) kể lại chuyện sau đây: Cuối tháng 2, đầu tháng 3, ở vùng Bình Giã đã diễn ra một chiến dịch "trực thăng vận" to nhất từ năm 1961 đến nay. Mỹ và bọn tay sai đã dùng 2.500 binh sĩ và 137 máy bay lên thẳng, chỉ tiêu phí cho máy bay đã hết 10 vạn đôla. Hành quân suốt 6 ngày đêm, chỉ bắt được 1 người du kích. Nhưng ngụy quân lại chết toi 10 tên và 15 tên bị thương, vì máy bay Mỹ ném bom lên đầu chúng.

UPI nhắc thêm: "Tháng 8 năm ngoái cũng có một cuộc hành quân rầm rộ như vậy và cũng đã kết quả thất bại như vậy".

Báo Anh Công dân viết: "Cứ 15 lính chính quy mới chống được một chiến sĩ du kích. Nếu Mỹ mong thắng được một chừng nào đó, thì phải đưa đến Việt Nam 7 triệu lính Mỹ...".

Hơn mười năm trước đây, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Pháp đã chết và bị thương 172.000 người[3]. Sau này dù có đến 7 triệu binh sĩ Mỹ thì hố sâu và đồng lầy Việt Nam cũng thừa chỗ để "hoan nghênh" chúng.

Nhân dân ta cóc sợ.

Nhân dân ta không chủ quan khinh địch, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

Trời của ta, đất của ta, người của ta, ta nhất định thắng.

CHIẾN SĨ

----------------------------

Tái bút - Nhân dân Việt Nam kiên quyết đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược. Nhưng chúng ta thông cảm với những người Mỹ có chồng con bị lừa đi chết ở chiến trường Việt Nam. Chúng ta cảm ơn các vị nghị sĩ, các người trí thức và lãnh đạo tôn giáo, các đoàn thể công nhân, các chị em phụ nữ và anh em thanh niên, sinh viên Mỹ đã cương quyết bảo vệ chính nghĩa và đòi đế quốc Mỹ rút ngay khỏi miền Nam Việt Nam để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình như Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 quy định.

- Báo Nhân Dân, số 3996, ngày 12-3-1965, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.14, tr.506-508.

[1]. Pắc Chung Hi (BT).

[2]. Sự thật thì lính Mỹ chết nhiều hơn (TG).

[3]. Theo con số của Pháp (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.